Vận động 100.000 hộ chăn nuôi không sử dụng chất cấm
Chương trình vận động sẽ kéo dài từ 20/04/2016 đến 30/09/2016 trên toàn quốc với các hoạt động chính bao gồm vận động các hộ chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm, tổ chức chuỗi tập huấn phổ biến kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn, hiệu quả và tuyên truyền nâng cao nhận thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước tình hình sử dụng chất tạo nạc cấm gốc beta-agonist (clenbuterol, salbutamol, ractopamine) trong chăn nuôi lợn đã trở thành vấn nạn, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng và tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành chăn nuôi trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn và giải quyết dứt điểm vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Các đơn vị ký kết tuyên truyền, vận động 100.000 hộ chăn nuôi không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi |
Cùng với những động thái ráo riết ngăn chặn chất cấm từ khẩu nhập, sản xuất, phân phối và tiêu thụ là việc chỉnh sửa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi chính thức áp dụng từ ngày 01/07/2016 sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm. Theo đó, điều 317 quy định, các cá nhân, tổ chức sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt hành chính từ 50 – 200 triệu, phạt tù từ 1 – 5 năm, trường hợp nặng có thể bị phạt tiền 1 tỉ đồng, phạt tù 20 năm. Ngoài ra, các bộ ngành cũng quyết liệt áp dụng biện pháp tiêu hủy đối với đàn lợn bị phát hiện có chất cấm, tức người chăn nuôi có nguy cơ mất trắng sản nghiệp nếu sử dụng chất cấm dưới mọi hình thức. Nhờ đó, tính đến thời điểm tháng 4 năm 2016, tình hình nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có bước chuyển biến lớn.
Tiếp nối chuỗi hành động quyết liệt để đến cuối năm 2016 có thể giải quyết triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn và dựa trên Công văn số 391/CN-SGN do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNN) ban hành về việc thực hiện phong trào ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) chính thức hợp tác với Hội Chăn nuôi Việt Nam, công ty ANCO và công ty PROCONCO trong chương trình vận động “100.000 hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm”.
Phát biểu về chương trình hợp tác lần này, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “… Giải quyết tận gốc vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trong năm 2016 là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Cục Chăn nuôi cũng như của Bộ NN&PTNT trong năm nay. Ngoài áp dụng biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm thì việc nâng cao nhận thức, hỗ trợ cho người chăn nuôi là giải pháp mang tính lâu dài, bền vững và đóng vai trò rất lớn. Chúng tôi hoan nghênh sự chung tay của các ban ngành, tổ chức xã hội và đặc biệt là của doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi với những chương trình thiết thực, có ích cho cộng đồng.”
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chăn nuôi Việt Nam cũng cho biết: “Cấm thì dễ nhưng phải hướng dẫn người chăn nuôi để họ nhận thức, tự giác không sử dụng chất cấm và nắm các kiến thức để chăn nuôi lợn đạt hiệu quả cao thì mới giải quyết được vấn đề. Nhằm giúp người chăn nuôi làm giàu chân chính, Hội Chăn nuôi Việt Nam cùng các đơn vị đồng hành sẽ nỗ lực, sâu sát và nhanh chóng hơn trong các hoạt động hỗ trợ bà con thông qua việc xây dựng mô hình hướng dẫn chăn nuôi an toàn, hiệu quả, không chất cấm”.
Ông Phạm Trung Lâm – Tổng Giám đốc Công ty ANCO và PROCONCO phát biểu: “Là một trong những đơn vị dẫn đầu thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, chúng tôi ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đồng hành cùng người chăn nuôi, các cơ quan chức năng để hỗ trợ bà con nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Chúng tôi rất tự hào đồng hành cùng Cục chăn nuôi và Hội chăn nuôi Việt Nam để thực hiện chương trình đầy ý nghĩa này. Bên cạnh đó, với mong muốn góp phần nâng cao năng suất ngành đạm động vật Việt Nam, sản phẩm của ANCO và PROCONCO luôn được cải tiến chất lượng và đảm bảo tuyệt đối an toàn với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra."
Với hàng loạt các hoạt động quản lý về cơ chế, tuyên truyền và hỗ trợ người chăn nuôi, hy vọng chương trình vận động “100.000 hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm” sẽ góp phần giải quyết triệt để vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vào cuối năm nay đúng theo quyết tâm chính trị của ngành nông nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc hướng đến xây dựng một nền chăn nuôi sạch, cạnh tranh trực tiếp về chất lượng lẫn giá cả với sản phẩm thịt ngoại nhập từ các nước trong khu vực trong bối cảnh ngành chăn nuôi đứng trước áp lực hội nhập sâu rộng trong thời gian sắp tới.
Cục Chăn nuôi: Trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Cục Chăn nuôi thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với chuyên ngành chăn nuôi thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Cục chăn nuôi có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại vật nuôi trên cạn theo quy định; về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm về chăn nuôi, có trách nhiệm tham gia tuyền truyền, phổ biến giáo dục chính sách pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm. Hội Chăn nuôi Việt Nam: Hội Chăn nuôi Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp quốc gia của các đơn vị, cá nhân hoạt động liên quan tới lĩnh vực chăn nuôi, có trách nhiệm tư vấn, giám định, phản biện liên quan tới lĩnh vực chăn nuôi thú y; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người chăn nuôi; và tham gia xây dựng và phổ biến các chính sách của Nhà nước và chuyển giao các công nghệ chăn nuôi mới trong và ngoài nước. Công ty CP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn gia súc (“PROCONCO”) được thành lập năm 1991, tiền thân là công ty liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam. Proconco có thương hiệu “Con Cò” là thương hiệu thức ăn chăn nuôi lâu đời nhất và cũng là một trong các thương hiệu cao cấp nhất tại Việt Nam. Công ty CP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (“ANCO”) được thành lập năm 2003, tiền thân là liên doanh giữa Malaysia và Việt Nam với nhà máy đầu tiên đặt tại Đồng Nai. ANCO đã không ngừng phát triển để mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng đỉnh cao mà giá thành luôn hợp lý, đem lại sự kỳ vọng và tin yêu của khách hàng. |
Anh Bằng
-
Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp