Vì sao điện sinh khối vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư?
Phát triển các dự án phát điện sử dụng năng lượng sinh khối là một trong các giải pháp cơ bản để bảo vệ môi trường đồng thời tận dụng sản xuất điện từ phụ phẩm, phế phẩm trong nông lâm nghiệp. Theo thống kê từ Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), hằng năm Việt Nam có gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp, trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện. Nghĩa là có đến 38 triệu tấn sinh khối bị chôn lấp, hoặc đốt trực tiếp. Đây không chỉ là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm đất, không khí ngày càng nghiêm trọng mà còn là sự lãng phí tài nguyên.
Bã mía là nguyên liệu để sản xuất điện nhưng hạn chế về mùa vụ. |
Từ năm 2014, Chính phủ đã có cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam (Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg). Theo đó, các ưu đãi dành cho các dự án điện sinh khối rất lớn như thuế, vốn đầu tư và tín dụng. Ngoài ra, dự án điện sinh khối được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Và việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện sinh khối được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.
Về đất đai, các dự án điện sinh khối và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Gần đây nhất là Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó sửa đổi quy định giá điện đối với dự án điện sinh khối.
Cụ thể, đối với các dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh tương đương 7,03 UScents/kWh (quy định cũ là 1.220 đồng/kWh tương đương 5,8 UScents/kWh). Đối với các dự án không phải là dự án đồng phát nhiệt - điện, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh tương đương 8,47 UScents/kWh, tính theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21/2/2020.
Ngoài ra, Chính phủ còn quy định về trách nhiệm mua điện từ các dự án điện sinh khối nối lưới: Theo đó, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nhà máy phát điện sinh khối nối lưới thuộc địa bàn do mình quản lý.
Mặc dù ưu đãi lớn nhưng thực tế trong 6 năm qua, lượng nhà máy điện sinh khối trên cả nước vẫn đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, điện sinh khối của Việt Nam được tạo ra chủ yếu từ các nhà máy đường. Có 41 nhà máy đường ở Việt Nam và các nhà máy này sử dụng bã mía để sản xuất điện chủ yếu phục vụ cho sản xuất nội bộ với tổng công suất khoảng 150 MW. Chỉ có 5 nhà máy đường có quy mô lớn đang tham gia bán điện thương phẩm với tổng sản lượng điện phát lên lưới điện lũy kế đạt xấp xỉ 100 triệu kWh và tổng công suất chỉ ở mức 64 MW.
Để xây dựng nhà máy điện sinh khối cần phải cam kết ổn định nguồn nguyên liệu. |
Theo GIZ, có một số giải pháp đáng lưu ý để tăng hấp dẫn đầu tư gồm sử dụng phương án đa nhiên liệu, cơ chế tài chính đặc biệt của các tổ chức tín dụng trong nước và đặc biệt là phải chỉ rõ vấn đề công nghệ điện sinh khối.
Theo đó, một dự án năng lượng sinh khối phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung cấp sinh khối và vị trí của nhà máy. Phần lớn các nhà máy đường sử dụng bã mía làm nguyên liệu đầu vào chủ yếu để sản xuất điện. Tuy nhiên, nguồn cung bã mía phụ thuộc vào mùa vụ nên dẫn đến hậu quả là thiếu nguồn cung nguyên liệu khi không vào mùa mía.
Để làm được điều này, cần phải tăng cường sự hợp tác giữa nhà máy điện sinh khối và các hiệp hội khác như Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để tăng cường sử dụng đa nguyên liệu. Một yếu tố quan trọng khác là khoảng cách giữa nguồn nguyên liệu sinh khối và địa điểm nhà máy quyết định chi phí vận chuyển và rủi ro của việc chậm hoặc mất nguồn nguyên liệu. Yếu tố này đã chứng tỏ là có tác động đến tỉ lệ giữa chi phí và lợi ích của dự án.
Các dự án năng lượng tái tạo đều có điểm chung là phải đầu tư dài hạn và thời gian hoàn vốn dài. Đây là hai rào cản lớn nhất đối với vốn cho các dự án năng lượng sinh khối. Tuổi thọ dự án vào khoảng 20 năm và thời gian hoàn vốn trung bình 10 năm thường làm tăng nguy cơ rủi ro và tăng chi phí cấp vốn. Công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) có thể là một mô hình tài chính hiệu quả để giải quyết vấn đề này.
Một SPV là một thực thể pháp lý không phụ thuộc vào công ty mẹ cũng như chủ dự án (ví dụ như nhà máy đường), được lập ra để thực hiện những mục tiêu cụ thể hoặc mục tiêu ngắn hạn và thường được sử dụng trong cấp vốn cho cơ sở hạ tầng. Ở Việt Nam, SPV thường được sử dụng trong các dự án hạ tầng như đường bộ, bệnh viện, và nhà máy điện của các nhà sản xuất điện độc lập.
Để thu hút đầu tư các dự án điện sinh khối cần tăng cường ưu đãi hơn nữa. |
Đặc biệt, với công nghệ điện sinh khối hiện nay suất đầu tư của mỗi nhà máy điện không chỉ phụ thuộc vào công suất mà phụ thuộc phần lớn vào công nghệ. Ví dụ như Dự án xây dựng nhà máy điện sinh học Biomass tại khu Rừng Xanh, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ có công suất 40 MW với tổng mức đầu tư 1.160 tỉ đồng, tương đương suất đầu tư khoảng 29 tỉ đồng/MW (hơn 1 triệu USD/MW).
Trong khi đó, một liên doanh giữa các doanh nghiệp Torftech (Anh) và Malaysia được thành lập (từ năm 2013) đã dự định xây dựng 20 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 200 MW tại 6 tỉnh của Việt Nam. Mỗi nhà máy có công suất đặt khoảng 10 MW sẽ sử dụng vỏ trấu làm nhiên liệu đốt. Dự án dự kiến được thực hiện trong 6 năm với tổng vốn đầu tư 615 triệu USD (tương đương 3,08 triệu USD/MW). Có thể thấy rằng, sự chênh lệch suất đầu tư về điện sinh khối có liên quan trực tiếp từ công nghệ và quy mô của nhà máy.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Hậu Giang đã thu hồi giấy phép của Nhà máy Điện Hậu Giang - nhà máy khởi đầu trong chuỗi 10 nhà máy nói trên. Nguyên nhân chính do chủ đầu tư gặp vướng mắc ở hai điểm nguồn nguyên liệu và tài chính.
Có thể thấy rằng, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn. Trong đó vẫn cần đặt ưu tiên thu hút đầu tư điện sinh khối lên hàng đầu. Cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế đầu tư, cụ thể hóa quyết định của Chính phủ về cơ chế tài chính đặc biệt, ưu đãi hơn nữa về thời gian, giá mua điện cho các dự án lớn, công nghệ cao mới hòng thu hút được các nhà đầu tư điện sinh khối vào Việt Nam.
Có 41 nhà máy đường ở Việt Nam và các nhà máy này sử dụng bã mía để sản xuất điện chủ yếu phục vụ cho sản xuất nội bộ với tổng công suất khoảng 150 MW. Chỉ có 5 nhà máy đường có quy mô lớn đang tham gia bán điện thương phẩm với tổng sản lượng điện phát lên lưới điện lũy kế đạt xấp xỉ 100 triệu kWh và tổng công suất chỉ ở mức 64 MW. |
Thành Công
| Khơi thông đầu tư điện sinh khối Việt Nam |
| Làm sao để doanh nghiệp mặn mà với điện sinh khối? |
| Điện sinh khối có thể bán được tới gần 2.000 đồng/kWh |