Tiếp sức cho nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững
Những câu chuyện về vay vốn “đổi đời”
Định kỳ vào 7h sáng, thứ 2 hàng tuần, bất kể nắng mưa, chuyến xe ngân hàng lưu động của Agribank Mộc Châu lại khởi hành đến với xã vùng cao Nà Mường, một xã miền núi với 5.000 nhân khẩu, trong đó 30% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập vẫn dựa vào nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Với người dân nơi đây, tiếp cận được nguồn vốn chính sách của Nhà nước chính là cơ hội để đầu tư, sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Gia đình ông Đinh Văn Kiều, bản K’Tèo vốn là hộ nghèo. Năm 2015, ông được vay vốn 100 triệu đồng từ Agribank Mộc Châu thông qua sự bảo lãnh của tổ vay vốn. Số tiền này đã được ông đầu tư vào mua 05 con bò giống và trồng 2 ha bưởi da xanh. Khi biết tin xe ngân hàng lưu động về tận xã phục vụ, ông Kiều tính trả hết nợ cũ và xin vay đợt mới để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Số tiền vay mới này gia đình ông sẽ được đầu tư làm chuồng trại nuôi trâu bò, còn số tiền lần trước sẽ tập trung vào những loại cây có giá trị cao như nhãn ghép, bưởi da xanh và xoài, thay thế các cây giống không có giá trị trước kia, nhờ đó mà thu nhập của gia đình ông tăng trưởng rất ổn định. “Việc cho vay thông qua các tổ hội như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ của Agribank giúp chuyển tải vốn nhanh, tiết kiệm chi phí đi lại của người dân chúng tôi cũng như cán bộ tín dụng. Không những vậy, hội viên còn được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, nhờ đó mà nhận thức về các mặt quản lý sản xuất, chi tiêu của hội viên được nâng lên rõ rệt”, ông Đinh Văn Kiều chia sẻ thêm.
Thăm huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) – hòn đảo có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh của tổ quốc, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng "triệu phú" nuôi trồng thủy sản Huỳnh Ngọc Thảo (thôn Đông, An Hải). Ông Thảo cho biết, bè cá bớp của gia đình năm nay "thắng lớn" bởi nhu cầu thị trường tăng đột biến khiến giá cả tăng cao. Theo đó, từ mức giá trung bình chỉ khoảng 120.000 đồng/kg – 130.000 đồng/kg của những năm trước, năm nay cá bớp ông bán ra có giá 180.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 220.000 đồng/kg. Với quy mô 50 lồng, trừ các loại chi phí, ông Thảo có lãi 1,5 tỷ đồng. Niềm vui "được mùa" dường như đã xua đi hết những vất vả, mệt mỏi trong cái nắng gay gắt những ngày giữa tháng 7 của ông chủ bè cá.
Kể lại "cơ duyên" với nghề, ông Thảo cho hay, ông "nhập" nghề đến nay vừa tròn 5 năm. Khi đó, thấy anh em nuôi trồng thủy sản làm ăn khấm khá, ông Thảo cũng quyết tâm đầu tư với mong muốn đổi đời. Quyết tâm là vậy nhưng vấn đề khiến ông "đau đầu" chính là nguồn vốn, bởi khả năng tài chính của gia đình khi đó không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Dòng vốn tín dụng từ Agribank chính là "chìa khóa" giúp ông giải được "bài toán" khó nhất tại thời điểm đó. "Tôi có thể gây dựng được quy mô bè cá lớn, mỗi năm lợi nhuận cả tỷ đồng như hiện nay cũng là nhờ sự đồng hành tận tâm của Agribank. Trong mọi thời điểm, các cán bộ Agribank Lý Sơn đều tạo điều kiện, hỗ trợ làm thủ tục nhanh, với lãi suất thấp hơn nhiều các ngân hàng khác, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nuôi trồng thủy sản vay vốn", ông Thảo thông tin.
Đến huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng hiện nay sẽ không còn gặp hình ảnh hàng trăm người nông dân đổ ra đồng làm việc đồng áng bằng những công cụ thô sơ mà thay vào đó là những chiếc máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp với năng suất cao. Trong câu chuyện về việc vay vốn ưu đãi từ Agribank Thạnh Trị để mua máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh Lâm Minh Thống, ngụ ấp Phú Tân, thị trấn Phú Lộc vui vẻ cho biết: “Năm 2018, gia đình tôi được Agribank Thạnh Trị xem xét cho vay 300 triệu đồng để đầu tư máy xới và được hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất từ năm thứ 3. Với chiếc máy này, tôi cùng con trai đi xới thuê, có thu nhập ổn định nên gia đình không những vượt qua khó khăn mà còn vươn lên khấm khá.
Còn ông Trần Đại Bó, ở ấp Phú Tân, thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) bộc bạch: “Là khách hàng truyền thống nên hơn 10 năm nay, gia đình tôi luôn gắn bó với Agribank Thạnh Trị. Khi biết về chủ trương của Chính phủ cho nông dân vay vốn giảm tổn thất sau thu hoạch và được cán bộ Agribank Thạnh Trị hỗ trợ tận tình làm các thủ tục cần thiết nên tôi đã tiếp cận nguồn vốn thuận lợi. Cụ thể vào năm 2019 tôi vay hơn 290 triệu đồng từ Agribank Thạnh Trị để mua 1 chiếc máy cày. Sau thời gian làm ăn có hiệu quả nên năm 2020, gia đình tôi tiếp tục vay hơn 330 triệu đồng cũng từ Agribank Thạnh Trị để mua mới thêm 1 chiếc nữa. Với 2 chiếc máy cày, ngoài việc phục vụ 57 công đất của gia đình tôi còn làm dịch vụ cày xới cho khoảng 1.000ha/năm đất nông nghiệp của bà con trong huyện, nhờ đó mà có thêm thu nhập, kinh tế gia đình ngày càng ổn định”.
Bộ mặt nông thôn thay đổi
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Agribank triển khai trong toàn hệ thống chương trình hợp tác, xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới bắt đầu từ năm 2011, đến cuối năm 2012 chương trình đã triển khai rộng khắp cả nước. Từ 11 xã thí điểm ban đầu, đến nay Agribank đã triển khai cho vay 100% các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới với gần 8300 xã, doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình gần 4 triệu tỷ đồng, dư nợ hơn 600 ngàn tỷ đồng cho 2,2 triệu khách hàng.
Có thể nói nguồn vốn của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp diện mạo nông thôn từng bước đổi thay. Nhiều địa phương đã có các trường học đạt chuẩn, đường giao thông được bê tông hóa, hệ thống kênh mương được nâng cấp, nhà tạm được xóa bỏ… Agribank đã xây dựng kế hoạch và sử dụng nguồn quỹ an sinh xã hội chi hỗ trợ với tổng số tiền gần 633 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, nhà tình nghĩa, công trình thủy lợi, nước sạch sinh hoạt,… Hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ thiết thực của Agribank đã góp phần rất tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và cho toàn xã hội, thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước về công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng và đổi mới đất nước... Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Agribank đã triển khai Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. Đề án này có vai trò và ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ và Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hiện nay, tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn trên toàn quốc có khoảng hơn 1000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ của Agribank, bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,…), các cửa hàng, đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản và các tiệm tạp hóa. Theo đó, Agribank triển khai chính sách miễn 100% chi phí trang bị, lắp đặt POS cho khách hàng là các pháp nhân, cá nhân cung ứng hàng hóa, dịch vụ hợp pháp trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời miễn 100% phí chiết khấu cho tất cả các giao dịch thẻ thuộc diện triển khai của Đề án, đơn giản hóa tối đa thủ tục cho vay đối với các khoản cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn, góp phần tham gia đấu tranh, hạn chế “tín dụng đen”; tiếp tục khẳng định sứ mệnh vì “Tam nông”, vai trò chủ lực của Agribank trên thị trường tài chính nông thôn.
Với bề dày và kinh nghiệm hơn ba thập kỷ hoạt động trên thị trường nông nghiệp, nông thôn, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của một định chế tài chính hiện đại, cùng ngành Ngân hàng có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước, đặc biệt là sự nghiệp phát triển “Tam nông”.
Thi Nhân