Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Trùng tu hay phá hoại di tích?

10:58 | 11/04/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Rất nhiều công trình kiến trúc cổ, các địa chỉ văn hóa được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia, quốc tế đang hằng ngày đối diện với nguy cơ hiện đại hóa di tích. Vậy, hiện nay chúng ta đang trùng tu hay đang phá hoại di tích?

Nhớ lại câu chuyện chùa Trăm Gian từng làm tốn không biết bao giấy mực của báo chí. Một ngôi chùa được xây dựng khoảng năm 1185, là một công trình kiến trúc có giá trị được xếp hạng Di tích quốc gia từ hơn 40 năm nay. Tuy nhiên, lần trùng tu năm 2012, toàn bộ công trình nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp từ gác chuông lên sân tiền đường đã bị nhà chùa dỡ bỏ hoàn toàn và để xây mới. Sau khi sự việc được báo chí phản ánh thì cơ quan quản lí văn hóa mới biết và vào cuộc thanh tra nhưng sự việc đã rồi. Qua đấy cho thấy sự chểnh mảng trong công tác quản lí văn hóa nó nguy hại đến mức nào.

Các bức phù điêu bằng gỗ ở chùa Trăm Gian sau khi trùng tu trở nên mới toanh

Hay câu chuyện di tích văn hóa – tôn giáo chùa Dơi ở Sóc Trăng bị hàng loạt hoạt động dịch vụ bao quanh đã làm bức xúc dư luận đầu năm 2013. Dân gian gọi là chùa Dơi vì ở đây có sự lưu trú của hàng ngàn con dơi bám trên các cây sao được trồng xung quanh chùa. Lúc cao điểm ngôi chùa thu hút khoảng triệu con dơi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đàn dơi thưa thớt dần mà chưa ai lý giải được.

Sau đó người ta mới phát hiện rằng, có lẽ do trước cổng chùa đang hình thành một khu nhà hàng, một dãy ki-ốt, sân bãi giữ xe nên gây náo động xung quanh chùa. Dơi buồn bỏ đi dần. Trước phản ánh của công luận và truyền thông, đích thân bà Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể Thao & Du lịch Đặng Thị Bích Liên về Sóc Trăng tìm hiểu vụ việc.

Tại đây, đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL kết luận: “Việc địa phương kết hợp du lịch với mở nhà hàng khách sạn tại khuôn viên chùa Dơi là đúng chủ trương (?) Đoàn kiểm tra nhắc nhở, tỉnh cần chú trọng công tác phát triển du lịch với bảo vệ cảnh quan khu du lịch, chú trọng công tác bảo đảm an toàn môi trường”.

Nhiều người đặt câu hỏi, nếu thực sự môi trường ồn ào, ảnh hưởng đến sự lưu trú của đàn Dơi, sau này khi chùa không còn dơi về thì khách du lịch có còn đến với chùa không? Nếu có đến thì họ sẽ ngắm gì? Và cái tên chùa Dơi còn có ý nghĩa?

Đầu tháng tư vừa qua, chuyện một con suối cổ nằm trong quần thể di tích Mỹ Sơn – Quảng Nam được bê tông hóa gây bức xúc cho nhiều người nhưng Bộ VH-TT&DL và đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam đã không hề hay biết. Trong khi Mỹ Sơn là di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt. Và qua trả lời báo chí, TS Dương Bích Hạnh – Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Về nguyên tắc, theo Công ước Bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới năm 1972, những đụng chạm đến di sản văn hóa thế giới phải có ý kiến của UNESCO; phải có dự án để xin ý kiến. Chỉ sau khi UNESCO đồng ý, việc tu bổ mới được tiến hành. Luật Di sản cũng quy định với di tích đặc biệt như Mỹ Sơn, muốn có xây dựng, tu bổ cũng phải có ý kiến của Bộ VH-TT&DL”.

Do đó, chiều ngày 29/3, Cục Di sản đã có công văn do Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng ký gửi Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam về vấn đề trên. Cục đề nghị đình chỉ việc thi công và báo cáo về Bộ. Trong quá trình thực hiện các thủ tục, khu vực tạm dừng thi công phải được khoanh vùng, đảm bảo mỹ quan và không gây ảnh hưởng đến tham quan di tích.

Mới đây là chuyện các bức tượng La Hán ở chùa Đậu (một di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1968) trong tình trạng móng chân, móng tay được sơn đỏ chót. Quá bức xúc trước tình trạng di tích văn hóa – lịch sử này bị hiện đại hóa như vậy, GS Trần Lâm Biền gọi “Đấy là xu hướng đĩ thõa hóa tượng”.

Các bức tượng La Hán ở chùa Đậu sau khi trùng tu có thêm móng tay đỏ, râu và lông mày đen

Chỉ điểm qua 4 trong số rất nhiều trường hợp các điểm di tích văn hóa lịch sử bị can thiệp thiếu hiểu biết của người tiến hành trùng tu đã làm mất đi giá trị của nó biết nhường nào.

Hiện nay, kinh phí nhà nước dành cho việc trùng tu di tích có hạn nên có chủ trương xã hội hóa. Nhưng không vì thế mà để cho xã hội hóa làm hiện đại di tích hay phá hỏng di tích được. Chưa kể, có những di tích đang trong quá trình xuống cấp, Ban quản lí trình lên trên để có hướng xử lí, nhưng sự quan liêu trong công tác hành chính đôi khi làm cho di tích không chờ đợi được. Và đã có những trường hợp, Ban quản lí di tích hay Ban trụ trì chùa tự ý tu sửa mà thiếu những kiến thức về quá trình tu bổ di tích nên hệ quả của nó là nhiều di tích trở nên mới toanh – hiện đại sau khi trùng tu.

Lâu nay, nhiều người vẫn nói về chùa Keo là nơi mà công tác bảo tồn thực hiện đúng quy trình, lộ trình nên sau khi trùng tu vẫn giữ đúng nguyên bản di tích, còn giữ được linh hồn của di tích. Do đó, chùa Keo dù đã trải qua gần 400 năm tồn tại, vẫn giữ được hình dáng ban đầu và chỉ có hai lần trùng tu lớn. Lần thứ nhất vào năm 1941 với sự trợ giúp của Viện Viễn Đông Bác Cổ và lần gần đây là đợt trùng tu do Nhà nước đầu tư kéo dài 5 năm (1999 – 2004).

Mong rằng, ở một quốc gia có hàng nghìn di tích văn hóa lịch sử như nước ta thì sẽ còn nhiều công trình sau khi trùng tu còn nguyên bản như chùa Keo, chứ không còn ca mãi một bài, di tích này trùng tu bị sai, di tích kia trùng tu bị hỏng như lâu nay. Do đó, công tác bảo tồn, trùng tu di tích, di sản văn hóa lịch sử là một việc không hề đơn giản.

Bên cạnh việc cần tiền để đủ kinh phí trùng tu – tôn tạo thì cần những nhà chuyên môn giỏi - có kinh nghiệm, cần tâm – tầm của nhà quản lí. Và cần cả những tấm lòng hiểu và chia sẻ của cộng đồng, trong tình trạng trùng tu xã hội hóa như hiện nay. Mạnh thường quân hay nhà hảo tâm cứ góp tiền còn công việc trùng tu cứ để các nhà chuyên môn làm, chứ đừng yêu cầu sửa kiểu này, chỉnh theo kiểu kia thì còn gì là di tích, di sản nữa.

T. Thanh