Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Vì sao tiền nước tăng chóng mặt?

10:02 | 09/04/2016

1,073 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chẳng biết từ khi nào, người dân thủ đô lại ta thán về hóa đơn tiền điện, tiền nước tăng chóng mặt từ vài trăm nghìn lên đến cả triệu đồng, trong khi số lượng người dùng thì không tăng thêm. Đã có lần, đại diện các công ty điện, công ty nước giải thích đó chỉ là một số trường hợp không may, họa hoằn lắm mới có. Ấy vậy mà đến nay những trường hợp không may vẫn xảy ra.  

Gần 8 triệu đồng tiền nước/tháng?

Phản ánh đến Báo Năng lượng Mới, anh Vũ Xuân Dũng (ở số 12A, ngách 62/2, ngõ 254, đường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Bình quân, mỗi tháng gia đình anh chỉ dùng khoảng 100.000 đồng tiền nước sạch. Thế nhưng, tháng 1 vừa qua, vợ chồng anh tá hỏa khi nhân viên thu tiền nước thông báo gia đình dùng hết gần 8 triệu đồng tiền nước sạch.

Theo hóa đơn của Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình thuộc Công ty Nước sạch Hà Nội, chỉ số đồng hồ của gia đình anh Dũng đã nhảy từ 798 lên 1.247m3 nước, tương đương với 449m3 nước trong 1 tháng. Sau khi nhân hệ số giá, tiền nước tháng 1 của gia đình 4 người được tính ra là hơn 7,9 triệu đồng.

Ngạc nhiên và bất bình về số tiền phải trả cao một cách vô lý, anh Dũng phân trần: “Từ khi gia đình tôi chuyển về địa chỉ này, hiếm khi nào dùng hơn 100 ngàn đồng tiền nước mỗi tháng. Hệ thống ống và bể chứa trong gia đình cũng hoạt động hoàn toàn bình thường, không có chuyện rò rỉ. Ống nước nhà tôi là ống phi 21, có chảy ngày chảy đêm thì cả tháng cũng không thể tới 449m3 nước được.

Trong khi đó, nhà tôi chỉ có một bể ngầm gần 3m3 nước và một bể 1m3 nước trên tầng thượng, nước chảy thế thì chứa vào đâu. Mà trong trường hợp bể nhà tôi rò rỉ, vết rò phải rất to mới có thể chảy tới 449m3 nước 1 tháng. Tôi cho rằng, lượng nước lớn đến thế rò ra thì có khi sụt cả móng nhà, lênh láng ra ngõ” - anh Dũng bức xúc.

Ngay khi nhận được yêu cầu trả 8 triệu đồng tiền nước tháng 1 anh Dũng đã làm việc với đơn vị cấp nước là Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình để làm rõ sự việc. Tiếp nhận thông tin phản ánh, đơn vị này đã mang đồng hồ nước về giám định. Tuy nhiên, quá trình giám định còn nhiều điểm chưa minh bạch.

Cụ thể, khi cán bộ của bên Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình tới mang đồng hồ nước giám định, chỉ có vợ anh Dũng ở nhà. Trong quá trình giám định, chị Thủy vợ anh Dũng không hề được quan sát quá trình giám định mà chỉ được giao lại đồng hồ cùng biên bản và được yêu cầu ký rồi ra về.

Cũng theo anh Dũng, một vài hộ gia đình xung quanh cũng gặp phải tháng tiền nước cao bất thường rồi sau đó trở lại bình thường. Cô hàng xóm tháng vừa rồi nhảy lên 1,6 triệu tiền nước nhưng vẫn phải cắn răng đóng vì không hiểu nguyên nhân. Nhưng đối với gia đình anh, số tiền đó nhiều quá, không thể cứ thế mà đóng cho qua được.

Trước thái độ cứng rắn của anh Dũng, Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia luật và Liên danh nêu quan điểm: Trong trường hợp gia đình anh Dũng và công ty nước không giải quyết một cách thấu đáo, hợp tình, hợp lý thì có thể khởi kiện ra tòa. Số tiền 8 triệu đồng là quá kinh khủng. Đường ống nước rò rỉ ở đâu thì phải tìm, phải chứng minh chứ không thể nói một cách vô căn cứ, chung chung. Còn nếu là do nhân viên ghi sai, ghi thiếu để rồi cộng dồn vào 1 tháng thì có thể kiện ra tòa. Nếu đưa ra pháp luật, gia đình anh Dũng phải đề nghị làm rõ tại sao số tiền lại chênh lệch như thế. Ở đây lượng nước được cung cấp đều đặn nhưng số tiền thì chênh lệch là có vấn đề.

Không phải lần đầu

Trường hợp của gia đình anh Dũng không phải là lần đầu, những năm trước tình trạng này đã xảy ra nhưng không được giải thích một cách thấu đáo. Tháng 9-2015, chị Lê Thị Phương Lan (số nhà 4/47/378 Lê Duẩn, Hà Nội) giật mình khi nhận hóa đơn tiền nước tháng 8 là hơn 500.000 đồng (tăng 2,5 lần so với những tháng trước).

Khi chị Lan thắc mắc đến đơn vị cung cấp nước, gia đình chị nhận được lời giải thích: Việc tính tiền là dựa trên chỉ số của đồng hồ nước. Tuy nhiên, có nhiều gia đình trong thời điểm mất nước hoặc nước yếu đã dùng thêm bơm hút từ nguồn thành phố vào bể ngầm để “kích” nước. Việc này làm nước chảy mạnh hơn sẽ khiến đồng hồ quay tít - kể cả lúc không có nước hoặc nước rất yếu. Hơn nữa, do dùng tới 52m3 nước nên khách hàng phải chịu mức lũy tiến và tính tiền theo giá dịch vụ.

Hồi tháng 8-2015, khu vực chị Lan sinh sống bị mất nước hơn nửa tháng. Hơn nữa, gia đình chị Lan không dùng bơm “kích” nước vậy mà hóa đơn tiền nước vẫn tăng chóng mặt. Như vậy, lời giải thích của đơn vị cung cấp nước trong trường hợp này không thuyết phục.

Một trường hợp khác là gia đình anh Đỗ Văn Công (số nhà 48/77, ngõ 207 Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Hằng ngày vợ chồng anh Công đi làm, con đi gửi nên chỉ sinh hoạt vào buổi tối. Nhưng hóa đơn tiền nước trong tháng 8-2015 của gia đình anh lại cao gấp 4 lần so với tháng 7-2015.

Đáng chú ý, nhiều gia đình sống cùng khu vực này cũng phải chịu cảnh tiền nước tăng một cách bất hợp lý trong khi họ thường xuyên bị mất nước. Phản ánh những bức xúc với nhân viên đi thu tiền nước, anh Công nhận được câu trả lời: Họ chỉ đi thu tiền theo hóa đơn, những chuyện còn lại không quan tâm…

Câu chuyện tiền nước sạch bỗng nhiên tăng đột biến mà khách hàng không nhận được lời giải thích thấu lý khiến dư luận bức xúc. Phải chăng đơn vị cấp nước sạch đang cậy mình “độc quyền” o ép khách hàng…(!?). Dư luận mong chờ đơn vị cấp nước sạch trên địa bàn thủ đô cần thay đổi cung cách phục vụ, coi khách hàng là “thượng đế”, hạn chế những tranh chấp giữa người bán và người mua…

Đổ lỗi cho… cái phao

Về việc này, ông Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của gia đình anh Dũng, xí nghiệp đã tổ chức cuộc gặp các bên, ghi nhận phản ánh. Đồng thời, tổ chức kiểm định đồng hồ nước, nhanh chóng đưa ra được kết quả là đồng hồ hoạt động ổn định, bình thường. Dù vậy, gia đình anh Dũng vẫn kiên quyết cho rằng, lỗi của đơn vị cấp nước.

vi sao tien nuoc tang chong mat
Vợ chồng anh Dũng phản ánh bức xúc với phóng viên Báo Năng lượng Mới

Nói về nguyên nhân dẫn đến việc chỉ số nước của gia đình anh Dũng tăng đột biến, ông Nguyễn Quang Minh nhận định, do phao nước của gia đình anh Dũng bị kẹt nên khi bể chứa đầy nhưng phao không ngắt.

Giải thích về lỗi này, ông Nguyễn Quang Minh nói: “Phao nước, đường ống dẫn nước của gia đình anh Dũng sử dụng đã lâu dẫn đến hoen gỉ. Khi bể chứa cạn nước, phao mở ra để bơm nước vào bể, nhưng khi bể chứa đầy thì phao lại không ngắt. Do phao sử dụng lâu, hoen gỉ nên bị kẹt”.

Để giải quyết vụ việc, ông Nguyễn Hồng Việt - Phó giám đốc phụ trách kinh tế Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình cho biết: Xí nghiệp đã đề xuất mức tính theo giá nước thấp nhất còn hơn 3 triệu đồng nhưng gia đình anh Dũng vẫn không đồng ý nộp. Về nguyên tắc, đây là thất thoát sau đồng hồ, chủ nhà sẽ phải chấp hành nộp phạt. Tuy nhiên, chủ trương mềm dẻo, hỗ trợ khách hàng hết mức có thể.

“Biện pháp cuối cùng, lãnh đạo Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình sẽ phải bỏ tiền ra nộp khoản tiền này để gia đình anh Dũng tiếp tục dùng nước bình thường. Từ hôm xảy ra vụ việc, chúng tôi vẫn đảm bảo cấp nước cho gia đình anh Dũng đầy đủ” - ông Việt nói.

Lãnh đạo Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình cũng khẳng định, không có nhiều trường hợp giống như gia đình anh Dũng nêu trên nên không ngại tạo tiền lệ tự bỏ tiền ra nộp cho khách hàng.

 

Thiên Minh - Xuân Hinh

Năng lượng Mới 512