Doanh nghiệp nợ bảo hiểm chồng chất
(Petrotimes) - Bất chấp những động thái cứng rắn của cơ quan quản lý, tình trạng nợ đóng bảo hiểm vẫn không ngừng gia tăng gây mất cân đối cho quỹ bảo hiểm xã hội.
Tình trạng nợ bảo hiểm xã hôi (BHXH) trong các doanh nghiệp những năm trở lại đây liên tục gia tăng. Đặc biệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ càng khiến vấn đề này không có dấu hiệu giảm xuống.
Theo dự báo của BHXH Việt Nam, năm 2013, với tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến khó khăn, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH sẽ diễn biến phức tạp trên khắp cả nước. Tại tất cả các tỉnh, thành phố, danh sách doanh nghiệp nợ bảo hiểm sẽ tiếp tục gia tăng. Thậm chí, những nơi kinh tế càng phát triển, thì tỷ lệ nợ BHXH sẽ càng cao.
Điển hình tại TPHCM, mặc dù đã đi đầu trong cả nước với việc khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa do nợ đóng BHXH. Tuy nhiên ngay cả việc thực hiện động thái kiên quyết trên cũng chưa mang lại hiệu quả cao khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khó khăn chung. Con số 22.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giải thể, phá sản, ngừng hoạt động trong năm 2012 càng cho thấy vấn đề nợ BHXH càng trở nên nhức nhối cho cơ quan bảo hiểm thành phố trong năm 2013.
Kinh doanh khó khăn khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp nợ BHXH
Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM: TPHHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, với số lượng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đông đảo. Vì vậy khi doanh nghiệp gặp khó khăn, tình trạng nợ đóng BHXH của các đơn vị này cũng tăng lên. “Những năm gần đây trung bình nợ BHXH trên địa bàn thành phố thường duy trì ở mức 1.000 tỉ đồng/năm, trong đó, các con nợ chủ yếu vẫn là hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ gặp khó khăn do hoạt động kinh doanh”.
Cũng theo cơ quan BHXH TPHCM, trong năm 2012 trên địa bàn thành phố đã có gần 600 doanh nghiệp bị kiện ra tòa vì nợ BHXH, chiếm hơn 80% số vụ kiện với lý do trên trong cả nước với số nợ gần 237 tỉ đồng. Tuy nhiên kể cả sau khi đã có phán quyết của tòa án, tỷ lệ đòi được nợ BHXH tại TPHCM cũng chỉ đạt gần 28% so với số nợ phải thu. Tính đến thời điểm này, TPHCM còn đến 19.970 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền với hơn 690 tỉ đồng, trong đó những đơn vị có số nợ lớn và mất khả năng trả nợ là Tập đoàn Vinashin, Vinalines, Công ty CP taxi Mai Linh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, may mặc, giày da…
Theo BHXH TPHCM, ngoài các nguyên nhân đến từ khó khăn của các doanh nghiệp thì vẫn tồn tại nhiều trường hợp các đơn vị kinh doanh ổn định, nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không nộp bảo hiểm, hoặc vẫn khấu trừ tiền bảo hiểm vào lương hàng tháng của người lao động, song không nộp cho cơ quan bảo hiểm.
Ngoài ra, trên thực tế do mức xử phạt hành chính cao nhất hiện nay đối với hành vi chiếm dụng này chỉ là 30 triệu đồng, vẫn còn rất nhẹ nên chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp. Vì vậy tình trạng nợ đóng BHXH trong các doanh nghiệp liên tục gia tăng. Không riêng gì TPHCM mà ở các địa phương trong cả nước cũng gặp phải tình trạng như trên.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam tính đến hết tháng 2/2013, lũy kế các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế lên tới gần 10.400 tỉ đồng. Trong đó, nợ BHXH chiếm gần 7.800 tỉ đồng, nợ bảo hiểm y tế hơn 2.600 tỉ đồng. Dù các địa phương đã quyết liệt áp dụng biện pháp mạnh tay là kiện các doanh nghiệp có số nợ lớn ra tòa, nhưng tỷ lệ nợ không những không giảm, mà vẫn tiếp tục tăng cao.
Đặc biệt, hơn một nửa số địa phương nợ bảo hiểm trong cả nước có tình trạng tỷ lệ nợ cao hơn mức bình quân cả nước. Vì vậy nên quỹ BHXH đang rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa thu và chi. Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng mức thu bảo hiểm chỉ đạt 15.988 tỉ đồng, trong khi tổng số chi lên đến hơn 23.866 tỉ đồng, mất cân đối gần 7.900 tỉ đồng.
Thùy Trang