Tiền vào như thác lũ, chứng khoán xô đổ mọi kỷ lục
Một phiên rũ đột ngột trong ngày 27/5 và thị trường chứng khoán đã có pha trở lại vô cùng ấn tượng trong ngày giao dịch cuối tuần 28/5, vượt ngoài dự đoán của hầu hết nhà đầu tư.
Ở phiên sáng, VN-Index vẫn dập dìu, giằng co ở vùng tham chiếu, "sân chơi" tiếp tục thuộc về cổ phiếu các ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, khi lùi về 1.300 điểm và giữ vùng thành công, VN-Index bật tăng mạnh, tiền cuồn cuộn đổ vào như thác lũ.
Chỉ trong phiên buổi sáng, đã có tới 20.322 tỷ đồng đổ vào thị trường, tương ứng khối lượng hơn 705,7 triệu đơn vị. Tính riêng giá trị khớp lệnh, tổng giá trị đạt 19.771 tỷ đồng, lập kỷ lục về thanh khoản trong phiên giao dịch sáng.
Ở phiên này tái diễn tình trạng "đơ bảng", "nghẽn lệnh", "loạn giá", một phần do tiền quá nhiều. Tổng kết phiên, khối lượng giao dịch trên HSX đạt 768,84 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 24.798,51 tỷ đồng. HNX có 168,32 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.985,27 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 124,34 triệu cổ phiếu tương ứng 1.475,64 tỷ đồng.
Dù bảng điện tử có thời điểm bị "loạn giá", khó xác định được lệnh đặt chờ khớp, nhưng không thể cản trở thị trường tăng mạnh mẽ (ảnh chụp màn hình). |
Tính chung, giá trị giao dịch trên cả 3 sàn hôm nay đạt 30.259,42 tỷ đồng, một con số chưa từng có từ trước đến nay. "Tiền của nhà đầu tư F0 dường như là vô tận" - anh Nguyễn Thành Nam, môi giới chứng khoán của một công ty chứng khoán có trụ sở ở Hà Nội nhận xét.
Nếu năng lực xử lý lệnh của sàn HSX được nâng lên và giải phóng được các lệnh vào thì khả năng thanh khoản cũng như chỉ số còn có thể bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa.
Nhóm cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất trong phiên kỷ lục thanh khoản 28/5. |
VN-Index đi ngang cuối phiên nhưng vẫn đóng cửa ở vùng cao nhất, tăng 16,89 điểm tương ứng 1,3% lên 1.320,46 điểm; HNX-Index tăng 6,01 điểm tương ứng 1,97% lên 310,46 điểm và UPCoM-Index tăng 2,03 điểm tương ứng 2,42% lên 86,11 điểm.
Cổ phiếu VN30 không còn chịu áp lực chốt lời nên vẫn có tới 23 mã trong rổ này tăng giá, VN30-Index tăng 21,4 điểm tương ứng 1,49% lên 1.458,78 điểm, qua đó tạo được sự đồng thuận để thị trường lao nhanh hơn về phía trước.
Diễn biến phiên chiều tích cực hơn hẳn phiên sáng cũng như giai đoạn trước, đó là sự lan tỏa của dòng tiền tới các nhóm ngành trên thị trường. Thống kê có 641 mã tăng giá, 92 mã tăng trần, gấp đôi số mã giảm (343 mã giảm giá, 37 mã giảm sàn).
Sự lan tỏa của dòng tiền vào phiên chiều đã giúp phần lớn cổ phiếu trên thị trường tăng giá (ảnh chụp màn hình). |
Dù vậy, cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm, dẫn dắt thị trường. Giao dịch tại nhóm ngành này vô cùng sôi động: STB tăng trần và khớp lệnh khủng 73,84 triệu cổ phiếu; SHB khớp 44,3 triệu cổ phiếu; VPB khớp xấp xỉ 40 triệu cổ phiếu và LPB khớp 35,67 triệu cổ phiếu.
Từ sàn HSX, HNX đến UPCoM, không có một mã cổ phiếu ngân hàng nào giảm. Bên cạnh LPB và STB thì PGB, VBB, BVB cũng tăng trần, không hề còn dư bán, dư mua trần mức cao. NVB tăng 8,6%; ABB tăng 7,1%; KLB tăng 4,8%; MSB tăng 3,9%; OCB tăng 3,7%; MBB tăng 3,3%.
Cổ phiếu ngành ngân hàng tăng "chóng mặt". |
Tương tự, cổ phiếu ngành chứng khoán cũng "bung nóc" với loạt mã tăng trần bao gồm BVS tăng 9,7%; ART tăng 9%; CTS tăng 6,9%. Ngoài ra, AAS áp sát mức trần, tăng 12,1%; SBS tăng 7,3%; ORS tăng 6,6%; SSI tăng 5,6%; SHS tăng 4,5%; AGR tăng 3,9%...
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đang hưởng lợi lớn từ mức thanh khoản tỷ đôla mỗi phiên trên TTCK. |
Với thanh khoản thị trường chứng khoán đạt mức cao, trên 20.000 tỷ đồng mỗi phiên trong nhiều phiên trở lại đây, dự kiến, các công ty chứng khoán cũng như cổ phiếu nhóm doanh nghiệp này vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi.
Cổ phiếu dòng penny, midcap không còn bị bỏ rơi và lạc lõng trong xu hướng chung của thị trường. VNMID-Index tăng 25,01 điểm tương ứng 1,61%; VNSML-Index tăng 13,3 điểm tương ứng 1,02%.
Đáng chú ý, nếu như cổ phiếu "họ" FLC trong những phiên trước bị bán kịch liệt thì đến hôm nay ồ ạt tăng trần. FLC, ROS, KLF, ART cùng khoác sắc tím, HAI tăng 6,5%; AMD tăng 6,5%. Dư mua trần tại FLC cuối phiên lên tới 11,8 triệu đơn vị.
Như vậy, có thể thấy triển vọng đi lên của thị trường đang mở rộng nhờ tâm lý vững của nhà đầu tư, sự hỗ trợ của dòng tiền mạnh.
"Một khi thị trường phá đỉnh thì rất khó để đoán đỉnh mới. Do đó, tôi nghĩ nhà đầu tư hãy tận hưởng con sóng thị trường đi lên và tin tưởng VN-Index sẽ chinh phục được đỉnh cao mới, 1.400 điểm hay thậm chí là 1.500 điểm, 1.800 điểm trong một tương lai không xa" - anh Nguyễn Quang Huy, một nhà đầu tư ở Hà Nội đã tham gia thị trường suốt 15 năm qua chia sẻ.
Theo Dân trí
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá vàng hôm nay (24/10): Thị trường thế giới giảm trước áp lực chốt lời