Tránh thực hiện tự chủ tài chính theo phong trào
Phải cung cấp được dịch vụ tốt nhất cho người dân
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP trong đó xác định là tự chủ một phần hoặc là tự chủ toàn diện. Việc xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp là nhằm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao và hoàn thiện các danh mục tự chủ để từ đó xác định được các nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ và chủ động.
Về nguyên tắc, đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước đảm bảo về mặt kinh phí. Đối với các dịch vụ mà cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Đối với dịch vụ mà đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia. Cùng với việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập, các chính sách liên quan cũng đang được hoàn thiện như về chính sách đất đai, chính sách đấu thầu dịch vụ công…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. (Ảnh: VPQH) |
Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần vừa qua như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn. Cụ thể như nguồn thu khó khăn, liên doanh, liên kết cũng khó khăn… nên các đơn vị này xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin tự chủ một phần, tức là tự chủ chi thường xuyên còn chi đầu tư như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới thì NSNN đảm bảo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng điều này là hợp lý để miễn sao phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ. "Có như vậy chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Nói rõ hơn về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng cho biết việc tự chủ hiện tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực là giáo dục, y tế và khoa học công nghệ. Trong đó, giáo dục và y tế là 2 trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay, có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống của người dân. Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong 2 lĩnh vực này cần thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, tránh việc chạy theo phong trào.
Mục tiêu khi thực hiện tự chủ là để tăng tính chủ động, sáng tạo, tự quyết cho đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu đơn vị đảm bảo được tự chủ 100% thì thực hiện được việc trả lương theo kết quả lao động, còn nếu đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, thì trả lương theo quy định, số tiền còn lại được đưa vào quỹ thu nhập, quỹ đơn vị để tái đầu tư. Còn nếu đơn vị được Nhà nước đảm bảo 100%, thì khoán chi theo bộ phận… với mục tiêu cuối cùng là làm sao cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân.
Một số mục tiêu vẫn chưa đạt được
Cùng trả lời trong phiên chất vấn về việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở ngành y tế, giáo dục, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Việc thực hiện tự chủ đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên một số mục tiêu vẫn chưa đạt được.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên chất vấn. (Ảnh: VPQH) |
Bộ trưởng cho biết, tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%, tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên nhìn tổng thể kết quả vẫn còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân, như chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật về tự chủ; do ảnh hưởng đại dịch Covid-19; sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tự chủ đơn vị sự nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp như: tổ chức Hội nghị đánh giá toàn diện việc thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp để có cái nhìn tổng quát, khơi thông những bế tắc; rà soát sửa đổi toàn diện, nhất quán, liên thông các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này; các Bộ, ngành địa phương, các đơn vị sự nghiệp cần nêu cao tinh thần quyết tâm trong việc thực hiện tự chủ.
Về việc giảm biên chế theo chỉ tiêu, Bộ trưởng cho biết, căn cứ đặc thù từng vùng miền sẽ có một số khó khăn trong thực hiện, nhất là về giáo dục và y tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang nhầm lẫn giữa “giảm biên chế viên chức” và “giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước”. Bộ sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có điều chỉnh phù hợp cho từng địa phương, thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ cao hơn ở những địa phương có điều kiện.
Về giải pháp khắc phục tình trạng tinh giản biên chế cơ học, xây dựng nền công vụ tinh gọn, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp luật, thay thế Nghị định cũ đảm bảo thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế.
P.V
-
Tạo nguồn lực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm
-
Năm 2023, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thu về hơn 206 tỷ đồng
-
Bộ Tài chính lý giải việc lập dự toán không sát, số vượt thu ngân sách cao
-
Ngành Tài chính quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên