Tỷ phú Trần Bá Dương "chia tay" vua cá tra Hùng Vương
Ông Trần Bá Dương cùng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh thông báo đã thoái toàn bộ vốn đầu tư của mình khỏi Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán HVG). Ông chủ Thaco và công ty riêng của mình bán ra tổng cộng gần 20 triệu cổ phiếu HVG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,8% về 0%. Giao dịch hoàn thành vào ngày 2/7 nhưng Hùng Vương mới công bố thông tin gần đây.
Trước đó, đầu tháng 4, ông Nguyễn Phúc Thịnh cũng chuyển nhượng 36,6 triệu cổ phiếu HVG, giảm tỷ lệ sở hữu tại Hùng Vương từ 17% xuống 1%. Sau giao dịch này, ông Thịnh không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phúc Thịnh là thành viên HĐQT Thaco và tham gia HĐQT Hùng Vương, đại diện phần vốn của nhóm cổ đông liên quan tỷ phú Trần Bá Dương tại doanh nghiệp cá tra này, từ đầu năm 2020. Hiện tại, các cổ đông liên quan Thaco gần như thoái hết vốn tại Hùng Vương.
Quan hệ hợp tác chiến lược giữa Thaco và Hùng Vương bắt đầu từ tháng 1/2020. Trong đó, phía tỷ phú Trần Bá Dương sẽ đầu tư nắm 35% cổ phần Hùng Vương và 65% vốn trong liên doanh mảng chăn nuôi heo giữa hai bên, tham gia quản trị, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thủy sản này.
Tại họp đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức cuối tháng 5, lãnh đạo Thaco cho biết phía công ty con phụ trách mảng nông nghiệp của tập đoàn Thagrico đã mua lại toàn bộ mảng chăn nuôi heo của Hùng Vương. Hiện phía Thaco sở hữu các trang trại heo tại Bình Định và An Giang sau khi mua lại hai công ty chăn nuôi heo của Hùng Vương.
Về phần Hùng Vương, sau khi nhận đầu tư từ Thaco, doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT Dương Ngọc Minh vẫn không có dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh doanh. Đầu tháng 8/2020, cổ phiếu HVG bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX).
Chủ tịch Hùng Vương Dương Ngọc Minh (Ảnh: THA). |
Cổ phiếu HVG chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM nhưng bị hạn chế thời gian giao dịch, chỉ được mua bán vào phiên thứ sáu hàng tuần. Thị giá HVG sau phiên 9/7 chỉ còn lại 2.600 đồng/cổ phiếu.
Hùng Vương hiện chưa công bố báo cáo tài chính các quý của năm 2020, dẫn đến việc cổ đông không nắm được tình hình tài chính của doanh nghiệp. Công ty này thậm chí còn chưa phát hành báo cáo kiểm toán 3 tháng cuối năm 2019 sau khi thay đổi niên độ tài chính hàng năm bắt đầu từ ngày 1/1 thay vì 1/10 như cũ.
Công ty Cổ phần Hùng Vương được thành lập năm 2003 và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) vào năm 2009. Doanh nghiệp này nói chung và Chủ tịch HĐQT Dương Ngọc Minh nói riêng từng gắn với "vua cá tra" khi là một trong những doanh nghiệp thủy sản có quy mô lớn nhất trên sàn nhiều năm liền.
Tuy nhiên, Hùng Vương bắt đầu gặp khó khăn từ sau năm 2015, sau khoảng thời gian mở rộng hoạt động nhưng không đem lại hiệu quả. Trong niên độ tài chính 2019, Hùng Vương lỗ sau thuế hợp nhất 1.123 tỷ đồng và lỗ lũy kế 1.743 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2019 theo báo cáo tài chính gần nhất công bố.
Theo Dân trí
-
Tôn vinh Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh năm 2024
-
VLF 2024: Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics
-
Giá vàng hôm nay (1/11): Thị trường thế giới quay đầu giảm
-
Sóc Trăng hợp tác nuôi trồng thủy sản bền vững
-
Bộ Công Thương phát động Cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương