Phim Hàn cũng lắm “sạn”!
(Petrotimes) - Sự cố Kim Tae Hee trong bộ trang phục Hanbok nhưng lại mang đôi giày cao gót trong phim cổ trang “Tình sử Jang Ok Jung” là hạt sạn ngớ ngẩn nhất trong phim Hàn vừa qua.
Không thể phủ nhận vị trí thống lĩnh của phim Hàn trong đời sống tinh thần của người dân châu Á. Dù là phim tình cảm hiện đại hay phim cổ trang lịch sử, phim Hàn thể hiện một quy trình sản xuất “hoàn hảo đến từng centimet”. Nên sự cố “Tình sử Jang Ok Jung” có thể nói là “con sâu làm rầu nồi canh”. Điều đáng nói là sau sự cố đó, khán giả chợt nhớ ra, “nồi canh” phim Hàn cũng không chỉ có một “con sâu” này.
Đôi giày cao gót của Kim Tae Hee
Mấy ngày nay, “Tình sử Jang Ok Jung” vốn đang bị giảm rating đã khiến dư luận sôi lên, tạo thành những cuộc tranh cãi trên mạng. Đáng tiếc, lại không phải vì sức hút của nó mà bởi một lỗi vô cùng ngớ ngẩn về mặt trang phục của nữ diễn viên chính.
Nội dung phim là câu chuyện của nàng Jang Hee Bin (Kim Tae Hee), một phi tần nổi tiếng trong triều đại Joseon - người đứng sau vua Sukjong (Yoo Ah In) trong việc truất phế ngôi hoàng hậu In Hyun.
“Tình sử Jang Ok Jung” (Jang Ok Jung, Live in Love) phát sóng vào tối thứ 2, 3 hàng tuần trên sóng SBS, Hàn Quốc, bắt đầu từ 8/4. Tuy chưa tạo nên cơn sốt như “Gió mùa đông năm ấy” (That winter, the wind blows) với sự tham của ngôi sao Song Hye Kyo nhưng phim vẫn thu hút sự quan tâm của khán giả vì bối cảnh đẹp, trang phục bắt mắt và đặc biệt là diễn xuất của nữ diễn viên tài năng Kim Tae Hee.
Tuy nhiên, chỉ đến tập thứ 3, “Tình sử Jang Ok Jung” đã để lộ sạn, một hạn sạt được xem là cực kỳ ngớ ngẩn. Dù chỉ thoáng qua màn ảnh vào khoảnh khắc Kim Tae Hee trong bộ trang phục Hanbok vội vã chạy như bay trên sân, nhưng đôi giày cao gót giúp nữ diễn viên có vóc dáng nhỏ bé này ăn gian chiều cao vẫn kịp lọt vào mắt những khán giả tinh ý.
Jang Ok Jung là một người đàn bà nổi tiếng tàn độc, ham mê quyền lực. Bà là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc. Và tính đến nay, Kim Tae Hee là diễn viên thứ chính thể hiện nhân vật này trên màn ảnh. Phim dựa theo cuốn tiểu thuyết lãng mạn năm 2008 của nhà văn Choi Jung Min.
Tuy nhiên, không giống các phim truyền hình khác khi nói về nhân vật phản diện nổi tiếng này, bộ phim kể về Jang Ok Jung trước khi cô trở thành phi tần Jang Hee Bin, tập trung khai thác quá trình cô trở thành nhà thiết kế thời trang và sản xuất mỹ phẩm trong thời đại Joseon. Nên các họa sĩ phục trang đã tạo cho nữ diễn viên chính các bộ Hanbok cầu kì, sang trọng. Đáng tiếc, một sơ suất nhỏ này đã khiến cho các fan của phim Hàn cổ trang thất vọng.
Đáng thất vọng hơn là lý do mà nhà sản xuất đưa ra để biện minh cho đôi giày cao gót dưới bộ trang phục Hanbok của Kim Tae Hee. Trước phản ứng của dư luận, cho rằng Kim Tae Hee phải đi giày hoa đế thấp mới đúng với bối cảnh lịch sử, nhà sản xuất đã giải thích, bằng cái cách còn ngớ ngẩn hơn cả đôi giày cao gót mà Kim Tae Hee đi vào chân: “Xin mọi người nhớ rằng đây là một bộ phim có đề tài thời trang nữa. Trong cốt truyện, Jang Ok Jung xuất hiện với tư cách một nhà thiết kế, và do đó chúng tôi đã thêm vào một số đồ hiện đại có liên quan đến thời trang trong phim. Các mannequin được thiết kế bằng gỗ thì cũng hợp lý hơn, bởi chúng ta gần một thứ gì đó để Jang Ok Jung treo hanbok của mình lên chứ...”
Có lẽ cũng vì quan niệm rất cách tân này, nên ngoài đôi giày cao gót của nữ diễn viên chính, phim còn xuất hiện hình ảnh các mannequin thời trang!
Khán giả bó tay và đành tự an ủi: có lẽ, giày cao gót đã xuất hiện ở Hàn Quốc sớm hơn mình biết.
Và bếp gas du lịch trong “Mặt trăng ôm Mặt trời”
Đây không phải lần đầu, các bộ phim lịch sử do châu Á sản xuất bị bắt lỗi trang phục. Trang phục trong phim luôn là đề tài tiêu tốn biết bao giấy mực của báo giới. Chưa kể, do điều kiện phim trường không có, eo hẹp tài chính đã khiến nhiều bộ phim lịch sử của châu Á phản chiếu bối cảnh thời gian và không gian của nó một cách lệch lạc. Hoặc đôi khi, nó thuộc về lỗi của… mắt. Biên tập, đạo diễn, quay phim, diễn viên, đạo cụ, trợ lý trường quay… cho đến người duyệt, bao cặp mắt lăm le nhìn vào, nhưng lại không một ai phát hiện ra, cho đến khi phát sóng mới… té ngửa. Ngay cả trong những bộ phim của Hàn Quốc - nơi được xem là “thánh địa” điện ảnh của châu Á khán giả không cần quá kỹ tính cũng dễ dàng nhặt ra một đống sạn.
Ví dụ một bộ phim khác cũng có bối cảnh là thời đại Joseon là “Arang và sử phán” (Arang and the Magistrate) nhưng trong một cảnh phim có xuất hiện một… chiếc thang kim loại thời hiện đại.
Những tập đầu của “Mặt trăng ôm Mặt trời” (The Moon Embracing the Sun) nổi tiếng một thời cũng mắc hàng loạt lỗi, như trong nhà bếp bỗng thù lù một cái… bếp ga du lịch. Hay hình ảnh một người phụ nữ tóc ngắn mặc áo hiện đại thấp thoáng đằng sau bối cảnh xưa cũ của phim…
Thành Lê