Tin tức kinh tế ngày 06/09: Phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9
Phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 nhằm phục hồi nền kinh tế
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng đã chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó dự đoán, gây bất ngờ cho các nước, trong đó có Việt Nam, đồng thời thấu hiểu những khó khăn và chia sẻ những mất mát của người dân do dịch bệnh, giãn cách xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9. Trong lúc còn khan hiếm vacicne, chưa bao phủ được vaccine thì các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội, phải tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi để nhân dân chia sẻ, thông cảm, hưởng ứng, tích cực tham gia. Phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, trước mắt chúng cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Chuyển biến tích cực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu
Sau một năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA), thương mại song phương đã tăng 18,4%.Số liệu được công bố tại hội thảo trực tuyến: “Hành trình một năm EVFTA – Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo” mới đây cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, thương mại song phương giữa Việt Nam và châu Âu (EU) đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 19,67 tỷ USD tăng trên 18% và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt 8 tỷ USD, tăng trên 19%.
Hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô rơi vào trạng thái âm trong tháng 8/2021
Trong 8 tháng, chỉ có 81.600 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới trong khi số doanh nghiệp “đứt gãy”, rời bỏ thị trường lên tới 85.500 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, có tới 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vì không thể chống đỡ được với Covid-19.
Nếu nhìn vào loạt chỉ số vĩ mô đảo chiều trong tháng 8/2021, bức tranh doanh nghiệp thậm chí còn tồi tệ hơn. Đó là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngành chế biến - chế tạo, vốn là động lực tăng trưởng cho khu vực này, giảm tới 9,2% trong tháng này. Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020. Mặc dù con số này cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Xây dựng kiểm soát công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV năm nay. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Chuyên gia hiến kế phục hồi kinh tế tại TP.HCM
Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Kinh tế - Luật, cần tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% lên 23% từ năm 2022, đồng thời nâng trần nợ công cho thành phố để có nguồn lực đầu tư sau đại dịch.
Trong bản khuyến nghị chính sách "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM" vừa được Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố, nhóm nghiên cứu cho rằng tốc độ hồi phục kinh tế của TPHCM sau đại dịch sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ, quy mô của động lực hỗ trợ từ Chính phủ. Nhóm nghiên cứu khẳng định sự hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách Trung ương đóng vai trò then chốt, bao gồm cả các hỗ trợ tức thời trong ngắn hạn, mang tính cấu trúc khi kết thúc giãn cách và tiếp tục kéo dài trong trung hạn.
Ngoài ra, nhóm đề xuất Quốc hội, Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù để kiến tạo động lực cho TPHCM nhằm giúp quá trình hồi phục kinh tế của thành phố diễn ra nhanh nhất có thể, bổ sung nguồn từ Ngân sách Trung ương hỗ trợ TPHCM chi cho gói hỗ trợ an sinh xã hội, phát hành trái phiếu Chính phủ trong điều kiện lãi suất đang ở mức thấp...
Ngành phân bón đối mặt khó khăn
Trên thế giới, vào cuối tháng 8, giá FOB ure hạt trong, giao ngay tại các khu vực chính như Biển Đen, Trung Quốc khoảng 400-406 USD/tấn, tức đã giảm gần 30 USD/tấn so với mức giá vào cuối tháng 7. Giá DAP tại phần lớn khu vực đã chững lại không tăng hoặc giảm nhẹ, hiện tại giá CFR tại Ấn Độ vào khoảng 650USD/tấn. Riêng kali, giá tăng tại Đông Nam Á và ổn định tại Hoa Kỳ do nguồn cung MOP vẫn hạn chế. Cũng trong tháng 8, lượng giao dịch phân bón giảm, có mặt hàng như ure lượng giao dịch giảm hơn 20% so với tháng 7. Do ảnh hưởng từ các xu hướng khác nhau của phân đơn và nguyên liệu, thị trường phân hỗn hợp NPK cũng trong trạng thái khá trầm lắng, thận trọng.
Tại Việt Nam, ngành phân bón đang bước vào giai đoạn đối mặt với khó khăn kép, từ đà giảm theo xu thế chung của thị trường thế giới và chịu tác động trực tiếp, nhiều mặt của đợt dịch bùng phát nghiêm trọng từ tháng 5 đến nay. Với đặc thù ngành hàng vật tư nông nghiệp, sản lượng lớn, sử dụng nguồn nhân lực lớn, từ cung ứng nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra đều có tính liên kết chuỗi cao nên ảnh hưởng của dịch bệnh đã và đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp SXKD phân bón theo tác động dây chuyền
Giá dầu hôm nay 6/9 giảm khi đón nhận nhiều thông tin tiêu cực
Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 68,97 USD/thùng - giảm 0,46%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 72,24 USD/thùng - giảm 0,51%.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết quá trình chế biến dầu thô có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn so với sản lượng dầu thô, điều này cho thấy dự trữ dầu thô sẽ tăng trong những tuần tới.Trong khi đó, OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) đã nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến cuối tháng 12/2021. Số liệu riêng của OPEC cho thấy thị trường sẽ đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung cho đến cuối năm 2021, nhưng sau đó sẽ rơi vào dư thừa trong năm 2022.
Ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng
Bộ Công Thương vừa ban hành khung Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao với mục tiêu là đến năm 2030, triển khai thành công ít nhất 30 dự án công nghệ cao ứng dụng trong công nghiệp, có tính lan tỏa về mặt khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội.
Trước đó, ngày 27/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Chương trình gồm 3 chương trình thành phần gồm: Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì); Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (Bộ Công Thương chủ trì) và Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì).
M.C
-
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt
-
Tin tức kinh tế ngày 18/11: Cua ghẹ Việt Nam “đắt hàng” tại Trung Quốc
-
Vì sao vàng không còn “lấp lánh” sau chiến thắng của Donald Trump?
-
VPBank lọt Top 10 Doanh nghiệp vốn hóa lớn có Quản trị công ty tốt nhất năm 2024
-
Agribank đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn - tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng