Ủy ban giám sát tài chính lo lắng chuyện tồn kho
(Petrotimes) - Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì cần hỗ trợ cả tổng cầu.
Tồn kho cao, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu làm gia tăng áp lực thu ngân sách Nhà nước.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì môi trường kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013 tiếp tục duy trì được sự ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện đáng kể. Điều này đã được các tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá rất lạc quan khi đưa nhận định về nền kinh tế. Và đây cũng chính là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài, vốn FDI thực hiện và đăng ký đạt mức tăng khó mạnh so với năm 2012.
Tuy nhiên, tại bản báo cáo trên, Ủy ban Giám sát tài chính đưa khuyến cáo: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất khi chi phí đầu vào và sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm, dẫn đến hàng tồn kho dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Nhìn nhận vấn đề này, Ủy ban Giám sát tài chính cho rằng: Khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hạn chế kết hợp với những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đang gây ra những tác động tiêu cực khiến nguồn lực của doanh nghiệp cạn kiệt, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản vì vậy vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ.
“Sự suy yếu của doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ không chỉ làm gia tăng sức ép lên thu ngân sách Nhà nước năm 2013 mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đà hồi phục tăng trưởng kinh tế của năm sau” - Ủy ban Giám sát tài chính nhận định.
Số liệu được đưa ra tại bản Báo cáo cho thấy, qua 4 tháng đầu năm 2013, cả nước đã có 16,6 ngàn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Lý giải cho tình trạng này, Ủy ban Giám sát tài chính cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu và dù nền kinh tế đã nhập siêu tới 1 tỉ USD trong tháng 4 thì nó cũng chưa cho thấy sự cải thiện tổng cầu và nó chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật.
Ngoài ra, cầu tiêu dùng, cầu đầu tư yếu, đạt ở mức thấp đã kéo theo sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm. Thống kê cho thấy, vốn đầu tư toàn xã hội trong quý I/2013 ước đạt 202,6 tỉ đồng, mới chỉ đạt 20% kế hoạch năm và tương đường 29,6% GDP của quý I/2013, thấp hơn nhiều con số 36,2% GDP cùng kỳ năm 2012.
Xét theo cơ cấu vốn đầu tư thì chỉ có vốn đầu tư của khu vực FDI là đạt kế hoạch (thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn này trong quý I/2013 ước đạt 2,7 tỉ USD, bằng khoảng 25% kế hoạch năm). Còn khu vực vốn đầu tư Nhà nước và vốn đầu tư ở khu vực ngoài Nhà nước đều không đạt khi lần lượt dừng ở mức 74,8 ngàn tỉ đồng (khoảng 18% kế hoạch năm) và 71,5 ngàn tỉ đồng (tương đương 13,1% GDP).
Bình luận về vấn đề này, Ủy ban Giám sát tài chính cho rằng, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư so với kế hoạch đề ra là tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn chậm và tín dụng tăng thấp. Trong đó, tín dụng tăng thấp là do lãi suất cho vay còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và tỉ lệ nợ xấu cao cũng khiến tín dụng khó mạnh tay dù vốn huy động vẫn đạt mức tăng khá.
Theo tính toán của cơ quan này, chỉ tính riêng trong quý I/2013, để đảm bảo tổng vốn đầu tư đạt mức đề ra, tăng trưởng tín dụng quý I/2013 phải đạt mức tăng ít nhất 1,5% với năm 2012 (tương đương mức tăng thêm 50 ngàn tỉ đồng). Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt khoảng 1,44% so với đầu năm.
Căn cứ vào những yếu tố trên, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia nhận định: Tốc độ hồi phục tổng cầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với xử lý nợ xấu. Nói cách khác, tổng và tăng trưởng kinh tế sẽ được khôi phục nhanh và mạnh mẽ hơn khi tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và xử lý nợ xấu cùng với tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước được đẩy nhanh hơn trên trên thực tế.
Từ đó, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia đưa khuyến nghị: Từ nay đến cuối năm 2013 cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết 02 và có cơ chế giám sát việc thực hiện để Nghị quyết thực sự được triển khai một các sâu rộng. Đưa giải pháp cụ thể, Ủy ban cho rằng:
Đối với chính sách tiền tệ: Tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống mức 9 – 10% nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư, đẩy mạnh sản xuất; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, sớm đưa VAMC đi vào hoạt động, chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ khu vực xây dựng và thị trường bất động sản.
Đối với chính sách tài khóa: Cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh giải ngân trong 2 quý đầu năm cho những dự án đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2013. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước khó khăn, cần tiếp tục thực hiện quản lý chi thường xuyên tiết kiệm và hiệu quả hơn trong năm 2013 để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Thanh Ngọc