Trò chuyện với người đóng vai Năm Cam
Hai Nhất vắng bóng trên màn ảnh khá lâu. Vai diễn gần đây nhất anh tham gia là Tư Hơn trong phim Hương phù sa. Con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn là bộ phim đánh dấu sự trở lại màn ảnh của ngôi sao phim Biệt động Sài Gòn. Bảy Xoài cũng là vai diễn Hai Nhất rất tâm đắc dù nhân vật này rất tàn độc.
- Được mời vào vai Bảy Xoài được xây dựng từ nhân vật có thật, một tên tội phạm khét tiếng và có tính cách đặc biệt như Năm Cam, khi tiếp cận với kịch bản ông có thích nhân vật này ngay không?
- Trong hơn 100 bộ phim tham gia tôi đã đóng rất nhiều nhân vật phản diện rồi. Khi nhận được kịch bản phim này trong tay, không chỉ tôi mà tất cả các diễn viên đều sẽ thích. Nhưng khi đọc xong kịch bản tôi cũng có nhiều điều lo ngại vì Năm Cam là nhân vật quá nóng ở Sài Gòn. Các con tôi có can: "Bố nổi thì cũng đã nổi rồi. Năm nay bố cũng lớn tuổi rồi mà đóng vai này lại động chạm đến người nọ người kia. Bố đóng làm cái gì”. Tôi trả lời: "Không sao đâu con ạ. Mặc dù trong giới giang hồ Sài Gòn, Nam Cam từng được coi là huyền thoại nhưng trong ông ta cũng không phải là người mà họ có thể tử vì đạo mà hại bố. Do vậy tôi đã quyết tâm đóng.
- Khi bắt tay vào đóng một nhân vật quá nổi tiếng trong giới xã hội đen như vậy, thách thức lớn nhất với ông là gì?
- Bộ phim có tới 3 đạo diễn (Long Vân, Khương Đức Thuận, Minh Quang) mà mỗi người lại yêu cầu tôi đóng một kiểu. Anh Long Vân thì nói tôi phải xây dựng hình tượng Bảy Xoài như một chính khách. Vì Năm Cam là một ông trùm nhưng lúc nào cũng muốn thể hiện mình như một chính khách, rất lịch sự, nhã nhặn.
Anh Thuận thì yêu cầu tôi thể hiện nhân vật có nhiều mặt. Khi tiếp xúc với các cán bộ ngoài Bắc thì phải thể hiện mình là một con người lịch thiệp, hào hoa, phong nhã. Khi đứng trước đàn em phải thật cương quyết. Khi về với gia đình thì phải là một người mẫu mực. Ngay cả chuyện nhân vật đeo kính thế nào cũng là cả một vấn đề. Người thì nói tôi phải đeo kính trắng, bề ngoài trông có vẻ hào hoa phong nhã nhưng thực ra là đang che dấu tội ác bên trong. Người thì nói tôi phải đeo kính đen thật là ngầu…
Tất cả những yêu cầu này dồn tới cho tôi như một áp lực. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định rằng một mặt mình sẽ làm theo yêu cầu của các anh ấy nhưng một mặt mình sẽ tạo ra nét riêng cho nhân vật. Điều tôi muốn thể hiện nhất là Bảy Xoài phải thật lạnh lùng. Tôi nghĩ, sở dĩ vai diễn này được đồng nghiệp cũng như nhiều khán giả trong Nam thích là vì khi đóng, tôi rất lạnh. Diễn xuất không phải bằng quần, áo, kính, mũ… mà bằng đôi mắt. Tôi muốn dùng ánh mắt của mình để khán giả biết ý đồ của nhân vật là gì. Vì thế, trong phim, ánh mắt của tôi ác lắm.
- Vào vai một nhân vật quá nóng đã được truyền thông khai thác rất nhiều, ông có đọc nhiều tài liệu để tìm hiểu kỹ về Năm Cao trước khi bấm máy không?
- Thực ra trước đây ông Năm Cam cũng ở gần nhà tôi. Điều này bây giờ tôi mới dám nói chứ thời điểm Năm Cam bị bắt tôi không dám nói với ai là mình đã từng là bạn hay từng đi nhậu với ông ấy vì sợ bị bắt lây (cười). Nhưng phim thì không dứt khoát là phải làm đúng như những gì diễn ra ngoài đời. Tôi nghĩ, điều quan trọng là mình phải thể hiện đúng nhân vật một ông trùm. Chính vì vậy tôi hoàn toàn diễn theo ý mình.
- Trong quá trình đóng phim, ông có tiên liệu được rằng bộ phim này sẽ tạo được một hiệu ứng khủng khiếp từ phía khán giả?
- Tôi biết. Tôi nói với cả ba đạo diễn rằng tôi rất tin tưởng vai diễn này cũng như cả bộ phim sẽ tạo được hiệu ứng ghê gớm. Khi tôi nói điều này, anh Vân cũng không thể hình dung được hết điều đó. Nhưng khi phim chiếu ra, nói thật là chỉ cần xem từ tập thứ 3 trở đi bạn sẽ thấy Bảy Xoài hiện lên là một nhân vật tàn độc và thấy sự hấp dẫn khủng khiếp của bộ phim.
- Thế hệ khán giả của 30 năm về trước sẽ biết đến ông nhiều với nhân vật Ba Cẩn trong "Biệt động Sài Gòn”. Với thế hệ khán giả sau này thì không phải ai cũng biết đến ông. Đã có ai không biết tên ông mà lại gọi ông là Bảy Xoài ngoài đời chưa?
- Bây giờ ở Sài Gòn nhiều người toàn gọi tôi là Bảy Xoài với Năm Cam. Nhiều người đạp xích lô hay buôn bán ngoài chợ đều gọi tôi là anh Bảy. Tôi sung sướng đến chảy nước mắt khi có một bà cụ rất già đến cầm tay tôi nói: "Ông đóng hay quá!. Tôi nói cho ông biết, sau này ông có chết đi thì người ta cũng không quên ông đâu!”. Còn nói về phim Biệt động Sài Gòn ngày xưa. Sau khi tôi đóng xong, đi ra đường người ta cũng nhớ đến Ba Cẩn nhiều lắm.
Nhưng thời đó chỉ có những người vào rạp xem phim mới biết tôi. Còn bây giờ, Con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn được chiếu trên truyền hình nên mức độ quan tâm lớn hơn. Thậm chí nhiều người nói với tôi rằng họ đã ngồi thừ ra tiếc nuối khi tập phim cuối cùng được phát sóng trên kênh của đài truyền hình Vĩnh Long. Nhiều người thân quen của gia đình tôi dưới quê liên tục gọi điện thoại đến nhà tôi khi phim đang được chiếu. Ngay những người trong giới như Quyền Linh, Lý Hùng.. cũng nói với tôi rằng họ theo dõi bộ phim rất chăm chú.
Vai Bảy Xoài khác với Ba Cẩn ở chỗ nó được nhiều đối tượng khán giả biết đến, từ đứa trẻ 5-7 tuổi đến người già. Bây giờ tôi chỉ mong là bộ phim sẽ mau chóng được chiếu cho khán giả phía Bắc xem.
- Hơn 100 vai diễn và vai diễn được nhiều người nhớ đến với vai Ba Cẩn trong "Biệt động Sài Gòn” và bây giờ lại là một vai diễn ấn tượng nữa, Bảy Xoài trong "Con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn”. Ông có thể nói gì về hai vai diễn này và với riêng ông, đâu là vai diễn để đời?
- Tôi thấy Ba Cẩn đúng là vai để đời của tôi. Tôi vẫn nói với con: "Con nên nhớ rằng cuộc đời của một người diễn viên thì không nhất thiết là phải đóng nhiều phim. Làm sao phải có một vai để khán giả nhớ mãi”. Tôi nghĩ là mình đã thành công và có được điều này với vai Ba Cẩn. Tôi cũng không nghĩ rằng trong cuộc đời diễn viên của mình lại có thêm Bảy Xoài nữa, một vai diễn còn ghê gớm hơn cả Ba Cẩn ngày xưa.
39 tập phim Con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoàn thành vào tháng 12/2010. Một trong 3 đạo diễn của phim là Long Vân, đạo diễn của bộ phim Biệt động Sài Gòn vang danh một thời. Phim có tới 70% diễn viên là những gương mặt mới, có người chưa từng đóng phim bên cạnh hai gương mặt đã từng nổi tiếng với Biệt động Sài Gòn gần 30 năm về trước là Hai Nhất và Hà Xuyên. Phim gồm 3 phần (I. Chống tội phạm hình sự – II. Chống tội phạm kinh tế và tham nhũng – III: Chống tội phạm gián điệp và biệt kích) do nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hải viết kịch bản. Là một bộ phim chất lượng, hấp dẫn, được làm công phu với kinh phí lên tới cả chục tỉ đồng cho gần 40 tập phim nhưng Con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn vẫn đang rất vất vả tìm đầu ra. Mong ước lớn nhất của đoàn làm phim là Con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn sớm lên được sóng VTV để phục vụ đông đảo khán giả trong nước. |
Theo vnn
-
Tử vi ngày 14/11/2024: Tuổi Mão quý nhân nâng đỡ, tuổi Ngọ tin vui bất ngờ
-
Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông tại đường Trần Phú (Hà Đông)
-
Nữ cán bộ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy có vai trò ngày càng quan trọng
-
Tử vi ngày 13/11/2024: Tuổi Mùi cơ hội thăng tiến, tuổi Thìn gặt hái thành quả
-
Bão Toraji đổ bộ Biển Đông, miền Trung mưa lớn
- Tử vi ngày 14/11/2024: Tuổi Mão quý nhân nâng đỡ, tuổi Ngọ tin vui bất ngờ
- Tử vi ngày 13/11/2024: Tuổi Mùi cơ hội thăng tiến, tuổi Thìn gặt hái thành quả
- Tử vi ngày 12/11/2024: Tuổi Thân tài lộc tăng tiến, tuổi Dậu tinh thần dấn thân
- Tử vi ngày 11/11/2024: Tuổi Tỵ dám nghĩ dám làm, tuổi Dần triển vọng đầu tư
- Tử vi ngày 10/11/2024: Tuổi Ngọ quyết định khôn ngoan, tuổi Tuất gặp gỡ quý nhân
- Tử vi ngày 9/11/2024: Tuổi Thìn chạm đến mục tiêu, tuổi Tuất tin vui tìm đến
- Tử vi ngày 8/11/2024: Tuổi Dần tín hiệu tích cực, tuổi Hợi thành quả như ý
- Tử vi ngày 7/11/2024: Tuổi Tỵ thành công mong đợi, tuổi Thân dư dả tài chính