Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Vì sao tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay cao đột biến?

09:24 | 27/06/2011

436 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Cần phải xem lại cách tổ chức kỳ thi, nếu đỗ thật mới mừng, chứ đỗ nhờ quay cóp, dễ dãi thì cần lấy làm xấu hổ” GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, nói.

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay đã khiến nhiều chuyên gia bất ngờ khi hàng loạt các trường tốt nghiệp với tỉ lệ rất cao, suýt soát gần 100%, cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, một số trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn tăng đột biến, vượt lên "Top” đầu bảng (do Báo "Dân trí” xếp hạng dựa trên tỉ lệ đỗ tốt nghiệp) với tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao đáng ngờ. Hệ giáo dục thường xuyên còn "ngoạn mục” hơn nữa khi các trường tốt nghiệp đều ở tỉ lệ "đẹp như mơ”. Vì sao lại có những tỉ lệ "đẹp” như vậy?

Không phải không có lý khi người ta nghi ngờ tỉ lệ tốt nghiệp THPT bởi trước khi bắt tay vào chấm điểm thi, các chuyên viên bộ môn Ngữ văn của 11 Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã tạo scandal khi tổ chức cuộc họp để lập ra “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn Ngữ văn”. Biên bản này nhằm mục đích duy nhất để bài thi của thí sinh đạt điểm cao. Theo Biên bản cách chấm thi sẽ được thực hiện theo ba-rem: Không cần trả lời chính xác mà chỉ cần trả lời đại ý hoặc gần đúng với đáp án là được điểm tối đa.

Đề thi năm nay được đánh giá là vừa sức học sinh.

Ví dụ trong câu hỏi thứ nhất của đề Văn là: “Trong đoạn cuối của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào?”. Thay vì nhớ và tái hiện chính xác các chi tiết như: Màu hồng hồng của ánh sương mai (0,5đ); Người đàn bà vùng biển (người đàn bà hàng chài) bước ra từ tấm ảnh (0,5đ), thí sinh chỉ cần trả lời đại khái, không đầy đủ, không rõ ràng, thậm chí sai vẫn đạt điểm tối đa. Cụ thể chỉ cần trả lời: Màu hồng hồng; Ánh sương mai; Chiếc thuyền… là được. Hay trong câu nêu ý nghĩa của những hình ảnh đó, nếu trả lời đúng theo hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT tạo là thể hiện chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống (0,5 đ); hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người (0,5đ) mới được điểm tối đa. Nhưng “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi…” lại hướng dẫn chỉ cần thí sinh nêu được một trong những ý: Chất thơ hoặc lãng mạn, vẻ đẹp nghệ thuật – Biểu tượng nghệ thuật… đạt điểm tối đa v.v…

Ngoài ra, “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi…” của khu vực ĐBSCL còn đề ra “Lưu ý” rất vô lý rằng: “Không trừ điểm học sinh nêu dư ý trong bài làm, không tính lỗi chính tả, không yêu cầu viết thành đoạn văn”. Sau khi đọc Biên bản… này, một giáo viên Ngữ văn tham gia chấm thi của tỉnh Tiền Giang cũng nhận định nếu chấm thi theo Biên bản… thì 100% thí sinh của Tiền Giang đạt điểm trung bình trong khi chấm thực chất thì chỉ 73% học sinh đạt điểm này.

Từ sự việc trên của khu vực ĐBSCL, quả là không phải vô tình mà người ta nghi ngờ tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay “đẹp” như thế. Bởi sẽ không dám chắc, không có Sở GD&ĐT nào như 11 tỉnh ở khu vực ĐBSCL?

Hiện nay để làm rõ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT đã khẳng định với báo chí: “Bộ sẽ kiểm tra, rà soát những nơi có thông tin hướng dẫn chấm thi dễ dãi hơn đáp án của Bộ, kiên quyết không để tình trạng dong công, phóng điểm diễn ra”.

Không chỉ có sự việc trên của ĐBSCL mà còn có một số nguyên nhân khác khiến người ta nghi ngờ tỉ lệ tốt nghiệp THPT quá cao trên toàn quốc năm nay. Theo tổng kết của báo Dân trí thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc đạt gần 95% (tính ở 63 tỉnh, thành), hệ bổ túc THPT đạt trên 84%, số địa phương đạt tỉ lệ tốt nghiệp 90% trở lên là 54. Như vậy, so với năm 2010, tỉ lệ đỗ THPT cả nước tăng hơn 2%, hệ bổ túc tăng đột biến lên khoảng 18%. Chưa kể đến có nhiều địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi có tỉ lệ tốt nghiệp THPT không thua kém các thành phố lớn như Kon Tum, Tuyên Quang… Phải chăng do đề thi quá dễ mà dẫn đến kết quả đột biến như vậy?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá: “Bộ Giáo dục ra đề thi theo kiến thức chuẩn và kỹ năng, không lấy mức độ dễ hay khó của học sinh làm chuẩn. Đối với những em cố gắng học tập, tiếp thu tốt thì cho rằng đề dễ và ngược lại. Vì thế không thể đánh giá đề khó hay dễ được”. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh: “Những năm gần đây, việc thi cử được siết quá chặt, quá trình đào tạo, bồi dưỡng cũng được nâng lên, chất lượng học sinh khá hơn, đó cũng là một nguyên nhân khiến các em dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Hơn nữa, ngay lúc kỳ thi vừa diễn ra, nhiều chuyên gia và giáo viên đã đánh giá đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vừa sức, sát chương trình và có thể phân loại học sinh”.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng nhận định đề thi năm nay sát với chương trình, vừa sức học sinh. Tuy nhiên, cũng có điểm GS lưu ý đó là khâu coi thi của giám thị chưa nghiêm túc, chặt chẽ. Bởi từ thực tế chấm thi môn Toán của giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh đã phát hiện ra có nhiều bài thi trong cùng một phòng làm giống hệt nhau, cả đúng lẫn sai. Đặc biệt, tình trạng phao thi trắng trường vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. GS Văn Như Cương nói: “Cần phải xem lại cách tổ chức kỳ thi, nếu đỗ thật mới mừng, chứ đỗ nhờ quay cóp, dễ dãi thì cần lấy làm xấu hổ”.

Để chứng minh thêm cho quan điểm trên của GS Văn Như Cương, một số giáo viên trông thi đã kể, trước khi chính thức bước vào kỳ thi, họ đã được các đồng nghiệp ở trường mà họ đến trông thi vận động: “Cơi nới” cho thí sinh để thí sinh làm bài tốt. Chứ chặt chẽ quá khác nào “đóng sập cánh cửa bước vào tương lai của học sinh”. Có thể nói đây là tâm lý tồn tại trong rất nhiều giáo viên được giao nhiệm vụ trông thi THPT từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vì họ quan niệm: Nếu trượt đại học thì thí sinh còn có cơ hội thi lại, chứ kỳ thi “tiền đề” cho “cuộc cạnh tranh” khốc liệt vào ĐH, CĐ mà trượt thì coi như… “đứt”.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất phải kể đến căn bệnh thành tích, một căn bệnh “mãn tính” trong ngành giáo dục – nguyên nhân sâu xa dẫn đến tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao, mặc dù Bộ GD & ĐT đã có phong trào nói “không” với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích. Bởi có thành tích thì nhà trường, giáo viên mới được đánh giá cao, được tặng danh hiệu, phần thưởng… Cho nên dẫu bằng cách nào một số trường vẫn phải “chủ động” để tỉ lệ tốt nghiệp THPT của trường mình cao.

Phân tích tất cả những nguyên nhân trên để thấy tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay đáng mừng hay nên lo, để từ đó còn đặt ra cho ngành giáo dục câu hỏi: Làm thế nào để có một kỳ thi tốt nghiệp THPT có chất lượng và thực chất?

Theo Năng lượng Mới