Tổng tài sản hợp nhất của 19 “ông lớn” Nhà nước đạt gần 2,5 triệu tỉ đồng
Ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Sáng ngày 26/9, tham luận tại tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Nhìn lại và hướng tới" do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức, ông Phạm Văn Sơn thông tin, trong 5 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ được giao.
19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của nhà nước, hạn chế thất thoát tài sản nhà nước; cơ bản đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thể hiện được vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước; bảo đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết, đến nay, 19 "ông lớn" Nhà nước đã có những thay đổi đáng kể khi chuyển về "siêu ủy ban". Theo đó, 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của nhà nước, hạn chế thất thoát tài sản nhà nước. So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), theo báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1.055.618 tỉ đồng lên 1.154.600 tỉ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2.359.693 tỉ đồng lên 2.490.832 tỉ đồng; các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19 và những biến động phức tạp khu vực trong nước và quốc tế, các tập đoàn, tổng công ty chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, có doanh nghiệp bị lỗ, nhưng với sự quyết tâm, chủ động, bám sát các chủ trương, định hướng và chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty đã nỗ lực rất lớn vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm cao nhất, qua đó, góp phần vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo ông Sơn, tính riêng năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1.871.050 tỉ đồng, chiếm 20% GDP cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018). Đáng chú ý, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đạt doanh thu kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.309 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227.990 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương và trên cả nước với mức thu nhập bình quân năm liên tục cao hơn mức thu nhập trung bình cả nước; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh, xã hội nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tại tọa đàm, ông Phạm Văn Sơn cho biết thêm, sau 5 năm chuyển về Ủy ban quản lý, 19 tập đoàn, tổng công ty đã phê duyệt, triển khai thực hiện, hoàn thành đầu tư 185 dự án nhóm A, 455 dự án nhóm B. Trong giai đoạn 2018-2023, Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt trên 769 nghìn tỉ đồng.
Sau 5 năm nhìn lại, ông Sơn đã thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như các tập đoàn, tổng công ty chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, kiểm soát chất lượng thông qua lựa chọn và kiểm soát nhà thầu, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng.
Bên cạnh đó, phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực. Chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi, có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế từng doanh nghiệp.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng nêu rõ, một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia bất ổn về chính trị… dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. |
Chuyên gia kinh tế: Phải tôn trọng quyền của doanh nghiệp đại diện chủ phần vốn |
Thủ tướng: 6 quan điểm, 12 nhiệm vụ để DNNN phát huy vai trò dẫn dắt, tiên phong, mở đường |
Huy Tùng - Hiền Anh
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
-
[Video] "Sức khỏe" đất trồng trọt
-
Nâng cao nhận thức về bảo vệ bản quyền và tri thức tại Việt Nam
-
Nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác phổ biến kiến thức khoa học công nghệ