Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Về bản tổng kết của Phan Huy Lê trên Xưa & Nay số 472

20:22 | 29/07/2016

|
Bạn đọc: Kỳ vừa rồi, tôi còn hỏi có phải ông An Chi tuyệt đối đồng ý, đồng tình với bài “Tổng kết hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ” của Phan Huy Lê (trên Xưa & Nay số 472) hay không nhưng chỉ thấy ông nói về danh từ “correspondant” với các khái niệm “thông tín viên” và “viện sĩ thông tấn”. Không thấy ông có ý kiến gì về nội dung bản tổng kết. Năm Tò Mò (Bình Thạnh, TPHCM)

Học giả An Chi: Thì chúng tôi định chờ đến kỳ này mới trả lời cho ý thứ hai mà bạn đã hỏi đây. Trong bản tổng kết đó, có hai điểm nổi cộm mà chúng tôi không đồng ý với Phan Huy Lê.

Thứ nhất là về tính “vạn năng” (từ do An Chi dùng) của chữ quốc ngữ mà Phan Huy Lê đã khẳng định khi viết rằng “không tiếng nói nào, không chữ nước nào mà chữ Quốc ngữ không thể ghi âm được” (Xưa & Nay, số 472, tr.12).

Đây là một lời khẳng định hoàn toàn sai. Cứ lấy tiếng Pháp là ngôn ngữ mà người Việt Nam có điều kiện tiếp xúc trong khoảng 80 năm và đặc biệt liên tục trong nửa đầu của thế kỷ XX mà xét, thì ta cũng có thể thấy rõ Phan Huy Lê đã sai như thế nào. Xin dẫn vài thí dụ thông thường. Trong môn bóng đá, có một cái lỗi hiện nay gọi là lỗi chạm tay; cái lỗi này trước kia ngoài Bắc gọi là “manh” còn trong Nam thì gọi là “me” (không kể những trường hợp mà người ta chêm hẳn tiếng Pháp vào tiếng Việt). Cả “me” lẫn “manh” đều dùng để phiên âm danh từ “main” là bàn tay của tiếng Pháp. Ba chữ cái AIN của tiếng Pháp thực tế chỉ dùng để ghi có một nguyên âm mà thôi. Đó là nguyên âm mũi mà ký hiệu phiên âm quốc tế ghi bằng [ɛ̃]. Đây cũng là nguyên âm thấy được trong “frein” mà người Bắc đọc thành “phanh”, tức là cái “thắng” ở trong Nam. Đây cũng là âm thấy được trong “lin”, mà người Bắc đọc thành “lanh” trong “vải lanh”. Ta cũng có mấy câu lục bát hài hước về lời ru con của một me Tây chồng bỏ về Pháp:

Cút sơ toa mông se pớ tí

Mành tơ nằng phi nỉ pa pa

(Ngủ đi con yêu, bây giờ không còn cha nữa).

“Mành” chính là tiếng dùng để phiên âm âm tiết “main-” trong “maintenant” ( = bây giờ). Đây cũng chính là trường hợp của âm mũi [ɛ̃], mà tiếng Việt không có cái giống hệt.

Một trường hợp nữa là những tổ hợp phụ âm của tiếng Pháp mà yếu tố thứ hai là L hoặc R (như BR, CR, FR, CL, FL, TR) thường bị tiếng Việt:

A.- Lược bỏ R hoặc L: - “brancard” > “băng-ca”; - brouette” (xe cút kít) > “bù-ệt (phương ngữ Nam Bộ); - “crème” > “kem”; - “fromage” > phô-mai (trong Nam), “phó-mát (ngoài Bắc); - “crêpe” > “kếp” (một loại vải); - “traverse” > “tà-vẹt”; “friser” > “phi-dê”; - “cric” > “kích” (kích xe ôtô); - “frire” > “phi”; - “gramme” > “gam”; - “gris” > “(màu) ghi”; v.v... Đây là trường hợp phổ biến.

B.- Bỏ yếu tố đầu: - plaque” > “(tấm) lắc”; - “bleu” > “lơ”; - “bloc” > “lốc”; - “ grève” > “(làm) reo”; - “pli” > “(xếp) li”; v.v... Trường hợp này hiếm hơn.

C.- Âm tiết hóa yếu tố đầu: - “crème > “cà-rem” hoặc “cà-lem”; - “clé” > “cờ-lê”. Trường hợp này còn hiếm hơn.

Chỉ những dẫn chứng trên đây cũng đủ chứng tỏ rằng không phải “không tiếng nói nào, không chữ nước nào mà chữ quốc ngữ không thể ghi âm được”, như Phan Huy Lê đã khẳng định. Huống chi, đây đâu có phải là chuyện ghi âm bằng chữ viết, mà căn bản và trước nhất là chuyện dùng hệ thống ngữ âm của tiếng nước mình để đọc lại thành tiếng cách phát âm của tiếng nước ngoài. Chuyện đầu tiên là việc phát âm còn chuyện ghi âm bằng chữ viết chỉ là chuyện theo sau. Không có bất cứ một thứ tiếng nào trên thế giới có thể “phát” được mọi âm vị và mọi tổ hợp của nó (với những âm vị khác) trong một ngôn ngữ khác. Chẳng thế mà “London” của Anh thành “Londres” của Pháp, “Moskva” của Nga thành “Moscou” của Pháp và “Moscow” của Anh, “Praha” của Czech thì Pháp gọi là “Prague”, “Lisboa” của Bồ Đào Nha thì Pháp gọi là “Lisbonne” còn Anh là “Lisbon”, “Firenze” của Italia thì Pháp gọi là “Florence”, v.v… Đây chỉ là một số thí dụ ít ỏi liên quan đến địa danh chứ thí dụ liên quan đến vấn đề lớn đang bàn thì nhiều vô kể. Chúng tôi chỉ xin biện luận sơ sơ như trên để bạn và bạn đọc thấy lời khẳng định của Phan Huy Lê là một ý kiến hoàn toàn phản ngữ học.

Điều thứ hai mà chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với Phan Huy Lê, nói thẳng ra là cực lực phản đối, nằm ở phần “Mấy đề xuất và kiến nghị” của bản tổng kết. Phan Huy Lê viết:

“Không phải chỉ ở Bình Định mà trên phạm vi quốc gia, cần phải nhớ ơn và tôn vinh những người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ”.

(Xem tiếp kỳ sau)

A.C

Năng lượng Mới 542