Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Vụ án ALC II: 1 bị cáo thoát án tử hình

15:14 | 08/04/2015

Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 8/4, TAND Tối cao tại TP HCM đã bước vào ngày xét xử thứ ba và chuyển sang phần tuyên án vụ “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II). Bị cáo Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc và Phạm Minh Tuấn, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Long Hải bị tuyên y án tử hình.

Bị cáo Vũ Quốc Hảo.

Ngày 6/4/2015, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã mở phiên tòa xét xử 11 bị cáo trong vụ án “tham ô tài sản”, nâng khống giá trị thiết bị tàu lặn để chiếm đoạt tiền. Tại phiên tòa này, đại diện VKSND tiếp tục bảo lưu tội danh “tham ô tài sản”.

VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị HĐXX tuyên án 9/11 bị cáo như bản án sơ thẩm và chỉ giảm nhẹ tội danh cho 2 bị cáo. Các luật sư bào chữa cho 11 bị cáo điều phân tích các thân chủ của họ không phạm tội tham ô.

Luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TP HCM bảo vệ quyền lợi cho bị cáo bị Phạm Minh Tuấn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cát Long Hải đề nghị HĐXX xem xét lại các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng do chưa làm rõ được bản chất và bối cảnh xảy ra vụ án.

Luật sư Hoài lập luận vai trò của Tuấn trong Công ty cổ phần Cát Long Hải tại thời điểm tháng 12/2007, là không có chức vụ, quyền hạn và quyền lợi gì. Bị cáo Tuấn chỉ duy nhất giúp ông Kochi, chủ thiết bị lặn Tinro 2 trong việc làm cố vấn kỹ thuật, sữa chữa thiết bị lặn.

Giá trị của tài sản thiết bị lặn Tinro 2 được định giá chưa phù hợp với các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra nên chưa bảo đảm giá trị thực tế, chưa làm rõ vai trò và sự liên đới của ông Kochi. Việc đánh giá hậu quả thiệt hại của vụ án không đúng đắn dẫn đến việc quy buộc tội danh và tuyên hình phạt “tử hình” đối với ông Phạm Minh Tuấn là chưa bảo đảm căn cứ pháp lý…

Từ những vấn đề nói trên, cấp phúc thẩm không có điều kiện thẩm tra, xem xét tại phiên tòa sơ thẩm, nên cần thiết phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Ngoài ra, Luật sư Hoài cũng đề nghị HĐXX xem xét thấu đáo các nội dung và yêu cầu kháng cáo của bị cáo Phạm Minh Tuấn do tính chất, vai trò của bị cáo Tuấn bị hạn chế…

Luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn Luật sư TP HCM bào chữa và tranh luận cho bị cáo Vũ Quốc Hảo cũng khẳng định bị cáo Hảo không phạm tội tham ô “130 tỉ đồng” mà số tiền trên vẫn còn đó. Bị cáo Hảo không có ý định chiếm đoạt. Luật sư Bình dẫn chứng, tàu lặn Tinro 2 được cho là từ 100 triệu đồng đội giá lên 130 tỉ đồng nhưng có nhiều mức ở trong con tàu này.

Số tiền 100 triệu đồng là số tiền mua đấu giá, 2,5 tỉ đồng là giá của cơ quan thẩm định mới, 10 tỉ đồng là số tiền sửa chữa và 80 tỉ đồng là bên phía chuyên gia Nga thẩm định. Sau đó, số tiền 130 tỉ đồng khi tàu lặn Tinro 2 đã “bơm” giá. Thực tế, hợp đồng đã ký là 130 tỉ và đã giải ngân số tiền này.

Các bị cáo trong vụ án.

Luật sư Bình tiếp tục đưa ra quan điểm, trong số tiền 130 tỉ đồng có 51 tỉ đồng được giữ lại để đảm bảo việc thực thi theo Luật Tài chính của Hợp đồng vay tài chính đối với tàu Tinro lặn 2 và chỉ có 79 tỉ đồng được chuyển ra khỏi ALC II. Trong số 79 tỉ đồng “ra ngoài ALC II” thì hơn 41 tỉ đồng là tiền của Công ty Tô Châu còn thiếu để dẫn đến không có khả năng thu hồi.

Công ty này đã phát mãi và thế chấp tài sản có giá trị lớn nhiều lần số tiền 41 tỉ đồng. ALC II tiến hành động tác để giải cứu Tô Châu, giữ mảnh đất này lại và bán đi sẽ hóa giải số tiền 41 tỉ đồng cùng một số khoản tiền khác. Bị cáo Hảo đã bơm giá chiếc tàu lên 130 tỉ đồng để chuyển ra ngoài số tiền 79 tỉ đồng nhằm giải quyết vấn đề đảo nợ.

Từ phân tích trên, Luật sư Bình nói, mục đích của bị cáo Hảo là hóa giải số nợ, đảm bảo quyền lợi của ALCII không mất đi tài sản mà những người khác thiếu không có khả năng thu hồi.

Đại diện VKS đánh giá, hành vi của của các bị cáo đã cấu thành “Tội tham ô” và đề nghị HĐXX tuyên tội danh này là có cơ sở. VKS cũng đưa ra nhiều chứng cứ, lập luận để bảo vệ quan điểm luận tội và truy tố.

Được nói lời sau cùng, các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối cải, mong được xem xét giảm hình phạt để có thể trở thành công dân có ích cho xã hội. Bị cáo Vũ Quốc Hảo đã xin lỗi gia đình, người thân, các bị cáo khác đã vướng vào vòng lao lý. Bị cáo Hảo nói: “Bị cáo già rồi, tử hình cũng được, chỉ mong HĐXX xem xét cho các bị cáo còn lại”.

Sáng 8/4, HĐXX đã tuyên án.

HĐXX tuyên án 11 bị cáo:

1 - Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc Công ty ALC II y án tử hình

2 - Phạm Minh Tuấn (SN 1958), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Long Hải y án tử hình

3 - Hoàng Lộc (SN 1965), nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam mức án chung thân (án sơ thẩm tử hình)

4 - Lê Phúc Đức (SN 1976), nguyên Trưởng phòng Giám định kỹ thuật Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam mức án 20 năm (án sơ thẩm tù chung thân)

5 - Vũ Đức Hòa (SN 1979), nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cát Long Hải y án tù chung thân

6 - Lê Thị Minh Huệ (SN 1969), nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Cát Long Hải y án tù chung thân

7 - Nguyễn Văn Tài (SN 1959), nguyên Phó Tổng giám đốc ALC II y án tù chung thân

8 - Phạm Xuân Nghị (SN 1962), nguyên Trưởng phòng Cho thuê ALC II y án 20 năm tù

9 - Đinh Nguyên Tý (SN 1962), nguyên Phó phòng Cho thuê ALC II y án 16 năm tù

10 - Nguyễn Văn Thọ (SN 1980), nguyên Phó phòng Cho thuê ALC II y án 18 năm tù

11 - Phùng Văn Đồng (SN 1972), nguyên Phó phòng Kinh doanh ALC II y án 15 năm tù

 

Nội dung bản án:

Ngày 2/8/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ công an khởi tố vụ án, tiếp sau đó, các bị cáo Vũ Quốc Hảo, Phạm Minh Tuấn, Vũ Đức Hòa, Lê Thị Kim Huệ, Hoàng Lộc, Lê Phúc Đức, Nguyễn Văn Tài, Phạm Xuân Nghị, Nguyễn Văn Thọ, Đinh Nguyên Tý bị khởi tố.

Từ năm 2003, Vũ Quốc Hảo bàn bạc với các đối tượng khác thành lập Công ty Cát Long Hải. Hảo và Phạm Minh Tuấn tìm cách hợp thức hóa thiết bị lặn Tiniro 2 cho Công ty Cát Long Hải. Tháng 5/2007, Tuấn thuê tàu vận chuyển thiết bị lặn Tinro 2 từ Xí nghiệp Ba Son ra Hải Phòng để tạo tình huống bắt giữ.

Ngày 8/6/2007, Hải quan Hải Phòng có quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do không xuất trình được hồ sơ nguồn gốc hợp pháp. Ngày 30/7/2007, Hội đồng xử lý tài sản sung công quỹ Nhà nước Hải Phòng quyết định bán, sung công quỹ thiết bị lặn Tinro 2 với giá 100 triệu đồng. Công ty Cát Long Hải mua lại không qua đấu giá thiết bị lặn này.

Sau khi có được hồ sơ mua thanh lý thiết bị lặn Tinro 2, Hảo lên kế hoạch sử dụng tài sản này, nâng khống giá trị để lấy tiền mua khu đất trạm dừng chân miền Tây của gia đình ông Tô Phước Vĩnh (Giám đốc Công ty Tô Châu tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Ngày 26/12/2007, Hội đồng cho thuê tài chính Công ty ALC II duyệt ký 2 hợp đồng mua bán và cho thuê thiết bị lặn Tinro 2 với giá 130 tỉ đồng với công ty Cát Long Hải. Đến ngày 31/12/2007, công ty ALC II đã giải ngân số tiền này.

Sau khi giải ngân cho công ty Cát Long Hải, Hảo chỉ đạo Đinh Nguyên Tý, Phùng Văn Đông, Vũ Đức Hòa, Lê Thị Minh Huệ cùng vợ chồng ông Tô Phước Vĩnh (Công ty Tô Châu) đi giải chấp các giấy tờ đất tại các ngân hàng để giao lại cho Công ty Cát Long Hải đứng tên sở hữu…

Ngày 26/9/2014, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm và 11 bị cáo đã bị tuyên tội “tham ô tài sản”. Sau phiên tòa sơ thẩm, 11 bị cáo đồng loạt có đơn kháng cáo. Bị cáo Vũ Quốc Hảo đề nghị xem xét lại tội danh và mức bồi thường thiệt hại. Bị cáo Hoàng Lộc, Nguyễn Văn Tài, Lê Thị Minh Huệ, Phạm Minh Tuấn, Vũ Đức Hòa, Đinh Nguyên Tý, Nguyễn Văn Thọ kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh và mức hình phạt.

Đối với bị cáo Lê Phúc Đức kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và Phạm Xuân Nghị, Phùng Văn Đồng kháng cáo kêu oan.

Hưng Long (tổng hợp)