Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Xuân này trên thủy điện Hủa Na

08:00 | 17/04/2011

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Có đi hết công trường Thủy điện Hủa Na, chứng kiến từng công đoạn biến những điều không thể thành có thể, chinh phục dòng sông hung dữ mới thấy sức lực con người sao mà vĩ đại.

Gió rét như chích kim vào mặt. Gió thổi ù ù làm căn lán của tốp công nhân trông coi tháp điều áp, trên quả đồi cao hơn nửa cây số dựng tạm bợ bằng những tấm nilon xanh rung lên phần phật. Ngoài trời, mưa xuân bay giăng giăng mờ trời đất.

Nếu ở dưới xuôi, thứ mưa xuân này là niềm thi hứng cho những người ưa lãng mạn nhưng ở đây, nó là một thứ “họa”. Mưa xuân làm những con đường vào Công trường Thủy điện Hủa Na trở nên lầy lội. Xe ôtô tải, nếu là loại xe 1 cầu thì thường phải nhờ xe xích kéo giúp. Đất đỏ ba-zan vùng miền Tây xứ Nghệ ngấm mưa trở nên bết bát, bám mút lấy gót giày. Chính vì thế mà những người công nhân ở tháp điều áp này phải lấy nilon trải ra trước lán, để làm sân cho sạch sẽ.

Xuân này trên thủy điện Hủa Na
Trên công trường Thủy điện Hủa Na

Ở đây, họ có 6 người và nằm chung nhau trên một chiếc phản được ghép bằng gỗ cốp pha. Nhìn cảnh này, tôi bỗng nhớ tới bài ca dao trong kháng chiến chống Pháp của nhà thơ quân đội Lê Kim: “Thằng nghiêng nằm giữa thằng co/ Ba thằng quặp chặt gió lùa vào đâu”. Tất nhiên là bây giờ, anh em nằm có đủ chăn đệm, không phải cảnh “Đắp dọc thì hở hai bên/ Đắp ngang thì lạnh như tiền cái chân”, nhưng cái rét vẫn đến tê tái.

Cái lán này đã hơn năm rồi. Họ dựng tạm giữa đỉnh đồi, bắc ống dẫn nước từ hẻm núi xuống, sắm thêm vài cái thau chậu để đựng nước, rồi kê cốp-pha thành giường ngủ dã chiến. Mùa đông thì rét như vậy, nhưng xem ra còn dễ chịu hơn mùa hè. Cái nắng và gió Lào làm căn lán nhỏ lúc nào cũng như lò hơi trên quả đồi cao hơn nửa cây số.

- “Ở đây vào ban đêm thì sợ lắm, không phải sợ ma, không phải sợ thú dữ mà sợ vì buồn”. - Nguyễn Văn Độ, công nhân trông coi tháp điều áp kể: “Đêm nghe tiếng hoẵng tác mà lòng cứ muốn tan chảy ra, và khi đó, chỉ muốn gói gém quần áo chuồn về. Ấy vậy mà đến sáng ra, lại nghĩ khác”.

Quê Độ ở Tương Dương, Nghệ An, mới học hết lớp 9 và đã có 5 năm theo anh trai đi cạo mủ cao su ở Lâm Đồng. Mãi về sau này, khi đã tích cóp được chút tiền, Độ về Vinh, đăng ký học nghề cơ khí rồi xung vào đội quân công nhân vào Hủa Na xây dựng thủy điện. Độ được phân công trực máy tại tháp điều áp này đã gần một năm nay.

Máy móc ở tháp điều áp được tự động hóa cao nên cần rất ít công nhân, chủ yếu để thay nhau vận hành máy, bảo dưỡng dầu mỡ và trực sự cố. Có lẽ, tháp điều áp là khu vực ít công nhân nhất trong hệ thống công trình thủy điện Hủa Na. Tổ máy ở đây chỉ có vỏn vẹn 6 người, tất đều trẻ măng, khỏe mạnh và tráng kiện, tuổi tác mới chỉ ngoài đôi mươi.

Tháp điều áp đặt trên đỉnh cao nhất, được bố trí một máy khoan thủy lực cỡ lớn, tự động hóa hoàn toàn. Từ đỉnh đồi này, máy khoan sẽ khoan thẳng đứng xuống đường hầm dẫn nước bên dưới. Sau khi đưa vào vận hành, tháp điều áp sẽ điều tiết áp lực nước từ chân đập nước vào các tổ máy. Hãy cứ tưởng tượng rằng, tháp điều áp như một cái van, muốn có áp lực nước mạnh chỉ cần nhích van lên một chút hoặc ngược lại.

“Hôm cắt cử người ở lại trực tết, có 6 anh em mà chẳng biết phân xử thế nào, biết để ai về, ai trực. Anh Minh, anh Tuấn, anh Trương đều đã có vợ con, họ cần về nhà hơn em. Thế nên, em với thằng Đạt xung phong ở lại trực coi máy móc”. Độ lại kể chuyện ngày tết, giọng buồn buồn: “Lúc đầu hăng là thế chẳng nghĩ gì nhưng đến tối, khi chỉ còn hai thằng lại với nhau mới thấy hơi hối hận. Gạo, muối, lương thực, cả nước ngọt và mấy thùng bia trước khi về anh em cũng sắm cho đủ cả nhưng mấy ngày buồn, ăn cũng chẳng biết ngon. Em ra rừng phát được một cành mận trắng về cắm trong nhà lấy không khí xuân, rồi mài lon bia làm bát hương cúng thổ công lúc giao thừa. Khi uống đã ngà ngà say, hai anh em mỗi thằng nằm một đầu giường ôm mặt khóc”.

Câu chuyện của chàng công nhân trẻ trên tháp điều áp thủy điện Hủa Na làm tôi thực sự xúc động. Nghe lời anh kể, nhìn ánh mắt anh hướng về miền rừng xa xăm, nhìn cả công trường thủy điện đang hừng hực đẩy nhanh tiến độ, tôi càng thấm được những cung bậc cảm xúc, những hy sinh, gian khổ của họ.

Chuyện kể từ lòng vực đến cao tít tận mây xanh

Để vào được thủy điện Hủa Na, từ thành phố Vinh, tôi đón xe khách ngược ra Quốc lộ 1, men theo địa phận các huyện Hưng Nguyên, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, đi hơn hai trăm cây số đến trung tâm huyện Quế Phong. Từ đó lên xe khách đi tiếp gần 40 cây số nữa mới vào được địa phận thủy điện Hủa Na. Chỉ hơn 40 cây số mà xe khách ì ạch chạy đến 6 giờ đồng hồ bởi mặt đường gập ghềnh và liên tục những khúc cua tay áo.

Xuân này trên thủy điện Hủa Na
Công trường Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Công trình thủy điện Hủa Na nằm trên địa bàn 2 xã Đồng Văn và Thông Thủy thuộc huyện Quế Phong, Nghệ An, được xây dựng trên dòng sông Chu, phía thượng nguồn công trình Cửa Đạt (Thanh Hóa). Quế Phong là huyện tận cùng phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, nằm sát biên giới Việt - Lào.

Vì heo hút, xa xôi, đất đai eo hẹp, Quế Phong được liệt vào huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh nhưng đó lại là vị trí đắc địa để xây dựng thủy điện với nhiều triền dốc gấp, độ cao lý tưởng. Theo những cán bộ kỹ thuật ở công ty thì Nhà máy Thủy điện Hủa Na thuộc Tổng Công ty điện lực Dầu khí (PVE) là nhà máy có vốn đầu tư cho 1KW là thấp hơn nhiều so với một số nhà máy khác bởi có độ cao cột nước lý tưởng. Nhưng chi phí ban đầu cho xây dựng cơ sở hạ tầng – nhất là việc san đường bạt núi là khá tốn kém.

Hủa Na - điểm sáng ở vùng rừng nguyên sinh

Từ đầu năm 2008, khi bắt đầu những công đoạn đầu tiên của Công trình Thủy điện Hủa Na thì khu vực lòng hồ, nhà máy chỉ nguyên sơ là những cánh rừng già với bạt ngàn lau lách và cỏ dại. Lúc đó, cơ cấu công ty chỉ có 4 phòng với 14 thành viên. Công việc đầu tiên là công việc mở đường, làm tiền trạm cho máy ủi, cần cẩu chạy vào. Tất cả anh em, từ trưởng phòng đến phó phòng đều cầm dao, mác, đi phát rừng lấy dấu đường.

Anh Bùi Huy Thành, 32 tuổi, giờ là Phó phòng Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na kể: “Hồi đó, chúng tôi phải men theo những con đường sống trâu mà người dân đi làm nương, tìm đến những điểm bằng phẳng để cắm lều phát rừng. Có ngày đi bộ đến 12 tiếng từ chân đồi lên đến đỉnh đồi rồi lại vòng xuống để khảo sát, trắc địa, đo đạc. Chuyện ăn hoa chuối rừng luộc, uống nước suối vã là chuyện thường, không thể kể hết”.

Xuân này trên thủy điện Hủa Na
Lễ chặn dòng sông Chu nơi xây dựng Thủy điện Hủa Na

Ấy thế mà chỉ trong vòng 5 tháng, chỉ bằng một dúm người từ miền đồng bằng lên, họ đã băng rừng, mở đường đưa máy san gạt, máy ủi vào để… phạt bằng chóp một quả đồi cao 300m để xây dựng khu văn phòng làm việc. Thế rồi, từng tốp công nhân, từng đoàn máy móc ồ ạt nối đuôi nhau vào, biến rừng núi hoang sơ thành một đại công trường hối hả suốt ngày đêm.

Có đi hết Công trường Thủy điện Hủa Na, chứng kiến từng công đoạn biến những điều không thể thành có thể, chinh phục dòng sông hung dữ mới thấy sức lực con người sao mà vĩ đại. Từ dưới đáy con đập tôi bất giác nhìn lên. Từng khối bê tông như những tòa cao ốc cao vòi vọi che lấp cả bầu trời. Những trục cần cẩu cỡ lớn vạm vỡ cẩu từng khối bê tông như chạm vào mây xanh. Có anh thợ hàn trên cao thấy tôi giương máy ảnh cũng vội vã bỏ kính hàn, tháo mũ bảo hiểm, vuốt lại tóc rồi nhoẻn miệng cười làm duyên. Họ ghé vào vai nhau, ngón tay giơ lên biểu tượng chiến thắng, đề nghị tôi chụp ảnh kỷ niệm rồi cười ha hả.

Ra tết được mấy hôm, anh em công nhân mới trở lại làm việc nên họ đem không khí tết ra cả công trường. Có ai đó đã mang cành mận trắng cắm lên giữa bề bộn sắt thép, bê tông. Giờ nghỉ trưa, họ cắt bánh chưng, mang cà phê, thuốc lá ra liên hoan ngay giữa công trường, tiếng cười nói huyên náo bay giữa mây núi.

Tất cả những cán bộ, công nhân khi vào thủy điện đều xác định trước cho mình rằng: Hãy lấy chồng, lấy vợ trước rồi hãy vào thủy điện. Là bởi, đã vào đến vùng rừng heo hút tận cùng của Tổ quốc này thì cơ hội lập gia đình là điều rất khó. Quanh năm suốt tháng, có đến vài ngàn công nhân lao động trên công trường, chia thành các khu lán ở dọc bờ sông Chu. Tất cả đều là nam giới, đều khỏe mạnh, trẻ trung đang tuổi yêu đương. Anh em công nhân ở đây ngại ngùng kể cho tôi rằng, nhiều lúc họ thèm vô cùng bóng người phụ nữ, thèm được tán tỉnh một vài câu, đong đưa một vài câu.

Trên đường trở về chân đập, Anh Phan Trọng Phú – Phó giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na chỉ tay xuống dưới lòng hồ, ánh mắt đầy hy vọng: “Diện tích hồ chứa nước dưới kia rộng hơn 21km2, sau khi hoàn tất công trình đi vào hoạt động cuối năm 2012, điện lượng bình quân hàng năm hơn 700 triệu KWh. Từ thời điểm này, anh em bắt đầu tăng tốc để hoàn thành đúng tiến độ công trình, kịp thời đưa thủy điện Hủa Na hòa vào mạng lưới điện quốc gia”.

Chia tay anh em dưới chân công trường, nhìn những bông hoa mơ, hoa mận bung nở một màu trắng tinh khôi, tôi bỗng nhớ tới lời bài hát “Một rừng cây một đời người” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn:

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,

Gian khổ sẽ dành phần ai ?

Ai cũng một thời trẻ trai.

Cũng từng nghĩ về đời mình…”.

Ngày 30-1-2010, tại Công trường Thủy điện Hủa Na - bản Huôi Muồng, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã long trọng tổ chức “Lễ chặn dòng sông Chu – Công trình Thủy điện Hủa Na” - một hạng mục công trình quan trọng quyết định cho việc chống lũ, Tổ máy 1, Tổ máy 2 sẽ phát điện vào quý III và quý IV năm 2012.

Nhà máy Thủy điện Hủa Na được xây dựng nhằm khai thác tiềm năng sông Chu, dự án nằm trong Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt do Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư với những cổ đông: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí VN (PV Power), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Bắc Á... Trong đó, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam giữ cổ phần chi phối. Với công suất 180MW và tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, sau khi hoàn thành, Nhà máy Thủy điện Hủa Na sẽ cung cấp lên lưới điện Quốc gia 712,7 triệu KWh/năm.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Dự án Thủy điện Hủa Na - một trong những dự án lớn được đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đã đạt được những bước tiến rất đáng khích lệ, như: khởi công công trình vào ngày 28-3-2008, thông hầm dẫn dòng vào ngày 16-11-2009, khởi công xây dựng khu tái định cư Công trình Thủy điện Hủa Na vào ngày 28-12-2009…

Với ý nghĩa đó, Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na đã vinh dự được tặng thưởng Bằng khen từ phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhằm khích lệ và tôn vinh những cá nhân đã có thành tích xuất sắc.

Ghi chép của Vũ Tiến Minh