Giá gạo Việt Nam thấp gần nhất thế giới: Do Trung Quốc "ép"
(Petrotimes) - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong quý I-2013 thấp hơn so với cùng kì và là một trong những nước có giá xuất khẩu gạo thấp gần nhất thế giới. Petrotimes đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia về lúa gạo - TS Nguyễn Đình Bích xung quanh vấn đề này.
Petrotimes: Thưa ông, thời gian gần đây có điều cần ghi nhận là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khá thấp so với các nước trên thế giới như Thái Lan. Điều này do chất lượng gạo của Việt Nam thấp hay do nguyên nhân nào khác thưa ông?
TS Nguyễn Đình Bích: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp so với Thái Lan là chuyện bình thường thôi bởi vì Thái Lan áp dụng chính sách thu mua lúa của nông dân với giá cao nên giá gạo xuất khẩu của Thái Lan bị treo ở mức cao như vậy. Vì họ mua lúa của dân với giá rất cao cho nên họ không thể hạ giá xuất khẩu được, nếu càng hạ giá thì càng lỗ. Mặc dù giá xuất khẩu của Thái Lan cao hơn rất nhiều so với Việt Nam nhưng có thể họ đã lỗ lớn rồi.
Petrotimes: Giá gạo Việt Nam hiện đang được bán với giá thấp hơn so với gạo cùng phẩm cấp của các nước xuất khẩu gạo chủ lực trong khu vực khoảng 40 – 50 USD/tấn (gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ có 395 USD/tấn trong khi Ấn Độ, Pakistan lần lượt 430 và 445 USD, riêng Thái Lan 530 USD). Với mức giá này, có ý kiến nhận định rằng giá gạo xuất khẩu quý I-2013 của Việt Nam thấp nhất thế giới. Theo ông điều này có đáng băn khoăn hay không?
Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam cũng là một trong các nguyên nhân khiến giá gạo của Việt Nam thấp gần nhất thế giới
TS Nguyễn Đình Bích: Nói giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp nhất thế giới chưa hẳn đã là đúng, bởi vì giá gạo của Việt Nam vẫn cao hơn Myanmar. Còn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn cả Ấn Độ, Pakistan là chắc chắn. Với giá gạo xuất khẩu thấp như hiện nay cùng với giá mua lúa tạm trữ như vừa rồi, có khả năng chính các doanh nghiệp xuất khẩu còn bị lỗ, còn lãi của nông dân chắc chắn không cao.
Petrotimes: Với việc xuất khẩu giá thấp như vậy, người nông dân chưa có lãi thì liệu bức tranh của ngành lúa gạo thời gian tới có điều gì để chúng ta cần lưu ý?
TS Nguyễn Đình Bích: Rõ ràng giá xuất khẩu gạo còn tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay sẽ là thảm cảnh cho ngành lúa gạo. Việc giá gạo của Việt Nam xuống quá thấp là do lỗi của các doanh nghiệp chúng ta chứ không phải ai khác. Chắc chắn do bị nhà nhập khẩu Trung Quốc ép giá, không chịu nổi khiến họ phải hạ giá. Việc VFA hủy bỏ giá sàn gạo 5% tấm từ ngày 21/3 để các doanh nghiệp tự thỏa thuận với khách chính là bước lùi của VFA.
Petrotimes: Vậy việc bỏ giá sàn xuất khẩu với gạo 5% tấm là chủ trương không đúng của VFA, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Bích: Hiện nay VFA bỏ giá sàn gạo 5% tấm và chỉ còn duy trì giá sàn với gạo 35% tấm. Nhưng gạo 35% tấm không phải là mức làm chuẩn để xác định giá gạo xuất khẩu. Cho nên nếu chỉ duy trì giá sàn thì có nghĩa giá gạo 5% tấm có thể kéo về mức sàn của giá gạo 35% tấm là có thể được phép xuất khẩu. Gạo 5%, 10%, 15%, 20%, 25% tấm kéo sát về giá sàn gạo 35% tấm đều được phép xuất khẩu. Điều này có nghĩa VFA chấp nhận cho các doanh nghiệp hạ giá. Theo tôi đó là bước đi không khôn ngoan.
Petrotimes: Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam cũng là một trong các nguyên nhân khiến giá gạo của Việt Nam thấp đi phải không, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Bích: Đúng rồi, đó là nguyên nhân rất quan trọng, có thể nói là nguyên nhân quyết định khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp đi trong thời gian qua. Bởi vì trong khi các hợp đồng nhập khẩu gạo ít, các thị trường khác chưa đẩy mạnh mua, các doanh nghiệp chỉ có thể tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Petrotimes: Ngành nông sản Việt Nam từng được coi là cứu cánh cho nền kinh tế. Nhưng quý I-2013 tăng trưởng xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam đã thấp nhất từ năm 2008 trở lại đây. Phải chăng ngành nông sản của Việt Nam đã khá mệt mỏi với việc suy thoái kinh tế thời gian qua và đã đến lúc cần tính đến việc ban hành các chính sách thúc đẩy cho ngành nông nghiệp lúc này?
TS Nguyễn Đình Bích: Nói thế có vẻ hơi quá, thực ra nông nghiệp cũng đang chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế, giống như các ngành nghề khác. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài, nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng ngày càng nặng. Trên thực tế Việt Nam vẫn còn tăng trưởng xuất khẩu rất tốt so với thế giới chứ không phải tồi. Tăng trưởng xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vẫn là bức tranh sáng trong làng xuất khẩu thế giới chứ không phải là đã ảm đạm đâu.
Petrotimes: Xin cảm ơn ông!
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 ước đạt 571 ngàn tấn, giá trị đạt 252 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2013 ước đạt 1,38 triệu tấn, giá trị đạt 616 triệu USD, tăng 34,3% về lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân 2 tháng đạt 450 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2012. Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam lớn nhất với 40,2% thị phần, tiếp đến là Singapore (8,83%), Philippines (6,23%) và Hồng Kông (5,47%) thị phần. |
Lương Thu Mai (thực hiện)