Thận trọng với mua sắm online
(Petrotimes) - Mua sắm online hiện nay đang trở thành xu hướng được người tiêu dùng lựa chọn bởi những tiện ích mà những kênh bán hàng khác không có được. Tuy nhiên ngoài những mặt tích cực thì kênh bán hàng này cũng tiềm ẩn những rủi ro mà người tiêu dùng cần đề phòng.
Khảo sát của Công ty công nghệ thanh toán toàn cầu Visa trong năm 2012 cho thấy, người Việt đã quen dần việc mua sắm trực tuyến với đến 98% số người tham gia nghiên cứu tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ trên mạng. Trong đó, 71% đã mua hàng trực tuyến và 90% đối tượng khảo sát cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng cách mua bán này trong tương lai. Điều đó cho thấy kênh bán hàng trực tuyến đang dần xâm lấn những phương thức bán hàng truyền thống.
Người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn kênh mua sắm online
Cũng thật dễ hiểu khi mà mua sắm online hơn hẳn những kênh bán hàng truyền thống ở nhiều phương diện. Trong đó, điểm quan trọng nhất phải nói đến là thời gian, thay vì phải mất hàng giờ đồng hồ đi đến chợ hay các trung tâm thương mại chọn hàng hóa thì người tiêu dùng hiện nay chỉ cần ngồi một chỗ đã có thể mua sắm bất cứ thứ gì tùy thích.
Bởi sự tiện ích hơn hẳn những kênh bán hàng truyền thống nên phương thức mua sắm này rất được người Việt lựa chọn. Chính vì vậy mà trong thực tế không ít người tiêu dùng Việt hiện đã quá quen thuộc với những công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến theo hướng Groupon (mua theo nhóm để hưởng ưu đãi). Bằng chứng là trên thị trường hiện nay đã có đến hàng chục công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hàng trăm trang web giới thiệu và kinh doanh hàng hóa xuất hiện cũng tạo cho thị trường thương mại điện tử sự náo nhiệt. Đặc biệt, không ít người kinh doanh còn thông qua các trang mạng xã hội để hoạt động như facebook, yahoo… để rao bán hàng.
Với sự liên kết và hỗ trợ từ các ngân hàng và tần suất bao phủ rộng lớn của mạng lưới internet, giao dịch online như được chắp cánh ngày càng trở nên phát triển và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hơn.
Theo khảo sát của Bộ công thương, nguồn thu từ thương mại điện tử của Việt Nam hiện đang ở mức gần 2 tỉ USD, tương đương 2,5% GDP, và được dự báo lên con số 6 tỉ USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế về tính năng nhanh, tiện lợi và không mất nhiều thời gian thì mua sắm online cũng có những tồn tại nhiều vấn đề khiến nhiều khách hàng than phiền.
Chị Nguyễn Minh Hà, Q. Tân Bình cho biết: cách đây hơn một tháng mình đặt mua qua mạng một chiếc đầm nhưng đến khi nhận hàng thì chất liệu vải không đúng với lời rao trên mạng, giặt hai bữa đã bị phai màu, sổ lông không sử dụng được. Nghiêm trọng hơn là trường hợp chị Hoàng Thu Hương (Q.7), đặt mua hàng qua mạng hai sản phẩm dầu gội đầu nhuộm màu tóc với giá 600 nghìn đồng. Nhưng sau khi sử dụng thì chất lượng sản phẩm không đúng như lời quảng cáo ban đầu lại bị dị ứng da đầu khiến chị phải đến bệnh viện chữa trị. “Thấy sản phẩm ghi là nhập từ nước ngoài về lại bán qua mạng với giá rẻ nên mình mới mua dùng thử, không ngờ tiền mất tật mang”- chị Hương ngán ngẩm cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Thương mại Điện tử Việt Nam thì việc người tiêu dùng bị lừa vì mua hàng qua mạng là do hiện nay có rất nhiều trang mạng không thuộc Hiệp Hội và rất khó quản lý, trong đó cũng có nhiều trang mạng xuất hiện việc giao dịch, mua bán “ảo” nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ về thông tin trang web cũng như các sản phẩm cần mua”.
Ông Hưng cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn những trang web uy tín, không nên tham hàng rẻ mà mua hàng tại các trang web không uy tín. Nếu có vấn đề liên quan đến việc bị “lừa” khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng có thể đến Hiệp Hội để được tư vấn và bảo vệ quyền lợi một cách chính đáng.
Thùy Trang