Thuế cho báo chí phải bằng...0!
Ngày 2/12, Hội Nhà báo Việt Nam và Viện Kas của Đức đã tổ chức hội thảo cấp quốc gia về “Nâng cao năng lực và kỹ năng đội ngũ nhà báo viết về kinh tế”. Bên cạnh những lãnh đạo các tờ báo chuyên về kinh tế và các phóng viên kinh tế thì sự có mặt của các nhà báo lão thành Hữu Thọ, Phan Quang, Đào Nguyên Cát… đã làm cho Hội thảo thêm sôi động và có chiều sâu.
Trong lời đề dẫn, nhà báo Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém mà những người viết báo kinh tế hay mắc phải, thậm chí viết về kinh tế mà không hiểu biết gì về lĩnh vực mình viết, từ đó dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay, nhà báo đang gánh trọng trách lớn lao đó là cập nhật những thông tin về kinh tế, phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế và giúp mọi người có quyết định thông minh trước khi bỏ tiền ra làm việc gì đó. Vì vậy, Hội thảo là cơ hội để các nhà báo kinh tế xác định rõ vai trò trách nhiệm của mình trước nhân dân.
Hội thảo đã thực sự sôi động khi nghe tham luận của lãnh đạo của một số tờ báo chuyên về kinh tế. Không né tránh, các nhà báo đã thẳng thắn vạch ra những “tội” của không ít phóng viên viết về kinh tế, đó là: thiếu kiến thức kinh tế chuyên ngành; lấy tài liệu theo kiểu “nghe một tai”; viết bạt mạng, viết theo kiểu nói lấy được, cao giọng phán xử và bên cạnh đó là việc nhà báo vòi vĩnh doanh nghiệp, viết xong rồi “chìa hợp đồng xin quảng cáo”, thậm chí lợi dụng vụ việc tiêu cực của doanh nghiệp để tống tiền. Không ít lãnh đạo các doanh nghiệp đã phải nổi nóng với báo chí bởi thông tin sai nhưng lại không đính chính nghiêm túc hoặc gọi điện đến hoạnh họe, mượn danh quan chức cao cấp để hù doạn… Chính vì vậy mà báo chí ngày càng bị doanh nghiệp xa lánh, niềm tin của những doanh nhân, những nhà quản lý vào báo chí ngày càng giảm sút. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng trên? Đó quả là vấn đề rất nan giải.
Cũng có một sự thực là hiện nay, rất nhiều tờ báo đang “dở sống, dở chết” bởi sự suy thoái của báo giấy. Hầu hết các tờ báo hiện nay không thể sống được bằng số lượng phát hành của mình mà phải dựa hoàn toàn vào nguồn quảng cáo, bảo trợ thông tin và đi “viết thuê” cho các doanh nghiệp. Nhiều tờ báo phải bươn chải kiếm tiền bằng đủ mọi cách. Đây thực sự là bi kịch của nhiều tờ báo hiện nay. Tất nhiên, thực trạng này không chỉ Việt Nam mới có, mà trên thế giới cũng vậy. Những tờ báo kinh tế muốn sống được là phải do các tập đoàn kinh tế lớn đỡ đầu. Còn nếu không có “mẹ nuôi” thì không ai có thể nói mạnh được nếu như không có tiền.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, trong tham luận của mình với tiêu đề “Làm gì để nâng cao năng lực đội ngũ nhà báo viết về kinh tế”, sau khi nêu ra đến 6 việc cần làm thì đã phải kiến nghị rằng, Bộ Tài chính phải cho báo chí được hưởng thuế suất ưu đãi, chứ với mức 25% như hiện nay là không được. Tại Hội nghị Tổng kết báo chí năm 2010, đồng chí Trương Tấn Sang, khi đó là Thường trực Ban Bí thư, đã bày tỏ quan điểm cho rằng, báo chí là vũ khí của Đảng trên mặt trận tư tưởng, nên cần được áp dụng chính sách thuế ưu đãi. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có gì “nhúc nhích”.
Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế, năm nay đã 85 tuổi, xứng đáng được đưa vào kỷ lục thế giới về nhà lãnh đạo cơ quan báo chí cao tuổi nhất nói thẳng băng về thực trạng báo của mình. Hóa ra một tờ báo kinh tế hàng đầu Việt Nam với một tờ báo chính ra hàng ngày và 6 ấn phẩm phụ lại phải kiếm tiền nuôi nhau bằng cách cho thuê nhà, cho thuê bãi đỗ xe ôtô… Không có tiền nuôi nhau thì phóng viên sẽ đi viết đâm thuê chém mướn, viết thuê theo đặt hàng của doanh nghiệp và nếu như vậy thì… sai là cái chắc. Đói thì đầu gối phải bò, chuyện ấy là đương nhiên. Ông nêu quan điểm là muốn làm báo kinh tế thì phải có… tiền! Không có tiềm lực tài chính, đừng nói đến chuyện làm báo kinh tế cho tử tế. Theo cụ Cát, muốn viết hay viết đúng về kinh tế thì phải học kinh tế, phải có kiến thức chuyên ngành. Viết về kinh tế là viết về khoa học, mà khoa học là sự chính xác. Kinh tế luôn luôn gắn với chính trị, với văn hóa, với xã hội và hình thành ý thức hệ con người, cho nên phóng viên viết về kinh tế phải ý thức được sứ mệnh của mình.
Cụ Cát phản ứng gay gắt về việc cơ quan thuế hiện nay đang “tận thu” thuế của các cơ quan báo chí, với thuế xuất “kịch trần” là 25%. Theo cụ Cát, trước đây, cũng đã có quy định về thu thuế doanh nghiệp với báo chí, nhưng sau đó, chính phủ quyết định các cơ quan báo chí được giữ lại và tái đầu tư cho báo. Nhưng mấy năm gần đây, cơ quan thuế đã “thu sạch” và coi báo chí như một doanh nghiệp… đi buôn, mà không chú ý đến tính đặc thù của báo chí. Một điều nữa gây bức xúc đó là cơ quan báo chí thì không được nhà nước đầu tư, nhưng cơ quan kiểm toán thì “hành” báo chí bằng đủ thứ quy định tài chính, kế toán cho doanh nghiệp, thậm chí dò xét cả từng đồng nhuận bút. Cụ Cát đề nghị lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam phải có kiến nghị với các cơ quan chức năng giảm thuế cho báo chí. Trong khi Đảng, Nhà nước coi báo chí là công cụ tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, vậy mà “tận thu” thuê kiểu này là không được.
Phó chủ tịch Hội Nhà báo Hà Minh Huệ thở dài: “Kiến nghị rồi, mà không phải một lần, nhưng có ai ngó ngàng đến đâu”.
Sau phát biểu của cụ Cát, các đại biểu tiếp theo cũng bày tỏ nỗi bức xúc về việc chính sách thuế hiện nay đối với báo chí. Các tham luận còn đề cập nhiều đến những cạm bẫy mà các phóng viên viết kinh tế hay mắc phải, đó là vì đồng tiền mà bị doanh nghiệp lừa, cho ăn thông tin giả. Một vấn đề nữa mà theo các đại biểu là cũng rất không bình thường, đó là việc các doanh nghiệp, các cơ quan công quyền tránh né báo chí, không cũng cấp thông tin và sử dụng bừa bãi cái gọi là “tài liệu mật”. Thực trạng này là có thật và cũng là do doanh nghiệp không có người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, cho nên cách “tốt nhất” là “tránh báo chẳng xấu mặt nào”.
Sau một ngày, Hội thảo đã khép lại và các nhà báo kinh tế chỉ mong sao cơ quan thuế lại cho báo chí thực hiện theo chính sách cũ, ấy là tiền thuế giao lại cho báo để tái đầu tư, như ngày xưa.
Ôi, bao giờ “cho đến… ngày xưa”!
{lang: 'vi'}Nguyễn Như Phong
-
[PetroTimesTV] Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Hội thảo phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đảo và khu vực ven biển
-
Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học
-
Báo chí hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp