Trốn thuế, chuyển giá gây nhức nhối, làm thất thu lớn NSNN
Sáng 10/12, tại phiên họp thứ 29 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. |
Theo Tổng Kiểm toán, Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 có hiệu lực từ năm 2016 nhưng sau 3 năm triển khai đã có nhiều vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết, một số quy định của Luật bộc lộ những điểm bất hợp lý cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung.
Ví dụ, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ được giao; quy định về đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Kiểm toán Nhà nước...
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với các luật có liên quan như Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Giám định tư pháp, Luật Tố cáo...
Đề cập đến phạm vi sửa đổi, Tổng kiểm toán đề nghị cần quy định đầy đủ về đơn vị được kiểm toán để làm cơ sở tiến hành kiểm toán đối với tất cả các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thuộc đối tượng, phạm vi kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước…
Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành quy định một số chủ thể như cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; các đơn vị, tổ chức, chủ đầu tư sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản.... không phải là đơn vị được kiểm toán. Do vậy, theo ông Phớc, khi quyết định kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước không đưa vào danh mục các đơn vị được kiểm toán nên không thể áp dụng các quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức này.
Trong khi đó, thực tiễn cho thấy qua hoạt động kiểm toán ngân sách, Kiểm toán Nhà nước đối chiếu thuế đã phát hiện và kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước với số tiền thuế truy thu khá lớn.
Cụ thể, năm 2016, qua đối chiếu hơn 1.600 người nộp thuế, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng.
Năm 2017, qua đối chiếu gần 2.500 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 47 tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hơn 2.300 trường hợp có sai phạm (tương đương 94%) và kiến nghị xác định nộp ngân sách nhà nước tăng thêm hơn 1.300 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, qua đối chiếu thuế hơn 1.400 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 24 tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước phát hiện gần 1.300 (tương đương 90%) trường họp có sai phạm và kiến nghị xác định nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 443 tỷ đồng.
Cạnh đó, theo pháp luật thuế hiện hành đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế, đồng nghĩa với việc còn khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện.
“Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách nhà nước”, ông Phớc nhấn mạnh và cho hay thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco..., truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cũng thông tin cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý về số liệu liên quan đến việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp quy định gần 1.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc kiểm toán các dự án BOT đã giảm 222 năm thời gian thu phí của 61 dự án, kiến nghị những bất cập về cơ chế, chính sách. Kiểm toán 30 dự án BT giảm 4.500 tỉ đông. Kiểm toán các khu đô thị, truy thu hàng chục tỷ đồng về cho ngân sách nhà nước.
T.D
Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai đã phát hiện nhiều sai phạm của cơ quan quản lý và chủ đầu tư, truy thu hàng nghìn tỷ đồng về cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Phớc, đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng việc kiểm toán lại phải thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước nên rất khó khăn trong công tác kiểm toán.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước theo hướng bổ sung đơn vị được kiểm toán ở Điều 55 cho đầy đủ bao gồm: “Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiếm toán đối với các đối tượng quy định tại khoản này”
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần