Xây dựng thương hiệu - điểm yếu của thị trường nông sản Việt
(Petrotimes) - Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia, thậm chí còn được biết đến với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, thị trường nông sản Việt hiện vẫn còn phát triển thiếu tính chuyên nghiệp khiến các sản phẩm chỉ đơn thuần xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô chứ chưa phát huy được thế mạnh của mình.
Ngành nông sản Việt Nam được biết đến bới nhiều sản phẩm có chất lượng cao như: Vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên…Tuy nhiên những thương hiệu nổi tiếng và được vinh danh như trên hiện vẫn rất ít, trong khi chúng ta có nhiều các sản phẩm tiềm năng.
Theo khảo sát của Cục Sở hữu trí tuệ trong năm 2012, Việt Nam có tới 933 sản phẩm nông sản, dịch vụ đặc thù gắn với 721 địa danh trên cả nước, trong đó có 800 sản phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, số lượng chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ có 136 thương hiệu sản phẩm có đăng ký bảo hộ. Như vậy có thể nhận thấy tiềm năng củ ngành nông sản Việt đang bị bỏ ngõ rất lớn.
Việc không xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã khiến trong thời gian dài các sản phẩm nông sản trong nước chỉ biết đi theo hướng xuất khẩu nguyên liệu thô với lợi ích kinh tế mang lại rất thấp. Ngược lại, cũng từ nguyên liệu thô đó sau khi nhập sang nước khác được chế biến được bán với giá thành cao.
Điển hình nhất phải nhắc đến sản phẩm cà phê, nếu như 1 kg cà phê nhân Việt Nam có giá khoảng 2 USD tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê ở nước ngoài, sau khi qua chế biến các nước có thể bán ra cao gấp 100 lần. Như vậy sản phẩm cà phê Việt đang bị thiệt hại lớn khi lợi nhuận mang về thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm đã qua khâu chế biến.
Vấn đề xây dựng thương hiệu đang là bài toán cho thị trường nông sản Việt Nam
Ông Trần Hoàng, Chủ tịch Hội Marketing TP HCM cho rằng: Chúng ta đã và đang phải trả giá trong nhiều năm cho việc xuất khẩu thô. Trong khi các nước xung quanh cúng ta dù tiềm năng nông sản ít hơn nhưng nhờ việc tập trung nghiên cứu phát triển thương hiệu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến nên họ luôn đi đầu về lợi nhuận xuất khẩu nông sản. Ngược lại, nông sản chúng ta dù dư thừa nguyên liệu nhưng lại đem về rất ít lợi nhuận.
“Thị trường nông sản cần bước tiến lớn hơn trong khâu chế biến, sản xuất nhằm đưa các sản phẩm lên tầm cao mới xứng đáng với thế mạnh của nó” - ông Hoàng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng: Việc đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam phải làm là nhanh chóng đăng ký thương hiệu để giữ uy thế sản phẩm. Sau đó, phải đẩy mạnh khâu chế biến để xuất khẩu sản phẩm của mình ra thế giới và giữ được tín nhiệm của mình đối với bạn hàng. Cũng theo ông Tự, không chỉ có cà phê mà hàng loạt các sản phẩm nông sản Việt Nam cũng đang có chung thực trạng này. Vì vậy điều dễ hiểu khi các mặt hàng nông sản là lợi thế của Việt Nam nhưng giá trị xuất khẩu đang có dấu hiệu giảm.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Việt Nam luôn dẫn đầu về xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, hạt điều, nhiều loại trái cây như nhãn, bưởi, thanh long… được ưa chuộng trên thế giới nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Vì vậy, hiện 90% nông sản xuất khẩu dạng thô, sau đó được các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và mang thương hiệu của họ.
Thương hiệu nhiều nông sản rất mờ nhạt trên thị trường trong và ngoài nước, khiến năng lực cạnh tranh yếu, không bán được giá cao, lợi nhuận của người sản xuất và doanh nghiệp thấp. Trong khi đó, trên thị trường nội địa, hơn 80% nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Vì vậy, vấn đề kiểm định chất lượng và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hầu như bị bỏ ngõ.
Từ thực tế trên cho thấy, hướng đi của thị trường nông sản Việt lúc này chính là việc phát triển những thương hiệu nông sản có chất lượng cao, bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Muốn vậy điều cần thiết phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa người nông dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các chính sách, vốn đầu tư và khoa học công nghệ. Có như vậy thị trường nông sản Việt Nam mới có đầy đủ thực lực để vươn đến các nước trên thế giới và đứng vững với thương hiệu của mình.
Thùy Trang