Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động!
(Petrotimes) - Một điều đáng suy nghĩ là dù đời sống còn hết sức khó khăn, thu nhập của người lao động nước ta vẫn được đánh giá ở mức thấp đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhưng trên thực tế trong những năm qua tốc độ tăng lương danh nghĩa của nước ta vẫn nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động.
Năng suất lao động tăng chậm
Năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động của Việt Nam tăng chậm, đặc biệt trong 5 năm sau khi gia nhập WTO năng suất lao động lại tăng thấp hơn nhiều so với 5 năm trước khi gia nhập WTO (từ 5%/năm giảm xuống còn 3,4%/năm), trong khi đó tỷ lệ tăng tiền lương trong 5 năm sau gia nhập WTO là 26,8%/năm, loại trừ tỷ lệ làm phát thì mức tăng lương khoảng 14,2%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức tăng lương trước khi gia nhập WTO là 8,8%/năm; đặc biệt tốc độ tăng lương luôn cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.
TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Tiền lương tăng nhanh và cao hơn rất nhiều so với tăng năng suất lao động cho thấy tác động của chính sách điều chỉnh mức lương tối thiểu, đặc biệt là trong khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, chất lượng lao động của nước ta không cải thiện mấy so với mức lương. Bởi bản chất của việc tăng lương của chúng ta hiện nay không dựa vào năng suất lao động mà thường chỉ số hóa theo lạm phát. Điều đó, theo tôi rất đúng về “tình cảm” nhưng chưa hẳn đúng về khía cạnh phát triển, vì tăng lương đúng nghĩa, đúng bản chất của nó phải phù hợp với tăng năng suất lao động”.
So với các nước trên thế giới, năng suất lao động của nước ta còn thấp. Năng suất lao động của nước ta năm 2010 chỉ đạt gần 5,9 nghìn USD, bằng 13,2% của Nhật Bản, 23,3% của Malaysia, 12% của Singapore, 13,3% của Hàn Quốc, 46,5% của Trung Quốc, 37% của Thái Lan và 69,9% của Philippines. Bên cạnh đó, hiệu quả vốn thường được đo bằng hệ số ICOR (đầu tư/giá trị gia tăng) của Việt Nam còn rất cao, tức là phải dùng rất nhiều vốn để tạo ra được một giá trị gia tăng. Trong khi ở các nước khác hệ số ICOR khoảng 3-4 thì ở Việt Nam hệ số này lên đến trên 10.
Những con số trên cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế của nước ta phần lớn dựa vào tăng cường sử dụng lao động, sử dụng vốn trong khi đó yếu tố về trình độ công nghệ, chất lượng lao động, trình độ quản lý chưa cải tiện đáng kể, nền kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc. Đặc biệt, số lượng lao động kỹ thuật tăng chậm nhất so với các thành phần lao động khác, phản ánh mô hình phát triển kinh tế nước ta vẫn dựa vào công nghệ sử dụng nhiều lao động trình độ thấp.
Theo TS Nguyễn Trí Thành, việc tăng năng suất lao động là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm nếu Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, bài toán an sinh xã hội gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và tăng lương chỉ thực sự có ý nghĩa nếu thực hiện được hai điều: tạo ra cạnh tranh cho lao động cùng nghề, đó là yếu tố tăng năng suất lao động, tăng năng suất vốn, năng suất các nhân tố tổng hợp khác; bên cạnh đó phải ổn định lạm phát ở mức thấp vì lạm phát cao thì người gánh chịu nhiều nhất là người nghèo, những người thu nhập thấp ở mức cố định.
Gánh nặng từ cơ chế tuyển dụng không minh bạch
Bên cạnh yếu tố đào tạo, một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của nước ta tăng chậm là bất cập trong cơ chế tuyển dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước. Việc lỏng lẻo trong quản trị doanh nghiệp, tuyển dụng dựa vào cơ chế “xin - cho”, mối quan hệ thân quen, dựa vào bằng cấp chưa coi trọng thực học, thực tài... đã gây nên tình trạng bất công trong xã hội, người có trình độ không được tận dụng; người không có năng lực, không làm được việc vẫn phải giữ lại vì khó có thể sa thải bởi nhiều lý do.
Điển hình, thời gian qua có thông tin, riêng tỉnh Nghệ An đã có khoảng 7.000 cử nhân nhận văn bằng tốt nghiệp loại giỏi, khá không có việc làm. UBND tỉnh Nghệ An còn gửi văn bản cho các sở, ban, ngành trong tỉnh đề nghị không nhận thêm bất cứ một ai vì quá ứ thừa lao động. Dẫn đến tình trạng một lượng lớn nguồn nhân lực có trình độ phải đi tìm kế khác để mưu sinh, mai một hết chuyên môn. Điều này cho thấy tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong nguồn nhân lực, có lĩnh vực thì rất thiếu nhân lực, có lĩnh vực thì thừa vô kể không biết xếp vào đâu. Mà nhân lực có trình độ phải mất biết bao nhiêu công sức, tiền của đào tạo nhưng bây giờ thất nghiệp không có việc làm thì quả là một sự lãng phí.
Ở khía cạnh khác, GS.TS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ ra nguyên nhân của tình trạng sắp xếp nguồn nhân lực không hợp lý rằng, riêng hệ thống cơ quan Nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành nước ta có khoảng 3 triệu công nhân viên chức; trong đó lộ ra một hiện trạng là khoảng 840.000 công chức, chiếm gần 1/3 số lượng công chức hiện nay Nhà nước gần như phải “nuôi” không, trả lương cho không vì không làm được việc, không có chuyên môn, đào tạo chấp vá không cơ bản, không thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, còn có thêm khoảng 30% lao động trong số 3 triệu công chức, viên chức nói trên chỉ làm được những công việc đơn giản gọi là “cầm tay chỉ việc”.
Như vậy, chỉ còn lại khoảng 30% lao động trong đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước là có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Số lao động này rất thiệt thòi bởi vì phải choàng gánh công việc cho những người kia nhưng lương chỉ được hưởng theo mức bình quân chung. Đó là một điều rất đáng giận! Việc “nuôi báo cô” cả một đội ngũ lao động lớn, đông đảo như thế là một gánh nặng của Nhà nước, làm căng thẳng thêm bất công trong xã hội.
Đó là bài toán nhức nhối trong quản lý nhân lực của nước ta hiện nay nhưng rất khó giải quyết. Mặc dù, số lượng doanh nghiệp Nhà nước giảm mạnh qua các năm nhưng lao động làm việc trong khu vực Nhà nước vẫn tiếp tục gia tăng, cho thấy việc tinh giảm biên chế trong khu vực này có vấn đề!
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo chia sẻ: “Ở lứa tuổi như tôi chắc nhiều người vẫn nhớ tại các trường đại học ngày xưa, trong môn Kinh tế Chính trị mọi người đều thuộc lòng câu nói của Lê Nin “Chế độ nọ hơn chế độ kia ở năng suất lao động”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế. Do đó, trong quá trình đổi mới, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần phải chú ý đến công tác quản trị, trong đó đặt vấn đề năng suất lao động là vấn đề cốt lõi cần quan tâm hàng đầu, chú trọng công tác tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ đội ngũ cán bộ, ưu tiên hàng đầu cho việc bồi dưỡng nhân tài… xem đó là một bước đột phá trong phát triển. Để thực hiện được những việc này, chính sách đào tạo, đãi ngộ, tuyển dụng công bằng, công khai, minh bạch là những vấn đề quan trọng không thể tách rời.
Mai Phương