Sản xuất kinh doanh quý I của Vinacomin: Chính sách mới - hiệu quả mới
(Petrotimes) - Từ quý II này, giá than bán cho điện sẽ được Chính phủ điều chỉnh, cụ thể tăng 27% so với giá thành hiện tại. Tuy vậy, mức giá trên cũng chỉ tương đương mức giá sản xuất sau kiểm toán của năm... 2011. Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẳng định, nguồn tích lũy của doanh nghiệp đã cạn, bởi vậy nếu Chính phủ không tiếp tục cải thiện chính sách giá, chính sách thuế thì 14 vạn người lao động ngành than có thể gặp khó khăn ngay trong năm 2013.
Vướng mắc không chỉ ở giá than cho điện
Trong buổi tổng kết công tác sản xuất - kinh doanh quý I, triển khai kế hoạch quý II/2013 được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó tổng giám đốc Vinacomin Nguyễn Văn Biên thông báo, doanh thu toàn Tập đoàn quý I chỉ đạt 24 nghìn tỉ đồng, bằng 23% kế hoạch năm. Như vậy khả năng cân đối tài chính, thu xếp vốn, vay vốn và đầu tư tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu than, trước mắt đến mốc xung quanh năm 2015 sẽ gặp trục trặc.
Thống kê cho thấy, tổng sản lượng than nguyên khai Vinacomin sản xuất đạt 11,7 triệu tấn, bằng 25% kế hoạch; trong đó than tiêu thụ đạt 10,7 triệu tấn, đạt 25% kế hoạch. Về khoáng sản, Tập đoàn sản xuất 164 tấn thiếc thỏi, 1.485 tấn kẽm thỏi, 11.361 tấn tinh quặng đồng, 2.300 tấn đồng tấm. Sản xuất điện và tiêu thụ 2.551 triệu kWh, bằng 30% kế hoạch năm.
Phó tổng giám đốc Vinacomin Nguyễn Văn Biên báo cáo tình hình SXKD quý I/2013
“Với doanh thu khiêm tốn như vậy, Tập đoàn khó có thể cân đối tài chính để đẩy phần lãi ròng lên bằng mức kỳ vọng. Tôi không giấu diếm chuyện tiền lương của công nhân mỏ hiện chỉ gần bằng mức năm 2012, tức là còn thấp hơn năm 2011 khoảng 10%”, ông Biên chia sẻ.
Lý giải điều này, Phó tổng giám đốc Biên cho hay thị trường tiêu thụ năm ngoái giảm sút, giá than xuất khẩu giảm mạnh, giá than cho điện bán dưới giá thành (riêng tiền bù cho điện lên tới trên 1.500 tỉ đồng) dẫn đến Tập đoàn phải điều chỉnh sản lượng, tiết giảm chi phí gồm giãn khấu hao, giảm nhẹ tiền lương v.v… cho nên các nguồn lực, điều kiện gối đầu cho sản xuất năm nay rất khó khăn.
“Tình hình khai thác hầm lò ngày càng sâu, đầu tư nhiều hơn, áp lực mỏ ngày càng lớn nên nguy cơ mất an toàn cao hơn. Thực tế này làm cho giá thành sản xuất than tiếp tục tăng. Từ ngày 20-4 vừa rồi, giá than cho điện được điều chỉnh tăng thêm 27%, nhưng mới chỉ bằng 71-73% giá thành kiểm toán năm 2011 và so với giá thành năm 2013 mới chỉ bằng 63-66%”, lãnh đạo Vinacomin trả lời báo giới.
Theo kế hoạch, năm 2013, Vinacomin được giao sản xuất 43 triệu tấn than, hiện Tập đoàn đang điều hành ưu tiên đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước khoảng 28-28,5 triệu tấn, còn lại phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, do thị trường khó khăn, nếu giá than xuất khẩu không cải thiện thì Tập đoàn sẽ chỉ xuất khẩu ở mức phù hợp, cắt giảm kế hoạch, có thể chỉ còn 41,5-43 triệu tấn.
Theo ông Biên, tình hình kinh tế khu vực thực tế chưa được cải thiện, nhu cầu chưa tăng trong khi bối cảnh cạnh tranh than trên thị trường thế giới rất khốc liệt. Vinacomin xác định mục tiêu ổn định sản xuất mức độ hợp lý và hy vọng thị trường ấm lên sẽ tăng sản lượng.
Chờ chuyển biến từ chính sách tích cực
Bước sang quý II, tình hình tiêu thụ sản phẩm của Tập đoàn vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Lý do chủ yếu đến từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước chưa phục hồi. Giá than thế giới đang trải qua những cung trầm, nhiều chủng loại tiếp tục giảm nhẹ so với quý I. Theo kế hoạch năm 2013 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định - PV), trong tổng số 43 triệu tấn than Vinacomin sản xuất, phục vụ trong nước là chủ yếu (tương đương 28-28,5 triệu tấn), số còn lại xuất khẩu. Dẫu vậy, trong trường hợp giá thị trường thế giới xuống bất thường, Tập đoàn được quyền chủ động xem xét cân đối tỉ lệ xuất khẩu - nội địa, kéo theo đó là sản lượng cả năm có thể thay đổi sao cho phù hợp thực tế doanh nghiệp.
“Cả tháng 4 này, Tập đoàn chỉ xuất khẩu được 800 nghìn tấn than, bằng 60% so với tháng 3. Quý tới, chúng tôi vẫn phải chỉ đạo các đơn vị thành viên tiết giảm chi phí tối đa, thực hiện tái cơ cấu theo Đề án được Chính phủ phê duyệt; góp phần nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, giữ ổn định thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo trật tự xã hội”. Như vậy, có thể nhận thấy mục tiêu cao nhất và thường trực của Vinacomin là việc giữ vững và từng bước gia tăng sản lượng than khai thác, từ đó chuẩn bị năng lực cho những năm tiếp theo, khi nhu cầu từ thị trường nội địa tăng vọt.
Bên cạnh đó, sau khi giá than cho điện cần được bước đầu điều chỉnh, ngành than mong muốn chính sách thuế được ổn định ở mức hợp lý thì đó mới là niềm vui nhân đôi. Những yếu tố cộng hưởng sẽ giúp ngành than từng bước ổn định và chuẩn bị nguồn than cho các nhu cầu tăng cao trong các năm tới. Giá than được điều chỉnh sẽ làm cho tình hình tài chính ngành than đỡ khó khăn hơn. Nếu được điều chỉnh tiếp theo lộ trình bằng giá năm 2012, tiến tới là 2013 và có lãi thì đời sống công nhân mỏ sẽ được cải thiện, điều kiện sản xuất, cơ sở hạ tầng mỏ sẽ có điều kiện làm tốt hơn, ngành than mới có nguồn lực để đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế.
“Điều khiến toàn hệ thống chính trị từ trên xuống dưới Vinacomin phấn khởi nhất, đó là thông tin giá than cho điện được cải thiện đang tạo đà tâm lý rất tốt cho 14 vạn người lao động toàn ngành”, Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên hồ hởi.
Xung quanh câu chuyện mức thuế áp cho than xuất khẩu, Vinacomin cũng chính thức đề xuất mức thuế tương ứng với nhiều tình huống. Hiện giá than xuất khẩu, sau khi trừ 10% thuế xuất khẩu và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, cũng chỉ đủ bù đắp giá thành sản xuất. Vì vậy, để ngành than chủ động điều hành, ổn định sản xuất. Trên thực tế, không chỉ Vinacomin mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng từng bị phạt khi hợp đồng đã ký, sau đó chính sách thuế thay đổi, dẫn đến biến động sản lượng nội địa, giao hàng không đúng hẹn.
Theo mức đề xuất trên, khi giá than xuất khẩu trung bình (theo cám 11AHG) dưới 75USD/tấn thì mức thuế là 10%; khi giá than thế giới từ 75-85USD/tấn mức thuế là 15% và khi giá than tăng trên 80USD/tấn thì Vinacomin sẵn sàng chịu mức thuế 20%. Cần lưu ý là trong tương lai gần, ngành than sẽ chuyển nhanh tỉ trọng từ lộ thiên sang hầm lò, kéo theo khối lượng đào lò, thù lao thợ lò, chi phí đảm bảo an toàn, đầu tư công nghệ hiện đại... đều tăng, dẫn đến chi phí đầu vào tăng vọt. Thực tế tại Kế hoạch 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mỗi năm nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển các mỏ than (mở rộng mỏ cũ, xây dựng mỏ mới) cũng đã lên tới 22-24 nghìn tỉ đồng/năm. Tất cả đều dẫn đến một thực tế, Vinacomin khát vốn và rất cần những điều chỉnh ở cấp vĩ mô để cứu vãn tình thế hiện tại.
Nhà máy Alumin Lâm Đồng cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử có tải toàn bộ từ 26/11/2012, ngày 25/12/2012 đã đón sản phẩm alumin đầu tiên. Tính đến thời điểm 31/12/2012, nhà máy đã sản xuất khoảng 32 nghìn tấn alumin có hàm lượng Al2O3 hết sức ấn tượng (>98,6%). Hiện nhà thầu đang tích cực hoàn thiện, nâng dần công suất để sớm đưa nhà máy đi vào vận hành ổn định. Dự kiến trong tháng 5 này sẽ tiến hành chạy xác định các chỉ tiêu cam kết để bàn giao nhà máy cho Vinacomin. |
Tùng Kiên