Lợi ích nhóm - “Thủ phạm” cản trở tái cơ cấu!
(Petrotimes) - Tái cơ cấu kinh tế là vấn đề cấp bách, không thể không làm nhưng việc triển khai tái cơ cấu lại đang tiến hành với tốc độ “rùa”. Điều này khiến các chuyên gia tỏ ra “sốt ruột”, thậm chí có người còn chỉ thẳng “thủ phạm” đang cản trở tái cơ cấu kinh tế.
TS Phạm Chi Lan: Tiến độ tái cơ cấu kinh tế đang tiến hành khá chậm chạp.
Tái cơ cấu: Nói nhiều làm ít
Trong câu chuyện với phóng viên về vấn đề nhìn lại 1 năm tái cơ cấu nền kinh tế, chuyên gia kinh tế TS Phạm Chi Lan đã đánh giá rằng: Tiến độ tái cơ cấu kinh tế đang tiến hành khá chậm chạp.
Không phải 1 năm trước, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế mới được đặt ra. Thực tế vào tháng 5/2008, Quốc hội đã đưa ra vấn đề tái cơ cấu kinh tế. Khi đó, đã có một loạt nghiên cứu của các cơ quan khác nhau như Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện quản lí kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đều đã đưa ra những chương trình, đề xuất phương án tái cơ cấu kinh tế nghiêm túc, trình lên các cơ quan có liên quan.
Tính từ thời điểm đó đến nay đã 5 năm trôi qua, còn tính từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thì đã hơn 2 năm, từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã hơn 1 năm. Đó là những dấu mốc quan trọng để định hình tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng vào tháng 2/1013, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định phê duyệt đề án tổng thể về đề án tái cơ cấu.
“Điều đó thể hiện tương đối rõ bước tiến chậm chạp của quá trình tái cơ cấu kinh tế” – TS Phạm Chi Lan nói.
Thực tế, trong 1 năm qua, tiến độ tái cơ cấu ba “trụ cột” của nền kinh tế là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng-tài chính, đầu tư công vẫn chưa có nhiều tiến triển đáng kể. Các “căn bệnh” trầm kha mà nền kinh tế đang mang vẫn chưa có liều thuốc hữu hiệu chữa trị.
Một chuyên gia khi trò chuyện với chúng tôi đã từng ví von: Nền kinh tế đang mang trọng bệnh, có triệu chứng của ung thư nhưng mới chỉ được chữa trị bằng phương pháp mát-xa, vật lí trị liệu thì không thể giải quyết vấn đề gì.
Nhìn lại toàn bộ vấn đề tái cơ cấu, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Những hoạt động tái cơ cấu thực sự như sáp nhập ngân hàng yếu kém chủ yếu là do sự bức bách của thực tiễn chứ chưa phải là các hoạt động diễn ra theo lộ trình được định trước, trong khuôn khổ một chương trình đã được thiết kế tổng thể và bài bản.
“Còn các hoạt động tái cơ cấu khác chủ yếu đều chỉ dừng lại ở các đề án “trên giấy”, chưa gắn kết với nhau trong một chương trình tổng thể, nhất quán, chưa được triển khai trên thực tế, do đó, chưa có điều kiện để kiểm chứng và đánh giá kết quả” – TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
“Lợi ích nhóm” cản trở tái cơ cấu
Khi “soi” tiến độ tái cơ cấu, có vị chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương đặt ra nghi vấn: Hình như vẫn còn chần chừ, do dự ở các bộ, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, muốn níu kéo lại những gì đã có nên chưa có những cải cách đáng kể thực sự theo cơ chế thị trường và hội nhập.
Còn TS Phạm Chi Lan thẳng thắn chia sẻ: Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vừa qua, nhiều người hỏi tôi vì sao tái cơ cấu lại diễn ra chậm như vậy, phải phân tích nguyên nhân chứ. Nhưng không ai đứng lên chỉ ra nguyên nhân cả. Lúc đó tôi đứng lên phát biểu ngay rằng, theo tôi nguyên nhân số 1 là “lợi ích nhóm”. Chính lợi ích nhóm cản trở là lớn nhất quá trình tái cơ cấu kinh tế. Sau đó hầu hết mọi người đều đồng tình với quan điểm này.
TS Phạm Chi Lan giải thích: Thực ra, lợi ích nhóm không muốn có sự thay đổi vì thay đổi sẽ buộc lợi ích nhóm phải giảm bớt lợi ích của họ để lo cho lợi ích chung của nền kinh tế, của đông đảo người dân. Lĩnh vực bất động sản cũng là điển hình của lợi ích nhóm.
Trước đây họ đã làm giàu, thu lợi trên mồ hôi của bao nhiêu người dân, bao nhiêu người nông dân, người nghèo bị mất đất. Họ đã được hưởng lợi rất lớn nhưng nay lợi ích nhóm của họ lại muốn Nhà nước hỗ trợ để vực dậy thị trường này.
Hay như Vinalines, họ trình lên Chính phủ đề án tái cơ cấu song lại đề nghị Chính phủ bỏ một đống tiền ra để bổ sung cho họ, dù trước đó họ đã làm thất thoát nhiều tiền của Nhà nước. Đó cũng là một cách để họ cản trở tái cơ cấu. Những doanh nghiệp như vậy không dễ dàng chấp nhận tái cơ cấu, nên tái cơ cấu mà không chấp nhận những đề xuất của họ thì họ sẽ tìm cách ngăn cản.
Song theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay là vấn đề thực sự cấp bách, nếu không làm thì kinh tế Việt Nam vẫn mãi theo kiểu "chữa cháy", "ăn đong" từng năm một, không giải quyết được những vấn đề cơ bản của nền kinh tế, chuyện này giải quyết lại nảy sinh chuyện khác.
Lương Thu Mai