Thương hiệu quốc gia 2020: Không còn cảnh “so bó đũa, chọn cột cờ”
Chặt chẽ và minh bạch
Trong quá trình hội nhập, Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG).
PSA - là doanh nghiệp dịch vụ 4 lần liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia. |
Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển THQG thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7. Việc thực hiện xét chọn được tiến hành khoa học, chặt chẽ, nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ theo quy trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay từ đầu năm 2020, Ban Thư ký Chương trình THQG đã khẩn trương tổ chức công tác truyền thông nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp tiếp cận thông tin về chương trình như: Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông số (báo điện tử, mạng xã hội…), qua tin nhắn điện thoại; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho chương trình và các sản phẩm đạt THQG trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế và tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực.
Sau khi rà soát các hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm đạt THQG năm 2020 theo các tiêu chí đăng ký được quy định tại Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22/11/2019 của Bộ Công Thương quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam, các hồ sơ đủ điều kiện và đã được chuyển tới các thành viên của Ban Chuyên gia - là các chuyên gia hàng đầu của các lĩnh vực để tiến hành thẩm định hồ sơ. Đồng thời, tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp này được tiến hành kiểm tra thông qua các cơ quan chức năng như Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Trung tâm Thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước).
Ban thư ký đã thành lập các đoàn công tác tiến hành thẩm định thực tế tại các doanh nghiệp và tổng hợp kết quả đánh giá, ý kiến từ phía các cơ quan chức năng cùng với kết quả giải trình của các doanh nghiệp để báo cáo và xin ý kiến các thành viên Hội đồng THQG. Hội đồng THQG bao gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Vì vậy, có thể thấy rằng quy trình xét chọn sản phẩm đạt THQG năm nay được tiến hành rất chặt chẽ và minh bạch và không chịu ý kiến chủ quan của bất cứ đơn vị nào.
Trải qua hơn 9 tháng thực hiện, ngày 29/9/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam đã thay mặt Hội đồng THQG ban hành Quyết định số 2534/QĐ-BCT công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020.
Nâng cao cả chất và lượng
Trong kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020, so với 6 kỳ xét chọn trước đó, kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam lần thứ 7 có một số điểm mới rất đáng chú ý.
Thương hiệu quốc gia năm nay xuất hiện một số doanh nghiệp và sản phẩm lĩnh vực thương mại điện tử. |
Trước tiên, kỳ xét chọn THQG lần thứ 7 năm 2020 cũng là năm đầu tiên Bộ Công Thương triển khai việc xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam theo thang điểm đánh giá là 1.000. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt THQG Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí (Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong) đạt từ 60% trở lên trên tổng điểm mỗi tiêu chí.
Một kết quả hết sức tích cực trong kỳ xét chọn năm nay là số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình. 124 doanh nghiệp được lựa chọn, thẩm định kỹ lưỡng từ hơn 1.000 doanh nghiệp quan tâm tham gia, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí, tiêu biểu đại diện cho THQG Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG liên tục tăng qua các thời kỳ, từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 97 doanh nghiệp năm 2018, đến năm nay số lượng đã tăng hơn 4 lần, lên tới 124 doanh nghiệp.
Các sản phẩm THQG năm 2020 rất đa dạng thuộc trên 15 ngành nghề khác nhau. Bên cạnh những thương hiệu hàng đầu liên tục đạt THQG trong nhiều năm liền như Vinamilk, TH Milk, Vietnam Airlines, Vietcombank, PVGAS…, chúng ta vui mừng đón nhận những thương hiệu có tên tuổi lần đầu tham gia và trở thành doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG như: VnPay, Mobifone, Cholimex, Dược Nam Hà, Richy, Pan… Không những vậy, có một số tập đoàn và các công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam - Gelex, Tập đoàn BRG.
Những sản phẩm, dịch vụ còn mới mẻ như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm… của các doanh nghiệp tham gia năm nay đã làm nên sự đa dạng cho chương trình, chứng tỏ hơn nhận thức của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực về tầm quan trọng của thương hiệu đã được nâng cao.
Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kỳ xét chọn THQG năm nay cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trên thị trường quan tâm và tham gia, tuy nhiên chưa đáp ứng một số tiêu chí đã được quy định nên chưa được công nhận đạt THQG.
Với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG, Bộ Công Thương hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tham gia và đáp ứng các tiêu chí của chương trình. Hy vọng đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG, khẳng định Việt Nam có hàng hóa và dịch vụ chất lượng và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Thành Công
-
Tin tức kinh tế ngày 16/4: Báo động nợ xấu tại các công ty tài chính
-
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhìn từ góc độ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics
-
Gạo Hapro Đồng Tháp - Tự hào thương hiệu quốc gia
-
Brand Finance: Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đạt hơn 431 tỉ USD
-
Định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh
-
Giá vàng hôm nay (17/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Hà Nội đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chủ lực