Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng nào cho tương lai?
Điện gió từ cánh diều |
Tạo pin năng lượng mặt trời từ củ nghệ, dâu tây và lá mâm xôi |
Sạc điện thoại bằng pin năng lượng mặt trời |
Giải pháp tiết kiệm năng lượng |
Các nguồn năng lượng truyền thống dần cạn kiệt
Thống kê của ngành năng lượng theo thời gian nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho thấy, dù với hình thức nào như năng lượng sơ cấp, năng lượng hạt nhân hay tái tạo cũng đều ngày càng tăng. Năng lượng sơ cấp tốc độ tăng khoảng 1,5%/năm (các nguồn năng lượng hóa thạch chiếm tới 90% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp), năng lượng tái tạo tăng khoảng 15-16%/năm…
Với tốc độ nhu cầu tiêu thụ tăng như vậy thì chắc chắn các nguồn năng lượng truyền thống sẽ dần cạn kiệt. Theo PGS.TS Bùi Huy Phụng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các nguồn năng lượng như thủy năng đã cạn, dầu mỏ và khí đốt chỉ còn sử dụng khoảng 50 năm, nguồn than trữ lượng khả quan hơn với khoảng 1000 tỷ tấn - có thể sử dụng trên 100 năm. Nói chung đều có hữu hạn.
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời |
Trước tình hình trên, việc chuyển đổi cơ cấu năng lượng là việc cần thiết, mang tính chiến lược. PGS.TS Bùi Huy Phụng nhận định: “Với mức tiêu thụ năng lượng còn khá khiêm tốn, Việt Nam đã thể hiện thiếu nguồn: thủy điện đã cạn, thủy điện tích năng mới khởi công mà phải có "nguồn rỗi" mới tích năng được; than, dầu khí không nhiều, những năm gần đây đã phải nhập hàng chục triệu tấn than, dầu... do đó, yêu cầu bổ sung và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng là cần thiết, khách quan”.
Và theo ông, năng lượng tái tạo và hạt nhân là tiềm năng vô tận. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sử dụng nguồn năng lượng nào phụ thuộc vào tình hình tài chính quốc gia và thế mạnh của nguồn năng lượng.
Với điều kiện kiện nguồn năng lượng của Việt Nam, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, năng lượng tái tạo trong đó đặc biệt là điện mặt trời và điện gió được đánh giá tiềm năng là dồi dào.
Kết hợp hai nguồn năng lượng
PGS.TS Bùi Huy Phụng cho hay, suất đầu tư và giá điện từ năng lượng mặt trời (ĐMT) và gió đã giảm nhiều trong 5-7 năm gần đây. Đầu tư ĐMT hiện nay ở châu Á khoảng 1.100 USD/kW, điện gió trên bờ, ngoài khơi tương ứng khoảng 1.700 USD/kW, 4.500USD/kW; giá ĐMT bình quân trên thế giới khoảng 9 cent/kWh, châu Á khoảng 11 cent/kWh.
Còn ở Việt Nam, như ở Ninh Thuận các dự án ĐMT đầu tư khoảng 1.050 USD/kW, điện gió trên bờ khoảng 2.500 USD/kW, giá FIT cho ĐMT: 9,35 cent/kWh (theo QĐ11 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017). Thế mạnh của nguồn năng lượng này là không phát thải khí nhà kính, công nghệ ĐMT và gió đang ngày càng hoàn thiện, công suất tổ máy đang được tăng lên, chi phí đầu tư, giá thành điện những năm gần đây đã giảm nhiều và còn khả năng giảm tiếp…
Nhà máy điện hạt nhân |
Tuy nhiên, theo TS Phụng, nguồn năng lượng tái tạo này cũng có những hạn chế, điển hình nhất vì là thời tiết tự nhiên nên ĐMT và gió không liên tục, đặc biệt là mặt trời. Vì thế hệ số sử dụng công suất (HSCS) rất thấp - đối với ĐMT chỉ khoảng 15-18%, điện gió trên bờ khoảng 30%, điện gió ngoài khơi khoảng 35-38%, trong khi điện sinh khối là 70%, nhiệt điện than, dầu, khí 75-80%, điện hạt nhân tới 90%.
Điều này dẫn đến 2 nguồn năng lượng tái tạo trên không thể đảm bảo cung cấp năng lượng liên tục, nhất là ban đêm, lúc lặng gió, thời tiết cực đoan. Chưa kể đến ĐMT và gió thường phân tán, sử dụng đất xây dựng lớn, khâu truyền tải, phân phối rất khó khăn, làm tăng chi phí; tuổi thọ không cao (khoảng 20 năm).
Sở dĩ nói rõ điểm mạnh - yếu như vậy, TS Phụng muốn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, đầu tư, các nhà xây dựng, hoạch định nên tìm phương án phù hợp để có thể nâng cao hiệu quả sản xuất. Còn như hiện nay, ông cũng cho rằng, Việt Nam gần đây đang phát triển năng lượng tái tạo thiếu quy hoạch, đặc biệt ĐMT phát triển khá ồ ạt. Tổng công suất lắp đặt đã lên gần 5.000 MW và còn trên 200 dự án chờ phê duyệt. Tuy tổng công suất ĐMT và điện gió đạt gần 9,2% tổng công suất hệ thống, nhưng lượng điện chỉ chiếm khoảng 2,6% hệ thống. Nhiều dự án ĐMT ở miền Trung có nguồn không tải được; chưa đồng bộ với hệ thống điện, giá điện theo QĐ11 năm 2017 đã có những bất cập…
PGS.TS Phụng đề xuất, dù năng lượng hạt nhân cũng có những điểm mạnh và yếu như bất kỳ nguồn năng lượng nào như tính kinh tế cao, “tuổi thọ” hoạt động cao vào loại bậc nhất…, bên cạnh nhược điểm có khả năng rò rỉ phóng xạ, kể cả từ chất thải nhưng để phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính có thể kết hợp điện tái tái tạo và điện hạt nhân trong việc sử dụng nguồn năng lượng cho tương lai.
Ông nói: “Nguồn điện tái tạo và điện hạt nhân có tiềm năng lâu dài, không phát thải khí nhà kính, HSCS tuy chênh lệch nhau lớn, nhưng lại có thể bổ trợ nhau cùng các nguồn năng lượng khác đảm bảo cung cấp năng lượng liên tục, bền vững, an ninh. Điều này cho phép ta nghĩ rằng: 2 nguồn điện hạt nhân và điện tái tạo sẽ trở thành 2 nguồn năng lượng chiến lược lâu dài”.
Để thực hiện được ý tưởng đó, TS Phụng cho rằng, cần tổ chức tính toán khoa học, chi tiết với cơ sở dữ liệu tin cậy để xác định quá trình phát triển tích hợp với cơ cấu hợp lý các nguồn điện tái tạo với các nguồn truyền thống, đặc biệt làm rõ sự bổ trợ giữa hai nguồn có tính chiến lược là điện tái tạo và điện hạt nhân trong giai đoạn Quy hoạch đến 2030 và tầm nhìn 2045, để sớm chuẩn bị triển khai, đặc biệt là nguồn nhân lực về hạt nhân.
Nguyễn Hưng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11