Tín hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam năm 2024
Năm 2023, Việt Nam nổi lên là quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong khu vực |
Theo Báo cáo Dự báo triển vọng Kinh tế Toàn cầu quý IV/2023 của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 khoảng 4,7%, sau đó tăng dần lên 5% trong năm 2024 và khởi sắc bứt phá trong trung hạn.
Báo cáo nhận định, mặc dù có sự giảm tốc tăng trưởng trong năm 2023 và 2024 so với mức trung bình trước đại dịch là 7%, “câu chuyện tăng trưởng kỳ diệu” của Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Trong bối cảnh đổi mới chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã nổi lên như một “người chiến thắng” quan trọng và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong trung hạn.
Báo cáo của Oxford Economics cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á sẽ đạt 4,3% trong năm 2023 và 4,2% trong năm 2024, thấp hơn mức trung bình trước đại dịch là 5% mỗi năm. Các yếu tố làm giảm dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2024 bao gồm: Tăng trưởng toàn cầu chậm lại do tác động bởi hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, các điểm du lịch đang mất đi sức hấp dẫn, suy giảm trong tiêu dùng tư nhân cùng chính sách tài khóa được thắt chặt.
Đông Nam Á thể hiện đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong quý III/2023, nhờ điều kiện thương mại cải thiện đã đẩy mạnh tăng trưởng GDP vượt xa kỳ vọng. Tăng trưởng xuất khẩu ở Singapore, Malaysia và Việt Nam được mở rộng từ quý II sang quý III/2023. Cả Singapore, cũng như Việt Nam, đều trải qua sự phục hồi đáng chú ý và cả hai thị trường đều giữ vị thế quan trọng trong thương mại điện tử. Trong năm 2023, Việt Nam nổi lên là quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong khu vực.
Nông nghiệp của Việt Nam vừa đóng góp cho GDP, vừa tạo việc làm |
Ông Andrea Coppola - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nền kinh tế mở của Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới kỳ vọng.
Tăng trưởng kinh tế ở Mỹ là khoảng 2,5% trong năm 2023. Tại khu vực đồng euro (Eurozone), tăng trưởng thậm chí còn yếu hơn, chỉ ở mức khoảng 0,5%. Trong khi đó, WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, trước khi phục hồi về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam về mức 5,2% trong năm 2023 và tăng trưởng trong năm 2024 được dự báo duy trì ở mức 6,0%. Dù vậy, ADB vẫn cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực.
ADB cho rằng sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước của Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4,0% cho năm 2024.
Nông nghiệp của Việt Nam vừa đóng góp cho GDP, vừa tạo việc làm |
Trong một bài viết mới đây, Bloomberg Economics đánh giá Việt Nam là 1 trong 5 nước được nhắc tới từ sự tái sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, Cơ quan nghiên cứu vĩ mô của Bloomberg cho rằng nhóm 5 quốc gia bao gồm Việt Nam, Ba Lan, Morocco, Mexico và Indonesia đang nổi lên như những đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang trên toàn cầu.
Theo Bloomberg Economics, 5 nước này chiếm 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nhưng lại thu hút hơn 10% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tương đương 550 tỉ USD, trong tổng số các dự án đầu tư mới kể từ năm 2017. Trước đó, Bloomberg cũng cho rằng nền kinh tế đang phát triển nhanh đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp.
Nhận định về khu vực Đông Nam Á, Công ty Tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey cho rằng, Đông Nam Á là điểm sáng trong bức tranh suy giảm kinh tế toàn cầu, với một nhóm nước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong quý III/2023, trong đó có Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam.
Theo McKinsey, các điều kiện bên ngoài và nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu không mấy khả quan ở khu vực Đông Nam Á đã khiến tốc độ tăng trưởng khu vực chậm lại trong quý III/2023. Xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức do nhu cầu giảm ở các thị trường trọng điểm như Liên minh châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên nhu cầu trong nước, chi tiêu chính phủ và sự phục hồi của ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, đã góp phần mang lại triển vọng việc làm và thu nhập tốt hơn, từ đó hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là ở Philippines và Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), kinh tế Việt Nam trong quý III/2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng 4,14% trong quý II/2023.
Trong khi đó, trang tin tức thị trường Yahoo!finance đăng bài viết cho biết Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á nằm trong số 20 nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong 10 năm trở lại đây. Các nhà phân tích đã xem xét mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực sau khi điều chỉnh lạm phát, dựa vào dữ liệu trong giai đoạn 2012-2022 để tính mức tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua. Theo đó, với mức tăng trưởng GDP thực trung bình là 6,1% trong 1 thập niên trở lại đây, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong đó, ngành nông nghiệp của Việt Nam là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, vừa đóng góp cho GDP, vừa tạo việc làm.
Một lĩnh vực khác cũng được đánh giá rất cao là việc Việt Nam đang dẫn đầu trong nỗ lực phát triển năng lượng sạch ở Đông Nam Á. Trong bài viết với tiêu đề “Con hổ không cúi đầu”, Tạp chí Global Finance của Mỹ đã dành một mục nhận định “Việt Nam là điểm sáng” với trích dẫn đánh giá của Will Ross - Giám đốc marketing của Quỹ đầu tư mạo hiểm Dragon Capital, niêm yết ở London.
Chuyên gia này cho rằng, với cam kết đạt mức ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam có thể chứng minh rằng con đường vượt qua bẫy thu nhập trung bình không nhất thiết phải bằng cách phát triển ngành công nghiệp gây ô nhiễm bằng mọi giá.
Bloomberg Economics đánh giá Việt Nam là 1 trong 5 nước đang nổi lên là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang trên toàn cầu. |
Nguyễn Anh
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024
-
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2024
-
Hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2024
-
Ngoại lực của kinh tế Việt Nam