Lương tối thiểu - Sống tối thiểu?
(Petrotimes) - Hóa ra đã 20 năm nay, lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn còn sự chênh lệch quá xa. Dự báo, cuộc chạy gằn này trong tương lai gần cũng rất khó dẫn đến hội ngộ giữa hai cái tối thiểu: lương và mức sống.
Thọ Vinh (NLM số 214)
Tại hội thảo về “Mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra đối với việc xác định lương tối thiểu và lương đủ sống cho người lao động” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang tồn tại mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức; mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp và mức lương tối thiểu ngành còn nhiều bất cập.
Hội thảo nhìn nhận, tuy chính sách tiền lương tối thiểu đã có đổi mới phù hợp hơn với giá cả thị trường, nhưng giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn có sự chênh lệch.
Gần đây mức lương tối thiểu vùng đã điều chỉnh từ tháng 1/2013, nhưng theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội, hiện lương khối hành chính sự nghiệp chỉ bằng 70% khu vực doanh nghiệp. Các khảo sát cho thấy, lương của khu vực doanh nghiệp mới đáp ứng được 62-69% mức sống tối thiểu của người lao động và khoảng cách giữa lương tối thiểu của đơn vị hành chính sự nghiệp và mức sống còn cách xa hơn rất nhiều.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) thừa nhận, hiện lương ở khu vực Nhà nước mới đảm bảo được 50% mức sống tối thiểu của công chức.
Khu nhà thuê của những công nhân chỉ có lương tối thiểu
Bà Văn Thu Hà, đại diện Oxfam (Tổ chức Liên minh chống nạn đói và nghèo khổ) cho rằng, mức lương tối thiểu ở Việt Nam không chỉ chưa theo kịp mức sống tối thiểu và mà còn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tăng lương tối thiểu những năm gần đây mới bằng 38-41% mức tăng GDP bình quân đầu người (trừ năm 2003 và 2006 mức tăng bằng 46%). Do đó, dư địa tăng lương tối thiểu theo GDP là hoàn toàn có khả năng.
Nghiên cứu của Tổ chức Oxfam còn cho thấy, hiện với những người sống bằng lương tối thiểu thì đó là cuộc sống chật vật, nằm trong nhóm có chi tiêu thấp nhất hay nói cách khác là thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo.
Được biết, dự kiến đến năm 2015 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ tăng lương lên mức đáp ứng được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khó có thể đạt được mục tiêu này nếu kinh tế vĩ mô không ổn định.
Theo các chuyên gia về lao động tiền lương, nếu điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng lộ trình thì sợ doanh nghiệp không “kham” nổi. Còn nếu điều chỉnh để đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm nay thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản. Theo tính toán, với mức lương hiện tại, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nợ lương, bỏ thưởng và trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Hiện số doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ mới được khoảng 60-70%. Vì vậy, việc tăng lương ở bối cảnh hiện tại cũng phải cân nhắc tới rất nhiều yếu tố, trong đó có năng lực cạnh tranh, vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Một vấn đề nữa cũng được rất nhiều chuyên gia quan tâm, đó là, hiện Việt Nam chưa xây dựng được thống nhất các tiêu chí quy định mức sống để xây dựng mức lương tối thiểu. Bên cạnh đó, cơ chế điều chỉnh chính sách tiền lương tối thiểu cũng chưa rõ ràng. Tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, việc điều chỉnh lương chủ yếu dựa vào túi tiền của ngân sách. Còn trong khu vực doanh nghiệp chủ yếu dựa vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và kết quả sản xuất kinh doanh. Năm qua, khu vực sản xuất kinh doanh còn được cải thiện, trong khi khối Nhà nước thì không có điều chỉnh nào.
Điều đáng nói là do chưa có tiêu chí xác định mức sống tối thiểu nên các số liệu công bố mỗi nơi mỗi con số. Bộ LĐ-TB&XH đưa ra một mức, Tổng cục Thống kê đưa một mức và công đoàn đưa ra một mức. Mỗi nơi một kiểu dẫn tới lương tối thiểu và mức sống tối thiểu luôn đuổi theo nhau. Bài toán đặt ra, căn cứ vào tiêu chí nào để quy định mức sống tối thiểu cho từng thời kỳ. Dữ liệu khác nhau nên nghiệm khác nhau do chưa có các tiêu chí cụ thể để quy định mức sống tối thiểu. Do vậy, cần hướng tới tiêu chuẩn hóa.
Được biết, hiện có 2 phương pháp tính mức sống để xây dựng lương tối thiểu của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tuy nhiên, do cách tính không thống nhất nên đã cho các kết quả khác nhau, gây khó khăn trong việc xác định mức sống tối thiểu. Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội cho biết, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, tham khảo những tổ chức, nền kinh tế tiên tiến để tìm ra phương pháp chính xác hơn.
Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã khảo sát từ bữa ăn của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp. TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho biết, kết quả khảo sát năm 2012 cho thấy, để đảm bảo có đủ dinh dưỡng 2.300 kcal/ngày, người lao động (NLĐ) phải chi trả 750.000-900.000 đồng/tháng. Cộng với nhu cầu lương thực, thực phẩm và chi phí nuôi con, mức sống tối thiểu của NLĐ vào khoảng 2,4-3,7 triệu đồng/tháng. Với cách tiếp cận này, phía công đoàn cũng khẳng định, tiền lương tối thiểu khu vực sản xuất kinh doanh chỉ đáp ứng được 65-70% mức sống tối thiểu. Cứ tình trạng này thì việc tiền lương tối thiểu đuổi kịp mức sống tối thiểu vào năm 2015 là bất khả thi.
Đại diện Oxfam Việt Nam, chia sẻ: “Trên thế giới có một cách hiểu khá thống nhất: mức lương đủ sống là mức lương phải đảm bảo đủ để mua một giỏ hàng hóa lương thực, thực phẩm cần thiết và một giỏ hàng hóa phi lương thực, thực phẩm (cho mặc, ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đi lại, hỗ trợ bố mẹ già, quan hệ xã hội, một khoản tiết kiệm nhỏ…) cho NLĐ và cho gia đình họ, đủ để họ và gia đình họ có một cuộc sống tử tế. Mức lương đó không đứng yên một chỗ mà phải vận động theo khả năng thương lượng tập thể của NLĐ với chủ sử dụng lao động, theo trượt giá sinh hoạt, theo mức sống dân cư và sự phát triển kinh tế. Mức lương đó phải hỗ trợ bằng các phúc lợi khác và các lợi ích an sinh xã hội.
Các chuyên gia đặt câu hỏi, liệu có cần nhiều mức tiền lương ở các khu vực khác nhau, trong khi mức sống là giống nhau? Đây là băn khoăn của không ít các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cả bản thân NLĐ. Các đại biểu dự thảo khuyến nghị liên ngành LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tham mưu cho Chính phủ sử dụng các biện pháp mạnh hơn trong các chính sách lương tối thiểu. Đã là NLĐ thì mức sống tối thiểu ở đâu cũng như nhau, do đó cần xây dựng một mức lương chung cân bằng trong khu vực Nhà nước với khu vực doanh nghiệp. Chỉ có như vậy mới giảm được bất bình đẳng giữa các nhóm lao động hưởng lương tối thiểu.
Từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức (hiện nay là 1,05 triệu đồng) và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp. Riêng mức lương tối thiểu ngành đang thực hiện thí điểm đối với ngành dệt may, cao su thông qua ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành. |
T.V