TS. Nguyễn Bá Hải: "Hãy trả người giỏi về đúng vị trí"
PV: Trường hợp của anh Doãn Minh Đăng (Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ) có nhiều ý kiến cho rằng: Đó là bị kịch của những người tài khi không được làm việc trong môi trường phù hợp. Riêng anh, anh có ý kiến gì về việc này?
TS. Nguyễn Bá Hải: Để đánh giá một con người hay một trường hợp thì cần xem xét, lắng nghe và thấu hiểu rất nhiều. Riêng Hải chưa thể vội kết luận ai đúng ai sai vì nó ngoài thẩm quyền và bản thân cũng mới chỉ nghe và đọc một số thông tin trên mạng.
Tuy nhiên, Hải tha thiết kêu gọi các cơ quan chức năng có liên quan, có thẩm quyền về vấn đề này tích cực làm việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả anh Đăng và nhà trường.
Cùng là người làm khoa học kỹ thuật, Hải tin rằng, nếu kéo dài tình trạng thế này Hải cũng không yên tâm làm việc và sinh viên trong nhà trường cũng sẽ rất hoang mang.
Về riêng anh Đăng, Hải có biết anh từ ngày anh ở nước ngoài qua diễn đàn về kỹ thuật, sau đó gặp anh tại hội thảo do Hoa Kỳ tổ chức tại Cần Thơ. Tôi cảm nhận anh Đăng là người yêu khoa học kỹ thuật và nhiệt huyết với nghề nghiệp, ngoài ra thì chưa có thêm thông tin gì về chuyện buồn giữa anh Đăng và nhà trường hiện tại.
PV: Vấn đề “chảy máu chất xám” đã xảy ra nhiều năm ở nước ta. Là một trong số ít những người đã từng du học và trở về, theo anh thì nguyên nhân nào khiến tình trạng này vẫn kéo dài, chưa thay đổi được như vậy?
TS. Nguyễn Bá Hải: Việc ở lại nước ngoài hay về Việt Nam Hải cũng từng chia sẻ rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” hãy tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà quyết định, còn sống ở đâu, làm ở đâu mà có trái tim cống hiến cho đất nước thì đều có thể thực hiện, nhất là trong “thế giới phẳng” này, điều quan trọng vẫn là một chữ - Tâm thì ở đâu ta cũng là người Việt Nam.
TS. Nguyễn Bá Hải |
Nếu có hiện tượng người này rời đơn vị này sang đơn vị khác, rời quốc gia này qua quốc gia khác làm việc thì thực ra không phải chỉ liên quan một yếu tố mà rất đa dạng ví dụ: Do đoàn tụ gia đình, do đam mê một lĩnh vực mà quốc gia nào đó rất mạnh nên cần đến để làm và học hỏi thêm, do một kỹ niệm xưa quí giá nào đó mà họ gắn bó, do thu nhập, do môi trường xung quanh, do điều kiện trang thiết bị hay chính sách...
Vì đa dạng như vậy, nên Hải tin những người đã học cao hiểu rộng sẽ luôn biết chọn một hướng đi mà mình để vừa có hạnh phúc, lại vừa có thể đóng góp theo khả năng cho cộng đồng, cho đất nước và viễn vông một chút biết đâu may mắn việc làm của mình giúp ích được cho con người.
PV: 5000 USD/tháng là mức lương khá tốt nếu anh ở lại Hàn Quốc làm việc. Vậy điều gì đã thôi thúc anh trở về Việt Nam?
TS. Nguyễn Bá Hải: Tôi yêu gia đình, thầy cô cũ, trường học cũ, yêu thành phố Hồ Chí Minh, yêu món ăn Việt Nam, và yêu đất nước này... Mọi thứ ở Việt Nam đã gắn chặt với Hải từ hình ảnh con trâu, con bò của tuổi thơ, gắn chặt với những con hẻm mà mình đã phải làm thêm để có tiền đi học, đến các chợ trời mà Hải vẫn tìm mua linh kiện chơi robot... Tất cả rất đỗi nguyên vẹn, thân thương.
Vậy nên, khi quyết định trở về Việt Nam làm việc, đến giờ Hải thấy đó là quyết định đúng đắn và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Gần đây, tôi thấy trào lưu người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn và mở doanh nghiệp bắt đầu tăng lên và nhờ đó môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện – trong đó có các doanh nghiệp lớn như Samsung, Intel, Bosch... Tôi hy vọng càng nhiều người Việt Nam và người nước ngoài góp sức theo năng lực và hoàn cảnh vì một Việt Nam phát triển bền vững hơn.
PV: Có bao giờ so sánh điều kiện học tập làm việc giữa Hàn Quốc, với Việt Nam? Nếu thử so sánh thì anh có đánh giá gì không?
TS. Nguyễn Bá Hải: Cũng đôi khi đặt câu hỏi tại sao nước ngoài ta nghiên cứu tốt và hiệu quả thì mình cũng so sánh xem khác nhau gì, hồi ở Hàn thì quỹ nghiên cứu nhiều hơn, đường đẹp hơn, đại học chuyên nghiệp hơn, nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp hơn nhưng mình không được gần cha mẹ, không được sống trong quê hương của mình, nghe tiếng nói mẹ đẻ, ăn hủ tíu vĩa hè, uống cà phê kiểu Việt Nam...
Quan niệm sống hạnh phúc thế nào thì rất đa dạng và khác nhau, không nhất thiết ai cũng phải giống ai. Với ý kiến chủ quan của tôi thì Việt Nam còn nghèo, đất nước đang phát triển chứ chưa thể giàu có như các nước phát triển mà mình từng đi học, nhưng sống và làm việc ở đây Hải thấy có ý nghĩa của sự tồn tại của bản thân nhiều hơn.
Ai cũng muốn đất nước phát triển, cách tốt nhất là cùng lao động và cố gắng góp sức theo khả năng cá nhân hay tổ chức mình để mọi thứ tốt đẹp hơn.
PV: Nhiều người cho rằng: Vì nước mình còn nghèo nên không đáp ứng được những gì mà các du học sinh cần. Và họ chỉ nghĩ đến lợi ích của mình trước khi nghĩ đến việc cống hiến cho tổ quốc nên một đi không trở về. Theo anh thì có oan cho họ không?
TS. Nguyễn Bá Hải: Việt Nam nghèo hơn nhiều quốc gia phát triển thì rõ ràng rồi. Như ngay bây giờ, có hàng trăm thứ tôi cần mà đâu có thể có. Phải thừa nhận là điều kiện ở nước ngoài tốt hơn.
Nên khi quyết định về nước, bản thân Hải cũng xác định là phải “cày cuốc”. Mà đúng là nó diễn ra như vậy luôn. Tôi đã phải tự thân vận động rất nhiều, làm đủ các công việc trong khả năng như: Đi tư vấn cho các doanh nghiệp liên quan để có tiền mua thiết bị nghiên cứu… Hải phải ở trọ nhiều năm, làm cả chủ nhật và thứ 7, rất khó khăn nhưng phải cố thôi chứ biết sao giờ.
TS. Nguyễn Bá Hải và sáng chế kính "mắt thần" cho người khiếm thính |
Cũng may mắn là ở Việt Nam hiện nay, nếu có chuyên môn giỏi thì cũng có thể tư vấn hay tham gia các công việc dự án cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Có thể trước khi về nên tìm hiểu lĩnh vực của bản thân và liên hệ với các doanh nghiệp đang có nhu cầu chuyên gia có chất xám lĩnh vực của mình cũng là một điều nên xem xét.
Việc hợp tác nhà trường – nhà doanh nghiệp thực ra cũng rất phổ biến ở các quốc gia phát triển, Hải chỉ học theo cách họ làm nhưng khác là mình cần chủ động và đôi khi phải cho doanh nghiệp “dùng thử” chất xám hay sản phẩm của mình thì người ta mới dám tin tưởng.
PV: Theo anh thì Việt Nam cần có những chính sách, cơ chế gì để thu hút người tài về nước làm việc?
TS. Nguyễn Bá Hải: Trả vai trò chuyên môn về đúng người giỏi chứ không bố trí người giỏi làm quản lý. Ở nước ngoài họ phân định rất rạch ròi người làm công tác quản lý và người làm công tác chuyên môn. Đồng thời vai trò, trách nhiệm và quyền quyết định của giáo sư rất lớn.
Nên có điều kiện tối thiểu cho những người học tiến sĩ mà đang dạy ở các trường đại học (ít nhất là cái bàn làm việc, Internet...). Tiếc là ở Việt Nam chưa làm được điều này triệt để.
Làm sao để người giỏi phấn đấu giỏi hơn hay tạo ra thế hệ học sinh, sinh viên giỏi hơn, nghiên cứu mạnh hơn chứ không phải phấn đấu lên chức vụ quản lý trong khoa hay trong trường.
Cần minh bạch quyền phân môn, phân tiết một cách chủ quan của một số bộ phận cán bộ quản ngành/quản môn trên cơ sở lấy lợi ích người học và đánh giá khách quan chất lượng giảng dạy làm tiêu chí.
Xây dựng các tạp chí uy tín quốc tế thực sự. Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Tạp chí phải được quốc tế công nhận và có tính khách quan trong phản biện.
Tùy điều kiện nhà trường/đơn vị nên tăng cường chính sách thưởng cho các giáo viên, giảng viên nghiên cứu giỏi khi có kết quả cụ thể như bài báo SCI, SCIE, sáng chế có giá trị, sách hay giáo trình được các trường ở nước ngoài đưa vào làm tài liệu giảng dạy...
Sau một thời gian các tiến sĩ ở nước ngoài giảng dạy, việc phong chức danh phó giáo sư, giáo sư theo thông lệ và qui định quốc tế để giảm tính chủ quan thì người trẻ mới có động lực nộp hồ sơ. Bằng không khi hiểu ra vấn đề có những yếu tố không được đo lường một cách khách quan thì họ sẽ vĩnh viễn không bao giờ nộp hồ sơ vào nữa.
TS. Nguyễn Bá Hải (SN 1983) tốt nghiệp Thủ Khoa ngành Cơ khí động lực ở trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM và nhận được học bổng chính phủ Hàn Quốc du học chương trình sau đại học. Tại đây, Nguyễn Bá Hải đã hoàn thành và báo cáo tốt nghiệp Tiến sĩ khi mới 28 tuổi với 5 phát minh sáng chế quốc tế với giải thưởng xuất sắc. TS Nguyễn Bá Hải được giữ lại Hàn Quốc làm việc với mức lương 5.000 USD nhưng anh từ chối để trở về Việt Nam với ước mơ cống hiến và thay đổi đất nước. Về lại Việt Nam, anh giúp đỡ cho cộng đồng bằng chính những sáng chế của mình. Từ sản phẩm đầu tiên năm 2007, đến nay anh đã có 5 phát minh được cấp giấy chứng nhận. Trong đó có sản phẩm thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị mang tên kính "Mắt thần" giúp tránh được các vật cản để di chuyển dễ dàng hơn. Hiện TS. Nguyễn Bá Hải đang là giảng viên của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM |
'Đừng mãi trả người tài bằng đồng lương... tượng trưng' Câu chuyện của giảng viên Doãn Minh Đăng, trường ĐH Kỹ Thuật Công Nghệ Cần Thơ (Cựu thí sinh chương trình Đường lên đỉnh Olympia) tố trường trên trang cá nhân với nội dung bị đối xử bất công, khiến dư luận đặt câu hỏi về cách ứng xử với người tài. |
Huyền Anh
-
Bộ Y tế: Những bất cập liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc sẽ được giải quyết
-
Doanh nghiệp nhà nước Nga đồng loạt tăng lương để ngăn chảy máu chất xám
-
Nga bị chảy máu chất xám công nghệ, nhiều nước "chờ thời"
-
Chất xám chảy máu, ngân hàng đỏ mắt tìm người dù tăng lương 30%
-
Lao động "thấp" được lương "cao" và chuyện "ghế" công chức trong doanh nghiệp
-
Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
-
Quy định mới về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng