Trải nghiệm Tết Việt tại Bảo tàng Dân tộc học
Các bạn nhỏ sẽ được trải nghiệm viết thư pháp tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. |
Trong chương trình có các hoạt động dựng cây nêu, gói bánh chưng, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, múa rối nước, các trò chơi dân gian như: kéo co, đánh cầu lông gà, đánh mảng, ném pao, tung còn, đẩy gậy… Các em nhỏ sẽ được tô, vẽ tranh 12 con giáp và nặn những con tò he ngộ nghĩnh.
Chương trình năm nay còn được tổ chức từ mồng 4 - 7 Tết (13 -16/2) với các hoạt động mới như: Tô vẽ khám phá di sản Hội An: tìm hiểu di sản qua tô vẽ các bức tranh. Khám phá Tết qua công nghệ: vượt thử thách Khám phá Tết cổ truyền; tương tác Vui khám phá ý nghĩa Tết Việt, di sản Hội An; Trò chơi tương tác Khám phá mâm ngũ quả Tết (VR); Khám phá khoa học qua tri thức dân gian (STEM): trải nghiệm làm đồ chơi và thí nghiệm khoa học gắn với Tết… Chương trình còn giới thiệu di sản hát múa Ải Lao, múa rối nước, viết thư pháp, nặn tò he, khám phá văn hóa Mường…
Tiếp đó, mồng 8 và 9 Tết (17 và 18/2), tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ có chương trình “Vui xuân Giáp Thìn: Sắc thái văn hóa Hội An” với sự tham gia của hơn 40 nghệ nhân, cùng chương trình “Đêm Hội An: Cùng thắp sáng di sản”.
Năm Rồng nói chuyện Rồng cũng là chủ đề cuộc nói chuyện của PGS, TS Trần Trọng Dương. Qua đó, khán giả sẽ được biết về những đứa con của rồng - huyền thoại long sinh cửu tử trong văn hóa Việt Nam; con rồng cháu tiên - biểu tượng rồng trong văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam…
N.H