Top 10 dấu ấn tài chính thế giới năm 2020
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính tới tháng 9/2020, các chính phủ trên thế giới đã công bố các gói kích thích kinh tế trị giá gần 12.000 tỷ USD, còn các ngân hàng trung ương cũng đã bơm vào thị trường ít nhất 7.500 tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.
Ngày 27/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành thành luật gói cứu trợ kinh tế mới trị giá 900 tỷ USD. Trước đó, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua hai dự luật trên sau khi các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận đáp ứng được một số ưu tiên của các nghị sỹ đảng Dân chủ cũng như các điều khoản mục tiêu mà các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện đưa ra.
IMF nhận định một số quốc gia thậm chí cần bơm nhiều tiền hơn nữa để đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng COVID-19.
Trong năm 2020, để hỗ trợ các nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có do tác động của dịch COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử, các ngân hàng trung ương tại 60% nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy chính sách giảm lãi suất xuống dưới 1%, trong đó nhiều nền kinh tế thậm chí áp dụng lãi suất âm.
FED đã 2 lần hạ lãi suất khẩn cấp, hiện duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0- 0,25%. |
Chỉ riêng trong tháng 3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần hạ lãi suất khẩn cấp, hiện duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0- 0,25%. Các ngân hàng trung ương châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Australia... cũng hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục. Bất chấp những nỗ lực cắt giảm lãi suất và áp dụng các chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp. Kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào "bẫy thanh khoản" khi mà chính sách tiền tệ có ít hiệu quả.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã phát hành 10 triệu Nhân dân tệ (CNY) điện tử ( tương đương 2 triệu USD) cho 50.000 người tiêu dùng dưới hình thức “bao lì xì”. Theo đó, Thâm Quyến là thành phố đầu tiên được thử nghiệm CNY điện tử, người dân sẽ sử dụng ứng dụng quà tặng để mở bao lì xì. Số tiền này sẽ dùng để mua sắm trực tuyến tại hơn 3.000 cửa hàng tham gia thí điểm. Theo quy tắc sử dụng, tiền quà tặng không thể được chuyển cho người khác hoặc quy đổi trong tài khoản ngân hàng của chính một người.
PBoC đã phát hành 10 triệu CNY điện tử cho 50.000 người tiêu dùng dưới hình thức “bao lì xì”. |
Trước đó vào tháng 4/2020, PBoC cho biết họ đang tiến hành thử nghiệm hệ thống thanh toán bằng CNY điện tử tại 4 thành phố trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả Thâm Quyến và dự định sẽ thí điểm hệ thống này tại các địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông trong tương lai.
Mới đây, Công ty Thanh toán bitcoin và tiền kỹ thuật số BitPay đã nộp hồ sơ lên Văn phòng Cơ quan Kiểm soát Tiền tệ Mỹ (OCC) để xin cấp phép thành lập ngân hàng tiền kỹ thuật số, có tên là BitPay National Trust Bank. BitPay không phải là doanh nghiệp duy nhất xin mở ngân hàng tiền kỹ thuật số vì Paxos (đối tác tiền kỹ thuật số của PayPal) và Figure Technologies gần đây cũng đã nộp đơn lên OCC.
BitPay đã nộp hồ sơ xin cấp phép thành lập ngân hàng tiền kỹ thuật số. |
Thông tin thành lập ngân hàng tiền kỹ thuật số của BitPay được đưa ra sau khi một quan chức của OCC là ông Brian Brooks - người từng là Giám đốc pháp lý của Sàn giao dịch bitcoin và tiền kỹ thuật số của Mỹ Coinbase tiết lộ đã sẵn sàng để bắt đầu chấp nhận đơn đăng ký mở ngân hàng tiền kỹ thuật số.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc BitPay và Paxos nộp hồ sơ thành lập ngân hàng tiền kỹ thuật số sẽ tạo ra cuộc chạy đua trong lĩnh vực này.
Kế hoạch đánh thuế xuyên biên giới các doanh nghiệp công nghệ do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thúc đẩy, có thể khiến các doanh nghiệp kỹ thuật số như Google, Amazon và Facebook phải nộp tới 100 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.
Được biết, Pháp bắt đầu áp thuế 3% đối với các công ty công nghệ có doanh thu hơn 750 triệu EUR trên toàn cầu và 25 triệu EUR tại nước này, trong khi Indonesia theo đuổi kế hoạch đánh thuế các hãng công nghệ dựa trên doanh thu trong nước…
Trong phiên giao dịch ngày 29/12, lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,68%, đạt 30.403,97 điểm (chỉ số này đã tăng 65% tính từ tháng 3/2020 đến cuối năm 2020); Chỉ số S&P 500 tăng 0,87%, đạt 3.735,36 điểm (chỉ số này đã tăng 68% tính từ tháng 3/2020 đến cuối năm 2020); Chỉ số Nasdaq tăng 0,74%, đạt 12.899,42 điểm (chỉ số này đã tăng gần 84% tính từ tháng 3/2020 đến cuối năm 2020). Đây là các mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Chỉ số Nasdaq đã tăng gần 84% tính từ tháng 3/2020 đến nay. |
Hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Mỹ năm nay là các gói kích thích kinh tế của mỹ trị giá gần 3.000 tỷ USD, cùng việc giảm lãi suất cơ bản về gần 0% và chương trình nới lỏng định lượng quy mô lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Dù hiện nay giá cổ phiếu ở Phố Wall nhìn chung đang có nhiều thuận lợi, tuy nhiên sự lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh và mức định giá cổ phiếu đã bị đẩy lên quá cao… có thể sẽ là những nhân tố gây trở ngại cho thị trường trong thời gian tới.
Tesla- hãng xe điện do tỷ phú Elon Musk sáng lập và hiện giữ vai trò Tổng giám đốc, là công ty có giá trị vốn hóa "khủng" nhất từ trước đến nay khi bước chân vào S&P 500. Cuối năm 2020, cổ phiếu của Tesla chiếm tỷ trọng 1,69% trong chỉ số này. Từ giữa tháng 11/2020 khi mới có tin cổ phiếu Tesla sẽ lọt vào S&P 500 tới nay, cổ phiếu này đã tăng khoảng 60%. Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu Tesla đã tăng khoảng 700%.
Giá cổ phiếu Tesla tăng phi mã |
Tesla đang là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất ở Phố Wall năm nay, với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt khoảng 18 tỷ USD trong 12 tháng qua. Vị trí thứ nhì thuộc về cổ phiếu của Apple- cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân đạt 14 tỷ USD mỗi phiên, theo Refinitiv.
Với hơn 4,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, giá trị vốn hóa của Apple ngày 20/8 vừa qua đã vượt 2.000 tỷ USD khi giá cổ phiếu chạm 467,77 USD/cp. Dù vậy, giá chốt phiên sau đó giảm nhẹ, về 462,83 USD, khiến vốn hóa lùi về 1.979 tỷ USD.
Cổ phiếu Apple tăng mạnh đã giúp "táo khuyết" chạm mốc vốn hóa 2.000 tỷ USD. |
Tuy nhiên, việc vốn hóa thị trường của Apple chinh phục mốc 2.000 tỷ USD cũng phản ánh sự thành công của CEO Tim Cook trong việc thay đổi góc nhìn của nhà đầu tư về công ty này. Phố Wall đánh giá hoạt động kinh doanh của Apple hiện nay giống một công ty phần mềm hơn là một nhà sản xuất phần cứng. Điều này được thể hiện qua mức định giá P/E ngày càng cao, hiện đã lên hơn 33 lần.
Đặc biệt khi thị trường Iphone đã bão hóa, Tập đoàn này đang nỗ lực triển khai sản xuất ô tô điện. Đây được cho là chiến lược mang tính bước ngoặt cho Apple trong thời gian tới.
Trong năm 2020, giá bitcoin đã tăng khoảng 280%. Bitcoin được dự báo vẫn còn dư địa tăng thêm và đang hướng tới vùng giá 30.000 USD/BTC. “Chúng tôi cho rằng bitcoin đang dần tiến tới đỉnh 30.000 USD/BTC. Tuy nhiên khi tiến tới mốc cao kỷ lục này, giá đồng tiền ảo này có thể sẽ có nhịp điều chỉnh giảm, nhưng không đáng kể chỉ khoảng từ 10-15%” - ông Vijay Ayyar, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Luno tại Singapore cho biết.
Bitcoin làm nên lịch sử trong năm 2020 với mức giá trên 28.000 USD/BTC. |
Đáng chú ý, bitcoin tăng mạnh trong năm nay, hoàn toàn khác với năm 2017 khi bitcoin tăng mạnh lên 19.666 USD/BTC, thì các Altcoin khác đều lên đỉnh, có thời điểm vốn hóa toàn bộ thị trường này vượt 800 tỷ USD. Hiện giá bitcoin đã vượt xa kỷ lục đó và thị trường cũng có thêm hàng nghìn coin khác, nhưng vốn hóa hiện nay chỉ hơn 600 tỷ USD. Điều này cũng cho thấy giá bitcoin tăng mạnh trong năm 2017 mang nặng tính đầu cơ, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group tại Thượng Hải và Hồng Kông đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc tạm hoãn. Trước đó, tập đoàn này dự kiến IPO vào ngày 5/11/2020. Ant được định giá hơn 300 tỷ USD nếu IPO.
Việc Ant Group bị hoãn phiên IPO đã ảnh hưởng nhiều đến giá cổ phiếu Alibaba. |
Sau khi thông báo nói trên, cổ phiếu của Alibaba- công ty sở hữu khoảng 33% cổ phần của Ant Group, đã giảm hơn 7%.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sở dĩ cơ quan này tạm hoãn đợt IPO của Ant do đã có "thay đổi đáng kể" liên quan đến vấn đề pháp lý. Phó Thống đốc PBoC Pan Gongsheng cho biết Ant cần khắc phục các sai phạm về tài chính, trong đó có mảng tín dụng, bảo hiểm và quản lý tài sản, đồng thời cải tổ mảng đánh giá tín nhiệm để tăng cường bảo mật thông tin cá nhân. “Ant nên thành lập một công ty sở hữu riêng để đảm bảo nguồn vốn và khả năng tuân thủ quy định; đồng thời cần có giấy phép đầy đủ để vận hành mảng đánh giá tín nhiệm cá nhân, và minh bạch hơn về các giao dịch thanh toán bên thứ ba”, ông Gongsheng nhấn mạnh.
Theo enternews.vn
-
Nhà đầu tư tích trữ vàng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
-
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo rủi ro gia tăng
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”