Tin kinh tế ngày 18/8: Xuất khẩu sợi gặp khó vì tỷ giá đồng Nhân dân tệ
Xuất khẩu sợi gặp khó vì tỷ giá đồng Nhân dân tệ
Giá xuất khẩu sợi trung bình 7 tháng qua đạt 2.531 USD/tấn, giảm gần 8% so với cùng kỳ |
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu xơ sợi dệt đã chứng kiến mức giảm giá gần 8% so với cùng kỳ năm trước do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Giá xuất khẩu sợi trung bình 7 tháng qua đạt 2.531 USD/tấn, giảm gần 8% so với cùng kỳ.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu của xơ sợi dệt Việt Nam, chiếm 56% trong tổng lượng và chiếm 57,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc 7 tháng qua đạt 531.230 tấn, kim ngạch trên 1,37 tỷ USD, giá 2.584 USD/tấn. Điều đáng nói, giá xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 10%. Xuất khẩu sợi sang Đài Loan chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất 30% cả về lượng và kim ngạch.
Hơn nữa, doanh nghiệp xuất khẩu sợi của Việt Nam không chỉ bị giảm giá bán mà còn chịu thêm thiệt hại do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY). Cụ thể, từ tháng 6/2018 đến cuối năm 2018, đồng CNY mất giá 7,8% so với USD, tỷ giá USD/CNY giảm từ 6,4 xuống còn 6,95 trong khi tỷ giá USD/VND vẫn giữ giá. Điều này dẫn đến giá sợi của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Ngành dệt may tính toán, nếu tỷ giá USD/CNY giảm 1%, tương đương giá sợi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc mất 3 cent Mỹ/kg. Đồng Nhân dân tệ giảm giá trong khi Việt Nam đồng ổn định sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung quốc sẽ đắt đỏ hơn. Điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bởi các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ ép giá các doanh nghiệp Việt.
Thịt ngoại tràn vào Việt Nam
Thịt bò ngoại được bày bán tại các siêu thị hiện đại tại TP HCM |
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP HCM, hiện đang có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt vào Việt Nam bao gồm: Úc, Brazil, Hoa Kỳ, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Nga… Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, lượng thịt lợn nhập về Việt Nam qua các cảng của TP HCM tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, với khối lượng khoảng 5.647 tấn. Tính chung cả nước trong 4 tháng đầu năm đã chi 23,58 triệu USD để nhập khẩu thịt lợn, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, đối với mặt hàng thịt gà, theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 62.000 tấn thịt gà các loại với giá trị nhập khẩu đạt hơn 48,6 triệu USD. Như vậy, tính ra chưa đến 18.000 đồng mỗi kg thịt gà nhập Mỹ về Việt Nam.
Đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết, nguyên nhân khiến thịt ngoại nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam là do giá thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu rẻ hơn thịt trong nước. Ngoài ra, do Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các rào cản thương mại dần bị gỡ bỏ, khiến thị trường trong nước và thị trường nước ngoài xích lại gần nhau.
Theo bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập (Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao), chưa bao giờ ngành chăn nuôi trong nước phải chịu nhiều áp lực như hiện nay, do thịt ngoại giá rẻ đang đổ bộ. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước muốn giữ vững thị phần, cần sớm cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế chi phí sản xuất hướng để hạ giá thành sản phẩm.
Xuất khẩu cà phê 7 tháng giảm gần 20%
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,084 triệu tấn |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cuối tháng 7/2019, giá cà phê nhân xô Robusta trong nước giảm theo giá thế giới với mức giảm từ 0,6-2,9% so với cuối tháng 6/2019.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 7/2019 đạt 165 nghìn tấn, trị giá 265 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 11,3% về trị giá so với tháng 6/2019, tăng 22,6% về lượng và tăng 4,7% về trị giá so với tháng 7/2018.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,084 triệu tấn, trị giá 1,833 tỷ USD, giảm 7,6% về lượng và giảm 18,7% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2018. Giá xuất bình quân mặt hàng cà phê trong tháng 7/2019 đạt mức 1.606 USD/tấn, giảm 3,9% so với tháng 6/2019 và giảm 14,6% so với tháng 7/2018. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt mức 1.691 USD/tấn, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Hoạt động giao dịch cà phê tại Việt Nam trong tháng 7/2019 chậm lại do nguồn cung thấp và giá giảm xuống mức thấp. Cục Xuất nhập khẩu dự kiến giao dịch cà phê tại Việt Nam sẽ diễn ra ảm đạm cho đến niên vụ 2019/2020 bắt đầu vào tháng 10/2019. Điều kiện thời tiết được cho là thuận lợi cho vụ mùa thu hoạch mới của Việt Nam.
Nhập khẩu ô tô tháng 7 tăng mạnh
Trong tháng 7/2019 đã có tổng cộng 11.609 xe ôtô nguyên chiếc làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2019 đã có tổng cộng 11.609 xe ôtô nguyên chiếc làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam, cao hơn tháng trước khoảng 10%, với trị giá đạt khoảng 258,6 triệu USD. Kể từ đầu năm, các doanh nghiệp Việt đã chi khoảng 1,934 tỉ USD để đưa về 86.969 xe, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 360,4% về lượng và 318,7% về giá trị.
Lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam nhiều nhất là từ thị trường Thái Lan với 6.572 xe và Indonesia với 3.210 xe. Đáng chú ý lượng xe nhập từ Trung Quốc lên tới 600 xe, gấp 3 lần Nhật Bản chỉ 201 xe và gấp hơn 4 lần từ Hàn Quốc với 157 xe. Xe nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là các dòng xe tải nặng và một số lượng nhỏ các dòng xe du lịch. Số xe nhập khẩu từ 5 thị trường này chiếm tới 96% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 7.
Số xe nhập về tăng đột biến nhưng giá xe nhập khẩu trung bình các loại lại giảm mạnh, khoảng 4.000 USD một chiếc. Trong đó, giá nhập trung bình một chiếc xe dưới 9 chỗ cũng giảm hơn 3.000 USD, còn 19.258 USD.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2019, Việt Nam nhập khẩu tới 86.969 chiếc ôtô nguyên chiếc các loại, gấp gần 4,6 lần so với con số 18.888 chiếc của cùng kỳ. Trong đó, ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống là 63.063 chiếc, gấp 5 lần; ôtô vận tải là 20.805 chiếc, gấp gần 3 lần so với 7 tháng năm 2018.
TP Hồ Chí Minh thu hút 3,63 tỷ USD vốn FDI trong 7 tháng
Ủy ban Nhân dân TP HCM cho biết, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố thu hút được 3,63 tỷ USD (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019).
Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 678 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 688,79 triệu USD (tăng 18,3% số dự án cấp mới và tăng 26,9% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Trong số các dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có 168 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 345 triệu USD.
Bên cạnh đó, trong 7 tháng đầu năm 2019, TP HCM cũng chấp thuận cho 2.668 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 2,6 tỷ USD (so với cùng kỳ, tăng 28,3% về số trường hợp và tăng 16,7% về vốn đầu tư).
Lâm Anh (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 25/1: Kiều hối cả nước năm 2023 đạt 16 tỷ USD
-
Tin tức kinh tế ngày 28/9: TP HCM mới giải ngân được 30% tổng vốn đầu tư công
-
Tin tức kinh tế ngày 7/10: Váy, đầm, quần áo phụ nữ vượt ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi xuất sang EAEU
-
Tin tức kinh tế ngày 19/9: Xuất khẩu điện thoại sang Trung Quốc tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 4/8: Người Việt chi 2,1 tỷ USD sắm ô tô ngoại
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần