Xuân sớm trên nhà giàn DK1
Nơi ấy muôn vàn khó khăn, gian khổ, thời tiết khắc nghiệt. Mấy năm trước, bão tố đại dương đã quật đổ một số nhà giàn. Trong thời khắc bão tố, giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các anh đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, bám trụ đến cùng, chấp nhận sự hy sinh.
Các nhà giàn hôm nay đã chắc chắn hơn, cao hơn, rộng và khang trang hơn. Những nhà giàn thế hệ đầu, bây giờ chỉ còn trong ký ức; đánh dấu một thời gian khó, hiểm nguy. Đặc biệt, hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng đã đưa vào sử dụng; phủ sóng truyền hình, điện thoại, xích gần nhà giàn với đất liền.
Nhà giàn DK1/14
Nhìn từ xa, nhà giàn như cái chòi, chênh vênh, nhỏ nhoi giữa biển. Song cái chòi đó không phải để “coi cá” mà là điếm canh, là cột trụ bằng sắt thép, nhằm xác lập, canh giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Phải nói rằng, đội ngũ kỹ thuật công phu lắm, trí tuệ, tài giỏi lắm mới có thể làm được hàng chục nhà giàn đứng vững, chống chọi với lốc xoáy, bão giông, sóng dữ. Hơn nữa, trên các nhà giàn là những con người được tôi rèn ý chí kiên cường, dũng cảm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước nhân dân.
So với các đảo trong quần đảo Trường Sa thì nhà giàn chật hẹp, không có một tấc đất, nền đá san hô; bộ đội quanh năm “đầu đội trời, chân đạp sóng”; giông bão hung dữ ập đến bất kỳ; nhà giàn trơ trọi, không một vật gì che chắn.
Vì lẽ đó, đất liền luôn dõi theo và ủng hộ các anh. Những gói quà tết của cả nước gửi tặng các nhà giàn DK1 là động lực tinh thần, giúp bộ đội thêm ấm áp lúc xuân về. Gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, măng, miến, thịt lợn, thịt gà, bánh mứt kẹo, bia rượu, sách báo xuân và cả cành mai… được đóng gói, bao bọc cẩn thận, chống ướt, chuyển xuống tàu. Cuối năm thường có áp thấp nhiệt đới, biển động, sóng to, các tàu thuộc Hải đội 812 xác định: Bằng mọi cách, phải chuyển được quà tết lên các nhà giàn. Nếu sóng to, không thả được xuồng thì kéo dây ròng rọc; thực hiện phương án: “Chúc tết qua loa, tặng quà qua dây”.
Có điểm, tàu chỉ cách nhà giàn 200 mét, nhìn thấy cán bộ, chiến sĩ giơ tay vẫy chào mà khách không lên thăm được vì sóng cấp 6, cấp 7. Ai nấy đều ngậm ngùi, xúc động, nhất là nghe tiếng loa từ trên nhà giàn vọng xuống: “Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã nhận được quà tết của đất liền gửi tặng. Chúng tôi chúc các đồng chí, bà con, anh chị em trong đoàn công tác mạnh khỏe, hạnh phúc. Cho chúng tôi gửi lời chúc tết và cảm ơn đất liền. Dù trong hoàn cảnh nào, xin nhân dân hãy tin tưởng ở chúng tôi...”.
Vượt sóng gió mang quà tết ra với nhà giàn DK1 (ảnh: Đoàn Hoài Trung)
Vâng! Đó là lời hứa tâm huyết của các anh. “Cuộc sống phong ba, đời ta vẫn trẻ” - câu nói vui này thường được cán bộ, chiến sĩ nhà giàn nhắc tới để động viên nhau. Ở nhà giàn DK1/14, Chỉ huy trưởng là Trung tá Nguyễn Văn Hùng; Chính trị viên, Trung tá Trần Sĩ Hoành và Chỉ huy phó là Đại úy Đỗ Văn Chính. Ba anh quê ở Hải Phòng, Nghệ An và Hà Nam, niềm nở tiếp chúng tôi từ dưới tàu lên như đón người thân. Đồng chí Hùng cho biết, đơn vị đã 5 năm liền đạt danh hiệu “Quyết thắng”. Nhà giàn cao 3 tầng; trên nóc có sân bay trực thăng. Nội thất các phòng được trang bị hiện đại, đều có treo ảnh Bác và hoa nhựa đón xuân.
Khu vực này nằm cạnh đường hàng hải quốc tế; xuất hiện nhiều hoạt động nhạy cảm và rất phức tạp. Lực lượng nước ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến vào thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm chủ quyền của nước ta. Ngoài ra, còn có nhiều tàu cá Trung Quốc, Hongkong, Philippines đánh bắt cá trái phép. Bởi vậy, công tác sẵn sàng chiến đấu, nhất là trong dịp tết, phải duy trì thường xuyên, cảnh giác cao; bảo đảm tính pháp lý quốc tế.
Chúng tôi được dự bữa cơm tất niên cùng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/14. Có thịt gà, giò lụa, chả quế, canh măng; còn có thêm món cá nướng vừa câu được từ biển lên. Bên cốc rượu mừng xuân mới, mọi người vui vẻ chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc và hát vang bài “Nơi đảo xa” của Thế Song và “Quần đảo đồng đội” của Hoàng Tạo.
Chăm sóc rau xanh
Phạm Văn Sáng, nhân viên cơ yếu; Lê Trọng Biểu, pháo thủ 12,7 ly; Hoàng Trung Thành, nhân viên thông tin; Phạm Mạnh Hùng, phụ trách cơ điện; y sĩ Phạm Văn Bảy và báo vụ 1, Trần Hữu Mạnh. Mỗi anh có hoàn cảnh khó khăn riêng về gia đình, bố mẹ, vợ, con. Song ở nhà giàn DK1/14 này, có lẽ hoàn cảnh đáng nói nhất là của Trung tá, Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Hùng. Anh đã có 18 năm công tác trên các nhà giàn, có vợ là chị Trịnh Thị Lý. Từ biệt Hải Phòng, chị theo chồng vào Cam Ranh, thuê nhà ở tạm và không có việc làm. Họ đã có hai con, một trai, một gái - cháu Quang Huy và cháu Thảo Nguyên. Sau khi sinh cháu thứ hai, chị Lý bị ốm nặng. Cùng lúc, cháu Quang Huy bị chảy máu dạ dày, phải cấp cứu ở bệnh viện. Trong hoàn cảnh đó, anh Hùng bình tĩnh, tự đấu tranh tư tưởng, vẫn thực thi nhiệm vụ ở nhà giàn và gọi điện nhờ đơn vị trong đất liền cùng bà con lối phố giúp đỡ. Rồi cơn hoan nạn đã qua.
Bản lĩnh của Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Hùng là bài học sống động cho anh em trong đơn vị học tập. Ngày qua ngày, có lúc sóng dữ quật lên cao hàng chục mét, đổ xuống nhà giàn ầm ầm như thác đổ. Có lúc anh em thiếu nước ngọt, thèm rau xanh; ước ao có khách đất liền ra thăm. Rồi chuyện nhớ nhà; lo lắng cho cha mẹ già, vợ con lúc trái gió, trở trời…
Đại úy Lê Văn Khải, đã 16 năm công tác ở nhà giàn DK1 bày tỏ tình yêu của đồng đội bằng thơ:
“Bao đêm anh ở nhà giàn
Biển trời thấp thoáng muôn vàn vì sao
Sóng đêm nỗi nhớ cồn cào
Gió đưa hơi thở, dội vào phương em”…
Và đây là lời thề của các anh qua câu nói của Trung tá, Chính trị viên nhà giàn DK1/14, Trần Sĩ Hoành: “Trong những ngày xuân này và mãi mãi về sau, nếu cần, chúng tôi sẵn sàng hy sinh chứ không để chủ quyền bị xâm phạm; không để mất chủ quyền. Bởi lẽ, nỗi nhục lớn nhất là nỗi nhục mất chủ quyền!”.
Chúng tôi ghi nhận và hoàn toàn đồng tình với chân lý đó của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1. Giữa biển trời bao la, đầy sóng gió, dù còn nhiều gian lao, vất vả, nhưng mùa xuân này, các anh được đón một cái tết tươi vui, đầm ấm trong niềm thương yêu, tin tưởng của đất liền.
Ghi chép của Chi Phan