Lỗ từ chính sách nhập khẩu vàng chuyển vào đâu?
(Petrotimes) - Từ lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia, thực tế cho thấy mặt hàng đặc biệt này khó phát triển theo cơ chế thị trường. Hệ quả, NHNN phải mở các phiên đấu thầu nhằm đưa giá vàng trong nước về với giá thế giới. Tuy nhiên, tất cả những động thái trên đều chưa mang lại kết quả như mong muốn. Thậm chí, nó phần nào còn phản ánh sự khủng hoảng thật sự về cơ chế quản lý thị trường vàng hiện nay.
Loay hoay quản lý
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc NHNN quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đang khiến vàng trong nước không phát triển theo cơ chế thị trường, gây chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới. Đây là tác dụng ngược nguy hiểm của phương cách “quản lý thủ công” lạc hậu và kém hiệu quả. Tức là, thay vì để thị trường phát triển tự do, chỉ điều tiết bằng các chính sách hợp lý, bắt kịp biến động thị trường thì NHNN lại điều tiết bằng cách mở các cuộc đấu thầu vàng.
Thực tế từ trước đến nay, giá vàng trong nước luôn cao hơn và biến động giá khác với giá vàng thế giới. Đặc biệt, khi NHNN quy định SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia thì thị trường vàng trong nước còn biến động phức tạp hơn. Thực chất, SJC đang độc quyền thị trường vàng trong nước. Điều này đã khiến giá vàng SJC luôn duy trì mức cao hơn so với thế giới. Chính vì vậy làm phát sinh những vấn đề tiêu cực như nợ xấu vàng, vàng giả thương hiệu… gây khó khăn cho cơ quan quản lý.
Cơ chế quản lý độc quyền đang khiến thị trường vàng trong nước xáo trộn
Vốn dĩ ngay từ khi NHNN có ý định đưa SJC làm thương hiệu vàng quốc gia đã có nhiều ý kiến phản bác vì cho rằng, thị trường sẽ mất đi tính cạnh tranh do đơn vị độc quyền không tách bạch việc sản xuất, gia công ra khỏi hoạt động kinh doanh vàng miếng của doanh nghiệp độc quyền, mà cụ thể ở đây là SJC. Như vậy, có khả năng dẫn đến tình trạng SJC dễ dàng kiểm soát nguồn cung vàng ra thị trường cho dù NHNN có sử dụng biện pháp hạn ngạch sản xuất, gia công hay không. Những lo ngại này ngày càng lộ rõ khi giá vàng trong nước và thế giới luôn đi ngược chiều nhau khiến thị trường vàng trở nên xáo trộn.
Mối lo ngại này cũng đã được Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cảnh báo với NHNN trong cuộc họp mới đây. Theo cơ quan này, do cơ chế NHNN giao doanh nghiệp SJC được dập và kinh doanh vàng miếng là thương hiệu vàng quốc gia nên từ năm 2012 đến nay xuất hiện độ chênh lệch giá lớn giữa giá vàng trong nước và nước ngoài; đã xuất hiện vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các doanh nghiệp kinh doanh bán cho dân. Thống kê của tổng cục cho thấy, kể từ tháng 7/2012 đến nay, đã phát hiện 300 lượng vàng SJC bị làm nhái. “Việc quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC, làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác” - Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm nhận định.
Đánh giá về cơ chế độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng của NHNN, một chuyên gia tài chính cho rằng: Cơ chế NHNN được độc quyền sản xuất và huy động vàng hiện nay vẫn chưa có đột phá đáng kể nào để khơi thông thị trường vàng. Đặc biệt, mục tiêu lớn nhất của chính sách này là giảm chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới và huy động vàng trong dân thì chưa đạt được. Dân thì vẫn “vàng hóa” trong giao dịch, ngân hàng thì khó huy động vàng từ dân. Chính NHNN cũng đang lúng túng trong việc xây dựng hai mục tiêu này.
Trong khi vai trò điều tiết giá vàng chưa rõ có thành công hay không thì chỉ thấy các đơn vị có tiềm lực (ở đây là các ngân hàng thương mại) được hưởng lợi khi có thể “ôm” được lượng vàng lớn phục vụ nhu cầu tất toán. Vì vậy dù NHNN đã tung ra thị trường số lượng vàng “khủng” (trên 5 tấn) nhưng giá vàng trong nước vẫn vượt giá thế giới, thậm chí còn cao hơn mức giá thời điểm trước khi NHNN mở các phiên đấu thầu vàng miếng.
Hậu quả khó lường
Các chuyên gia cho rằng, việc NHNN không đưa vàng trong nước đi theo cơ chế thị trường là sai lầm lớn trong công tác quản lý. Trong khi các nước trên thế giới đi từ việc xóa bỏ quản lý độc quyền sang cơ chế thị trường hoặc tự do hóa thì Việt Nam đang đi ngược lại. Thậm chí, kiểu quản lý thủ công bị động nên NHNN vẫn loay hoay “nước đến chân mới nhảy” mà không lường trước diễn biến của thị trường. Thị trường vàng trong nước không những không ổn định có quy luật mà còn thường xuyên bị xáo trộn.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, các động thái của NHNN trong thời gian qua như độc quyền Nhà nước về vàng, khống chế ngân hàng, điều khiển thị trường tín dụng theo mệnh lệnh hành chính… đã và đang làm nghẽn mạch hệ thống tiền tệ. “Nếu cứ ra sức can thiệp bằng biện pháp hành chính thì nền kinh tế càng lâm vào thế tê liệt” - ông Chí nhận định.
Đồng quan điểm này, chuyên gia ngân hàng TS Nguyễn Đại Lai cho rằng: Việc nhu cầu vàng tăng bất thường gây hiệu ứng đẩy giá lên như hiện nay là do tăng cầu về vàng SJC từ các ngân hàng chứ không phải là cầu vàng nói chung. Bên cạnh đó, nợ xấu vàng cũng đang gia tăng do sự không đồng nhãn hiệu giữa vay và trả càng tạo thêm áp lực tăng giá SJC. Theo TS Lai, NHNN chỉ nên quản lý vàng trong cấu thành dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng thỏi, chuẩn quốc gia, đồng thời là chuẩn quốc tế.
Theo đó, các loại vàng này nên tồn tại dưới dạng thỏi hoặc tín phiếu thỏi có trọng lượng từ 1kg đến 10kg, có tuổi không thấp hơn 95,5%. Mọi phát sinh vàng vật chất nếu NHNN bán ra từ kho dự trữ để thay đổi cơ cấu tỷ trọng thì phải phi thỏi ngay sau khi xuất kho (nghĩa là trong mọi trường hợp không được bán vàng dự trữ dạng thỏi ra thị trường trong nước). Các loại vàng còn lại, kể cả là vàng với tư cách ngoại hối thông thường lẫn hàng hóa mỹ nghệ, trang sức trên thị trường nên được tự do trao đổi, mua bán, bao gồm cả tự do nhập và xuất. Trên cơ sở đó, NHNN chỉ nên đóng vai trò quản lý Nhà nước chứ không nên tham gia vào việc kinh doanh vàng, trừ trường hợp muốn thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối để bảo toàn giá trị và không vì mục đích lợi nhuận. “Để đưa thị trường vàng trong nước trở về với trạng thái ổn định, dù muốn hay không Nhà nước cần xóa bỏ ngay cơ chế độc quyền vàng miếng và tôn trọng quy luật thị trường” - TS Lai bày tỏ quan điểm.
Sẽ là không công bằng cho những doanh nghiệp yếu thế trong cuộc cạnh tranh độc quyền vàng như hiện nay. Nếu cứ tiếp diễn theo cơ chế này thì không chỉ có doanh nghiệp thiệt thòi mà ngay cả người dân cũng không thoát khỏi những hậu quả mà diễn biến thị trường vàng mang lại. “Chúng tôi mong muốn với vai trò là cơ quan quản lý giám sát và thực thi pháp luật, NHNN phải đưa ra cơ chế và chính sách hợp lý để hình thành một thị trường vàng đúng nghĩa ổn định và lành mạnh. Ở đó doanh nghiệp dù có tiềm lực hay yếu thế vẫn được cạnh tranh công bằng và lành mạnh dựa trên nguyên tắc thị trường” - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kỳ vọng.
Thùy Trang