Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế
TP HCM là một đô thị đặc biệt với dân số đông nhất cả nước (tính đến thời điểm 1/4/2019 là 8,9 triệu dân, chưa tính người dân vãng lai), là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – một khu vực được đánh giá là năng động nhất và đóng góp ngân sách lớn nhất Việt Nam.
Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp GRDP (tổng sản phẩm nội địa khu vực) của TP HCM có mức tăng trưởng trên 8%; GRDP bình quân đầu người đạt 6.065 USD/người , gấp 2,3 lần thu nhập bình quân cả nước; Với dân số chiếm 9,5% dân số Việt Nam, thành phố đang đóng góp 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, hơn 30% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
TP HCM cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng chọn làm cứ điểm đầu tiên để đầu tư vào Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Lũy kế đến cuối năm 2018, TP HCM có 8.328 dự án FDI đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 45 tỷ USD, chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cả nước.
Đặc biệt, TP HCM là nơi hội tụ của các định chế tài chính lớn, nhất là hệ thống các ngân hàng thương mại. Mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn thành phố hiện vào loại cao nhất so với các địa bàn khác trên cả nước; thị trường chứng khoán tại thành phố luôn khẳng định vị trí và tầm quan trọng vượt trội, chiếm hơn 90% giá trị thị trường cổ phiếu cả nước. Cụ thể, năm 2017, thành phố quy tụ khoảng 2.095 tổ chức tín dụng, trong đó gồm 591 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 1.365 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần. Năm 2018, thành phố có tổng số 2.125 tổ chức tín dụng, gồm 599 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 1.377 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần. Năm 2019, thành phố có khoảng 2.138 tổ chức tín dụng, gồm 601 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 1.385 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần.
Ảnh minh họa |
Với các lợi thế hiện có, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định, định hướng xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP HCM là cần thiết, khách quan, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và của thành phố, điều này thể hiện qua Quyết định “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025” của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định mục tiêu phát triển: “Xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”.
Theo khảo sát của 2.520 chuyên gia về dịch vụ tài chính hàng đầu ở khắp các châu lục, 86 thành phố nổi tiếng trên toàn cầu được đánh giá trên thang 1.000 điểm; Dựa trên rất nhiều yếu tố như nhân tố cạnh tranh, số lượng nhân công lành nghề, các biện pháp chống tham nhũng và bình ổn chính trị, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh công bằng, chất lượng cuộc sống, chính sách thuế…, 03 trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất hiện nay là London, New York, Singapore.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP HCM có thể học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ 3 trung tâm tài chính quốc tế này và nhiều mô hình trung tâm tài chính quốc tế khác như trung tâm tài chính Tokyo (Nhật Bản), Hongkong, Amsterdam (Hà Lan)... nếu muốn thành lập trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế, để thu hút dòng tài chính của thế giới đầu tư vào thành phố và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, để phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế trước hết là vấn đề quốc gia, chứ không phải là vấn đề riêng của chính quyến địa phương. Bởi nếu căn cứ vào pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính, thì chính quyền địa phương chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển trên nền tảng thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng một trung tâm tài chinh quốc tế dù dưới hình thức và mô hình nào.
Tại hội nghị, các nhà đầu tư, các chuyên gia đã trình bày các đánh giá, nhận định, kinh nghiệm, giải pháp từ các mô hình thực tiễn cũng như các các gợi ý về mặt chính sách. Trong đó đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính (Fintech – công nghệ tài chính) trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển trên toàn cầu và sự thay đổi hành vi tiếp cận các giao dịch trực tuyến (online) của khách hàng; đây là xu hướng tất yếu, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng tham gia để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong khi trình độ công nghệ, vốn, nhân sự... đều còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, hiện nay TP HCM vẫn còn nhiều thách thức về cơ chế, môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, sự phát triển của ngành dịch vụ tài chính cũng như phân bổ ngân sách. Có ý kiến cho rằng, cấu trúc và năng lực kinh doanh của các định chế tài chính trên địa bàn TP HCM còn yếu so với chuẩn khu vực và quốc tế; các định chế phi ngân hàng số lượng còn ít, loại hình hoạt động còn đơn điệu nên chưa thật sự là kênh cung cấp vốn trung – dài hạn trong nền kinh tế nói chung và kinh tế TP HCM nói riêng. Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần tuy phát triển mạnh nhất so với cả nước nhưng so với các tổ chức tín dụng trong khu vực thì vẫn còn nhỏ bé về quy mô và thiếu kinh nghiệm trong các dịch vụ tài chính quốc tế, phân tích thị trường và thẩm định dự án. Các tiêu chuẩn và thông lệ về công khai minh bạch các kết quả hoạt động chưa được tuân thủ và áp dụng chưa thường xuyên. Các ngân hàng phát triển manh mún, liên kết còn lỏng lẻo, khó có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cấp chất lượng dịch vụ... Thị trường tiền tệ quy mô còn quá nhỏ, chưa có các nhà tạo lập thị trường (market - maker) như các công ty môi giới, công ty kinh doanh, công ty xếp hạng. Thị trường chứng khoán chưa chuyên nghiệp, chưa thu hút rộng rãi các doanh nghiệp tham gia niêm yết.
Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định, mặc dù hiện nay thành phố đang là trung tâm tài chính có quy mô lớn nhất của Việt Nam, nhưng để trở thành đầu tàu khai thông và chuyển tải vốn phục vụ cho sự phát triển kinh tế của cả nước thì trung tâm tài chính TP HCM cần phải phát triển hơn nữa về lượng lẫn về chất.
M.P
-
Kiều hối chảy về TP HCM đạt kỷ lục
-
[Chùm ảnh] Toàn cảnh tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
-
TP HCM: Khai mạc Hội thi tay nghề thanh niên năm 2024
-
Đề xuất các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP HCM
-
TP HCM sẽ xóa bỏ hoàn toàn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia vào cuối năm 2025