Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Vẫn trăn trở chuyện đặt tên đường phố ở Hà Nội

06:00 | 13/10/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
Hà Nội có một số tuyến đường lớn sắp hoàn thành vào cuối năm 2013 như Trần Phú - Kim Mã, vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu và Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái; tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, Quốc lộ 5 kéo dài dự kiến hoàn thành vào năm 2015... Thành phố mỗi ngày một phát triển và mở rộng, nhưng dường như chuyện đặt tên đường phố vẫn gặp những trắc trở muôn năm cũ…

Đường trùng tên

Hà Nội mở rộng bỗng dưng lại có thêm cả loạt đường phố trùng tên nhau: Quang Trung, Trần Phú, Phùng Hưng, Yết Kiêu, Ngô Thì Nhậm… vốn đã có ở trung tâm thành phố nay lại có ở quận Hà Đông. Đó chính là “bất cập” đến từ việc quá phụ thuộc vào phương án chọn tên danh nhân để đặt tên đường phố. Đành rằng việc chọn tên những người có công với đất nước để đặt tên cho đường phố là việc riêng ở Việt Nam, mà các nước trên thế giới cũng có cách ghi nhận này. Nhưng có lẽ chẳng ở đâu lại “lạm dụng” cách này như ở ta. Theo không ít chuyên gia nghiên cứu thì chính việc trùng lặp tên đường phố trên phạm vi một địa phương và trên phạm vi cả nước thể hiện sự bế tắc “vốn từ vựng” của một dân tộc, sự nghèo nàn về mặt ý tưởng và là một dạng lãng phí bước tiến trong việc nhân rộng giá trị đô thị. Trong khi đó, ở Hà Nội mới chỉ có Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, chứ chưa có con đường nào được đặt tên theo sự kiện này, cũng chẳng có nhiều con đường được đặt tên gắn với cả cuộc chiến tranh chống Mỹ kể từ giai đoạn sau năm 1930…

Chẳng mấy ai biết đến đường Độc Lập nằm ở vị trí này

Đường không tên

Thực ra, cách lựa chọn của cố Thị trưởng Trần Văn Lai khi xưa trong việc đặt tên đường phố ở Hà Nội là hợp lý. Ở thời điểm trước năm 1945, việc đặt tên những danh nhân, anh hùng dân tộc, những địa danh lịch sử cho những đường phố, vườn hoa của Hà Nội thay cho những tên Tây trước đây là điều cần thiết. Đó là những cái tên nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử lớn, được sắp xếp theo những con phố gần nhau để tạo sự dẫn dắt liên quan. Ví như gần đường Trần Hưng Đạo là những con phố mang tên các Võ tướng Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão… cùng những địa danh mang tính lịch sử như Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng… Hay quanh Hồ Gươm có đường mang tên vua Lê Thái Tổ, bên cạnh các phố mang tên những vị tướng Lê Lai, Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn… những vườn hoa mang tên Diên Hồng, Chí Linh, Chi Lăng… Chính sự lựa chọn này là sự khắc họa lại những trang sử dân tộc, giúp cho hậu thế dễ dàng tìm hiểu lịch sử nước nhà hơn.

Thế nhưng, sau hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Hà Nội trở nên rộng hơn, với hàng nghìn đường phố mới. Vậy mà vẫn có những con phố, những vườn hoa không có tên hoặc có tên nhưng lại không được gắn biển tên. Đến giờ, có lẽ câu hỏi: “Đường Độc Lập nằm ở đâu trên bản đồ Hà Nội?” lại là câu đố đối với chính người Hà Nội. Mấy ai biết đó chính là con đường nằm phía trước Hội trường Ba Đình, nối từ ngã 5 trước tòa nhà Bộ Ngoại giao đến phố Hoàng Văn Thụ. Đường này vốn được gọi tên là đường Độc Lập. Ít ai biết rằng chính con đường này nằm trong một quần thể di tích thiêng liêng, bởi nó không được gắn biển.

Đường 19-12 không có biển tên chính thức

Một con phố rất đẹp được mở thông, nối từ đường Hai Bà Trưng sang đường Lý Thường Kiệt nhưng lâu nay vẫn ở trạng thái chờ được đặt tên và dần trở thành điểm đỗ ôtô và taxi bên hông khách sạn Melia Hanoi và tòa cao ốc mới xây dựng. Người Hà Nội xưa thường nhắc: “Nơi đây từng là nơi quân Pháp chôn những người Hà Nội chết trong đêm toàn quốc kháng chiến chống Pháp 19/12/1946”. Sau tháng 10/1954, TP Hà Nội đã cho xây tường bao và ghi biển: “Nơi chôn cất đồng bào thủ đô hy sinh trong ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946”. Đất nước thống nhất, nơi đây được san thành chợ, được đặt tên chính thức là Chợ 19-12, nhưng người dân quen gọi là chợ Âm Phủ. Thế rồi cách đây vài năm, trước sức ép của công luận, thành phố phải chuyển dự án cho phép một doanh nghiệp lập dự án xây dựng chợ và trung tâm thương mại ngay trên nền chợ cũ sang khu đất 41 Hai Bà Trưng, đồng thời xây dựng “đường 19-12”. Nhưng giờ đây, cả con phố ấy không hề có lấy một tấm bia tưởng niệm cũng như treo biển tên đường.

Khi “kho tên” cạn kiệt?

Có chuyên gia xã hội học đặt vấn đề: Khi tên danh nhân được chọn và đặt tên với độ “bao phủ” rộng sẽ dẫn tới tình trạng thiếu sót và sai lệch trong đánh giá công trạng sao cho tương xứng với việc đặt tên đường phố. Khi số lượng đường phố tăng lên đến hàng nghìn ở một đô thị lớn thì thực trạng sẽ ra sao nếu chỉ chủ yếu lấy tên người để đặt? Khi đó phải tận dụng triệt để cả tên của những nhân vật có công trạng chưa xứng tầm quốc gia, chưa mang tính thời đại.

Trong số 46 tên đường phố mới được đặt gần đây thì ngoài tên gọi theo thói quen và địa danh cũ thì đã có tới 28 đường phố (chiếm 60%) dùng tên người, không có tên mang địa danh hay sự kiện khác. Những cái tên mới này còn xa lạ với mọi người như: Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Huy Quang, Nguyễn Huy Lượng, Phan Bá Vành, Trần Đình Long…

Có thể thấy, quyết định đặt tên đường phố, công trình ở nước ta chưa thể hiện được nhãn quan xây dựng một đô thị đẹp, văn minh và văn hóa. Mặc dù các quy định ở mỗi địa phương đều không bắt buộc phải dùng tên danh nhân để đặt tên đường phố hoặc công trình, nhưng cách giải thích trong các quy định ban hành lại thường hướng tới phương án đặt tên đường bằng tên danh nhân. Quyết định 207 ngày 27/11/2006 của UBND TP Hà Nội trong Điều 5 của quy chế hướng dẫn gồm 5 điều khoản. Ngoài việc hướng dẫn về cách đặt tên đường theo tên các danh nhân thì các điều khoản lại bó buộc đối với các cách đặt tên khác. Điều 4 quy định: “Tên di tích, thắng cảnh được chọn đặt làm tên đường, phố, công trình công cộng phải có giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, quen thuộc với nhân dân (trong khi quy định đặt tên danh nhân không nêu tên đó phải quen thuộc với nhân dân) và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa”. Và Điều 5: “Các tên khác được lựa chọn để đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng phải có ý nghĩa tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô và cả nước (không quy định các danh nhân phải liên quan đến những đóng góp mang đậm văn hóa Thủ đô và cả nước)”... Dường như “giải pháp tình thế” khi chưa có dữ kiện gì để đặt tên đường lại chính là “lối mòn” đã ăn sâu trong tư duy các nhà quản lý: lấy tên người đặt vào tên sự vật.

Không ít người dân Hà Nội đã từng tự hỏi: Nếu “36 phố phường Hà Nội” xưa chỉ đơn thuần được đặt theo tên người thì liệu ngày nay chúng ta có được thừa hưởng niềm tự hào về một đặc trưng riêng có của mảnh đất nghìn năm?

Hà Nội sẽ có con đường mang tên Đại tướng Giáp

Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo cơ quan tham mưu dành một con đường xứng tầm để đặt tên là Võ Nguyên Giáp.

Với phương án đặt tên đường Nhật Tân - Nội Bài mà GS sử học Phan Huy Lê đề xuất, lãnh đạo Sở Văn hóa cho biết, đây cũng là một trong những phương án sẽ được cơ quan này trình lãnh đạo Hà Nội quyết định. Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, một số chuyên gia đề xuất đặt tên đường cho nhân vật huyền thoại này.


Thành Huy