Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Vi phạm bản quyền âm nhạc trên phim: Thói quen thích “xài chùa”

15:00 | 01/10/2019

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian vừa qua, mặc dù Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) gửi công văn thông báo đến nhiều đơn vị sản xuất, đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ vấn đề bản quyền âm nhạc trên phim, nhưng tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra. 

Bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm” do đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thực hiện với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như: NSƯT Thành Lộc, Quang Minh, Hồng Đào, Hoàng Yến Chibi, Liên Bỉnh Phát… được nhiều người chờ đợi sẽ là một bộ phim chỉn chu, thu hút được lượng lớn người xem.

Tuy nhiên, khi bộ phim chưa kịp tạo dấu ấn trong lòng khán giả thì đã vướng vào những ồn ào kiện tụng về vi phạm bản quyền âm nhạc.

Mở đầu cho sự việc này, ca sĩ Noo Phước Thịnh và công ty quản lý đã tỏ ra bất ngờ và bức xúc khi ca khúc “Mãi mãi bên anh” (sáng tác Đỗ Hiếu) - một ca khúc được Noo Phước Thịnh mua độc quyền đã “vô tư” xuất hiện trong phần credit của “Ngôi nhà bươm bướm”.

Khi thấy ca khúc của mình bị “xài chùa”, Noo Phước Thịnh khẳng định, anh không hề nhận được văn bản xin phép hay hợp tác của đoàn phim. Để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, đồng thời bảo vệ quyền lợi của mình, Noo Phước Thịnh đã yêu cầu đoàn phim phải gỡ bỏ toàn bộ ca khúc, công khai xin lỗi trên truyền thông và bồi thường 500 triệu đồng vì hành vi vi phạm quyền liên quan đến quyền tác giả âm nhạc.

thoi quen thich xai chua
Phim “Ngôi nhà bươm bướm” vi phạm nghiêm trọng bản quyền âm nhạc

Không chỉ riêng ca sĩ Noo Phước Thịnh, đoàn làm phim “Ngôi nhà bươm bướm” còn vi phạm bản quyền hai ca khúc khác là “Taxi”, “Đường cong” của ca sĩ Thu Minh và nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong. Lỗi vi phạm của đoàn phim cũng tương tự là chưa xin phép chủ sở hữu đã ngang nhiên sử dụng trong phim.

Cũng như Noo Phước Thịnh, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong - đại diện ca sĩ Thu Minh cũng lên án và phản ứng mạnh mẽ về việc vi phạm bản quyền âm nhạc của đoàn làm phim. Nguyễn Hải Phong cho biết, anh ủy quyền toàn bộ vấn đề pháp lý cho luật sư để nhanh chóng giải quyết sự việc. Bước đầu, luật sư đại diện thông báo đoàn phim có thể phải bồi thường lên đến 1 tỉ đồng cho việc vi phạm bản quyền âm nhạc nhưng do hai bên vẫn đang thương lượng nên chưa đi đến quyết định cuối cùng.

Về phía đoàn làm phim, khi xảy ra những tranh cãi và tố cáo của các ca sĩ về việc vi phạm bản quyền âm nhạc, họ cũng khá bất ngờ vì trước đó đã làm đầy đủ thủ tục xin phép. Tuy nhiên, ê-kíp sản xuất phim đã nhầm lẫn giữa quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Vì thế, thay vì phải liên hệ ca sĩ và producer (nhà sản xuất) để mua quyền sử dụng các bản thu thì ê-kíp lại đến VCPMC để mua quyền tác giả. Chính sự nhầm lẫn đối tượng pháp lý này dẫn đến thiếu sót như không xin phép các ca sĩ, khiến ca sĩ và producer - chủ sở hữu - cảm thấy bức xúc.

Trước lùm xùm của bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm”, câu chuyện các đoàn làm phim vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam không hề mới mẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng rất bức xúc và gửi đơn khiếu nại tới VCPMC về việc ca khúc “Nhật ký của mẹ” (cả phần lời và nhạc) đã được sử dụng trong tập 19 của bộ phim “Quỳnh búp bê” mà không hề được sự đồng ý của tác giả.

Khi nhận được đơn kiện, đại diện VFC - Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam, đơn vị làm phim “Quỳnh búp bê” - đã có văn bản xin lỗi gửi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Còn đạo diễn Mai Hồng Phong giải thích, đoàn làm phim không cố tình vi phạm tác quyền. Cá nhân ông cho rằng, trích đoạn bài hát “Nhật ký của mẹ” được nhân vật Quỳnh hát chay trong một phân cảnh thì không sao.

Từ câu chuyện của “Nhật ký của mẹ”, sau đó, VCPMC còn phát hiện ra rất nhiều đoàn làm phim khác “xài chùa” âm nhạc trong phim, vô tư xâm phạm bản quyền âm nhạc, chẳng hạn như phim như “Cả một đời ân oán” sử dụng ca khúc “Gọi nắng” (tập 64), “Tuổi đá buồn” (tập 65), “Cả một đời thương nhớ” (tập cuối)…

Có thể thấy, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc của các đoàn làm phim đang diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất phim khi bị phát hiện vi phạm đều chung một lý do “không hiểu luật” rồi xin lỗi và thương lượng để cho qua chuyện. Còn các chủ sở hữu cũng không muốn kiện tụng vì sợ mất thời gian hay ảnh hưởng đến mối quan hệ đôi bên.

Song, cách giải quyết đơn giản như vậy vô hình trung đã tạo ra một thói quen “xài nhạc chùa” và vi phạm bản quyền âm nhạc ngày càng khó kiểm soát.

Minh Anh