TTCK đang bước vào tâm bão
Giữa tuần trước, một NĐT với số vốn đầu tư còn lại trên thị trường khoảng hơn 1 tỷ đồng lo lắng phản ánh, CTCK N đã yêu cầu anh phải sớm bán chứng khoán niêm yết trong tài khoản vì giá trị cổ phiếu niêm yết còn lại tính trên giá trị khoản vốn vay đầu tư đã giảm xuống dưới mức an toàn. NĐT này đã phải bán ngay một phần cổ phiếu niêm yết đang nắm giữ, nhưng cũng xin kéo dài thời gian bán để không bị sức ép bán bằng mọi giá.
Phía CTCK thì cho biết, họ cảnh báo NĐT khi nhìn thấy xu thế lãi vay tiếp tục tăng cao. Mức chịu đựng của NĐT đối với lãi suất cao đã đến giới hạn và nếu lãi suất tiếp tục tăng nữa thì nhiều người không chịu nổi, khi đó muốn bán cũng đã muộn, NĐT sẽ là người chịu thua lỗ trước tiên.
Đến cuối tuần, một số NHTM đã tăng lãi suất cho vay phi sản xuất, có khoản tăng tới 6%. Điều này sẽ tạo ra sức ép trả lãi vay hàng tháng rất lớn với người vay. Do đó, nhóm NĐT bất động sản, chứng khoán sẽ phải tính đến việc bán bớt tài sản là nhà đất, cổ phiếu… đang nắm giữ để lấy tiền trả bớt cho ngân hàng.
Không chỉ đứng trước sức ép trả lãi, giới đầu tư, đầu cơ bất động sản, chứng khoán bằng vốn vay còn đứng trước áp lực lớn khi giá trị thị trường của khoản đầu tư giảm mạnh.
Trong xu thế giảm, nhu cầu bán nhiều hơn mua thì bất động sản và chứng khoán có nguy cơ giảm tiếp trong ngắn hạn cho đến khi nhu cầu bán tài sản trả nợ bớt căng thẳng. Điều này đã xảy ra trong năm 2008, giai đoạn khủng hoảng kinh tế, trước khi gói tín dụng hỗ trợ lãi suất được bung ra.
Nhu cầu tiền mặt tăng cao trong khi chứng khoán, bất động sản mất thanh khoản, nhiều người đã rút ra trước đó lại chuyển tiền sang cho vay nặng lãi. Một môi giới trên sàn chứng khoán tự do cho biết đã chuyển sang làm cho vay nóng từ mấy tháng nay. Khách hàng chính là những NĐT chứng khoán cũ, nay có nhu cầu tiền mặt phải cầm giấy tờ nhà vay nóng.
Không chỉ các cá nhân mà ngay cả các DN, tổ chức đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi cũng trở thành người cho vay lấy lãi với những DN quen biết khác.
Theo nhận định của CTCK BIDV (BSC), tín dụng trong 4 tháng đầu năm tăng 5,29%, thực chất vẫn chưa giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2010 một phần do nhu cầu vay vốn của DN cao để trữ nguyên liệu và hàng hóa do giá thế giới đang tăng cao, phần khác, các khoản vay đến hạn trả nợ không nhiều chủ yếu là đảo nợ.
Tuy nhiên, vay bất động sản hầu như chỉ đảo nợ được trong 3 tháng, không thể kéo dài. Hiện có 24 tổ chức tín dụng có tín dụng phi sản xuất, chủ yếu là bất động sản, từ 25% trở lên, nên giảm tín dụng phi sản xuất như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đang gặp nhiều thách thức. Tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao sẽ rất mạnh mẽ từ thời điểm này trở đi.
Điều hy vọng nhất với TTCK hiện nay là khi tâm bão thắt tín dụng đã xuất hiện thì thời điểm bão tan cũng sẽ đến gần hơn. Ai chèo chống, sống sót qua được tâm bão sẽ lại có cơ hội kéo được những “mẻ cá” lớn ở thị trường này.
Theo KH&DT