Vẫn còn nhiều người bị tội phạm nước ngoài lừa đảo
3 ngày, 2 vụ lừa trên trăm triệu đồng
Ngày 5/3/2012, nhận được cuộc điện thoại bất thường của vợ, anh Nguyễn Trần Dũng vội vàng phóng xe về nhà ở đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội. Lúc này chị Mai Phương, vợ anh vẫn trong tình trạng hoảng hốt, nói không thành lời, sắc mặt tái ngắt. Sau một lúc lấy lại bình tĩnh, chị Phương mới kể cho chồng biết là trước đó khoảng nửa tiếng đồng hồ có một du khách nước ngoài rẽ vào cửa hàng của chị hỏi mua ít đồ trị giá hơn 100.000 đồng. Người này đã rút tờ 100USD ra hiệu bảo chị Phương trả lại bằng tiền Việt. Vì ngôn ngữ bất đồng, hai bên trao đổi chủ yếu với nhau bằng ký hiệu. Rồi chị Phương thấy mình như không còn biết gì nữa và cũng không hiểu tại sao vị du khách này đã lên được tầng 2 của nhà chị. Một lúc sau chị Phương kiểm tra lại tài sản thì phát hiện 500USD trong ví, 46 triệu đồng để gần đầu giường và chiếc Ipad đã biến mất cùng vị du khách nước ngoài đó.
Ba ngày sau vụ chị Mai Phương bị lừa đảo số tài sản trên, vào trưa 8/3/2012, anh Trần Văn Dân, đang giao hàng cho một công ty ở quận Long Biên, Hà Nội thì có một chiếc xe ôtô đỗ sát xe chở hàng của anh. Hai vị khách ngoại quốc xuống xe và bắt chuyện với anh Dân, họ hỏi về giá cả sinh hoạt tại Hà Nội, hỏi về việc đổi USD sang tiền Việt. Với một chút tiếng Anh, cộng với sự nhiệt tình mến khách nên anh Dân đã vui vẻ tiếp chuyện hai vị du khách này. Một vị ngỏ lời muốn xem tiền Việt Nam như thế nào, anh Dân liền cầm bọc tiền bán hàng ra để giải thích rồi đưa cho vị du khách đó xem. Vị khách này cầm bọc tiền khen đẹp rồi trả lại cho anh Dân. Trước khi lên xe, vị du khách đó còn rút 2 tờ 1USD tặng anh Dân và người đi cùng anh. Một lúc sau anh Dân kiểm tra bọc tiền hàng và giật mình vì đã bị mất 51 triệu đồng.
“Dạt” ra ngoại thành
Hoạt động lừa đảo tráo tiền của một số du khách nước ngoài không chỉ xảy ra tại các quận nội thành, mà đã xảy ra tại một số huyện ngoại thành ở Hà Nội. Anh Đỗ Quốc Huy, chủ một cửa hàng ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho biết, chiều 24/2/2012, hai trong ba người khách ngoại quốc mặc comple khá lịch sự đỗ chiếc xe ôtô bóng loáng trước cửa hàng của anh. Hai người khách xuống xe vào hỏi mua 2 chai nước uống rồi lấy 10.000 đồng tiền Việt ra trả. Nhưng điều làm anh Huy khá ngạc nhiên là một vị khách nói chuyện với anh bằng tiếng Việt khá sõi, nên anh Huy vui vẻ tiếp chuyện, rồi vị khách đó lấy tờ 1USD tặng anh Huy. Liếc nhìn vẻ mặt tươi rói của anh Huy, vị khách này lại tiếp tục rút ra một số tờ USD với các mệnh giá khác nhau đưa cho anh Huy xem và ngỏ ý muốn được xem tờ tiền Việt có mệnh giá lớn nhất.
Anh Huy liền mở tủ đưa tờ 500.000 đồng cho vị khách đó xem, vị khách chỉ vào tờ tiền rồi chê cũ, đề nghị anh đổi cho tờ khác. Thế rồi anh Huy răm rắp vào buồng mở két lấy 1 tập tiền mệnh giá 500.000đồng đưa cho vị du khách đó chọn lấy 1 tờ. Sau khi những vị khách nước ngoài lên xe ôtô bỏ đi, anh Huy mới phát hiện mình đã bị mất 22 triệu đồng trong tập tiền mệnh giá 500.000 đồng. Khi trình báo lại sự việc trên, anh Huy cho biết, lúc đó anh không hiểu tại sao anh lại mở két lấy tập tiền 500.000 đồng đưa cho mấy người nước ngoài đó nữa… Còn chị Nguyễn Thị Đông, ở Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội cũng bị một số du khách nước ngoài lừa đảo và lấy trộm số tiền gần 37 triệu đồng với thủ đoạn tương tự như trên.
Gần đây, tại địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội đã xảy ra một số vụ Tây “balô” đi xe máy dừng lại một số cửa hàng ven đường để hỏi mua nước uống hay mua xăng. Họ thường đưa tờ 500.000 đồng ra rồi yêu cầu chủ cửa hàng trả lại, lợi dụng sơ hở của chủ cửa hàng chúng bất ngờ giật bọc tiền mà chủ cửa hàng đang cầm rồi nhảy lên xe bỏ chạy. Hoặc trong khi mua hàng, các du khách này vờ đánh rơi tiền (chủ yếu là tờ 1USD) để chủ cửa hàng nhìn thấy nhặt lên đưa cho chúng. Và chúng chỉ đợi thời cơ đó để tráo, rút lõi hoặc giật tiền của các chủ cửa hàng rồi tẩu thoát… Và còn nhiều chủ cửa hàng ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã bị các đối tượng người nước ngoài dùng thủ đoạn tương tự như trên để lừa đảo lấy tiền, nhưng họ đã không trình báo với Cơ quan Công an.
Để không còn nạn nhân
Hoạt động lừa đảo của tội phạm nước ngoài ngày càng phức tạp, không chỉ xảy ra tại địa bàn TP Hà Nội mà còn xảy ra tại nhiều nơi trong cả nước với nhiều thủ đoạn khác nhau. Cuối năm 2011, Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, kịp thời bắt giữ hai đối tượng Zhong Tielin và Yang Faqing, đều trú tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để lừa đảo. Hai đối tượng này đã mang 3 pho tượng, 39 thỏi màu vàng cùng mẩu vàng nhỏ đến một văn phòng luật ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội và tự giới thiệu là công nhân vừa đào được vàng ở Việt Nam đến nhờ bán hộ với giá 125.000USD. Khi bị bắt hai đối tượng khai nhận chỉ có một mẩu vàng thật, còn lại đều là vàng giả. Chúng đưa mẩu vàng thật cho đối tác mang đi thử nhằm tạo lòng tin để lừa đảo số tiền lớn. Bằng thủ đoạn trên chúng đã gây ra 2 vụ lừa đảo với số tiền hàng tỉ đồng, trong đó có vụ lừa đảo tại Đà Nẵng. Sau mấy vụ trót lọt, chúng mang số vàng giả đó ra Hà Nội để tiếp tục lừa đảo thì bị Công an Hà Nội phát hiện bắt giữ.
Theo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội, sau khi gây án xong các đối tượng lừa đảo người nước ngoài di chuyển khá nhanh. Cùng với đó là việc ít nạn nhân nhận diện được đối tượng gây án… khiến việc truy tìm của Cơ quan Công an gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ, xử lý một số đối tượng nước ngoài có hành vi lừa đảo tráo tiền như trên, trục xuất đối với một số đối tượng nghi vấn, đồng thời cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm nhưng vẫn còn một số người bị đối tượng nước ngoài lừa đảo lấy số tiền khá lớn. Để không còn ai trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tương tự như trên, thì người dân không nên cầm tiền, hoặc đưa và đổi tiền cho các đối tượng nước ngoài. Nếu thấy chúng có biểu hiện nghi vấn, thì phải báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất.
Không ít nạn nhân của các vụ bị lừa đảo tráo tiền đều cho rằng, họ đã bị thủ phạm thôi miên, nên bọn chúng mới có cơ hội lấy đi được số tiền khá lớn của họ. Vậy thực chất của việc này như thế nào? Theo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội cho biết, qua xem lại hình ảnh mà camera ghi lại tại một số cửa hàng nơi đã xảy ra các vụ lừa đảo, tráo tiền cho thấy bọn chúng thường đi 2 đến 4 đối tượng, có cả nam lẫn nữ. Bọn này thường gây sự chú ý của người bán hàng đưa tiền cho chúng. Khi cầm tiền trong tay một đối tượng liền xòe tập tiền và tráo nhanh như làm xiếc, sau đó trả lại chủ nhà. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở khẳng định nạn nhân của các vụ lừa đảo tráo tiền trên đã bị các đối tượng nước ngoài sử dụng thủ đoạn gì để lấy tiền…
Cách tráo tiền của tội phạm nước ngoài Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội: Khi cầm được tập tiền của chủ cửa hàng, nhất định đối tượng đó phải tháo dây chun buộc tập tiền thì mới xòe được rồi dùng ngón tay cuỗm một số tiền cho vào túi, sau đó chúng trả lại tập tiền cho chủ cửa hàng. Mọi việc diễn ra nhanh như xiếc nên nạn nhân không thể nhận biết được. Vì vậy khi thấy đối tượng tháo dây chun tiền, thì chủ cửa hàng phải hô hoán ngay khiến các đối tượng này hoảng sợ bỏ chạy. Trong khi bài báo này đang lên khuôn, thì chúng tôi lại nhận được thông tin là chị Lan Hương ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bị một đối tượng người nước ngoài (người châu Á, da ngăm đen, khoảng 36-40 tuổi, cao khoảng 1m70) đến nhà đề nghị đổi USD ra tiền Việt, nhưng chị Lan không đổi vì không tiền mệnh giá 500.000 đồng. Đối tượng này nói vài câu tiếng Anh rồi bỏ đi, khoảng 5 phút sau chị Lan phát hiện mình đã bị mất chiếc điện thoại Iphone 4 để trong phòng khách. |
Vĩnh Yên
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng