Thực hư về sai phạm hàng trăm tỷ đồng tại PV Oil Mekong
Quýt làm cam chịu tiếng
Cuối tháng 1/2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố, bắt giam Nguyễn Tuấn Kiệt - Giám đốc Chi nhánh Kiên Giang trực thuộc PV PV Oil Mekong cùng Kế toán trưởng Nguyễn Đức Minh và Trưởng kho Đỗ Trung Trực. Ba người này bị bắt liên quan trực tiếp đến việc vi phạm quy chế quản lý tài chính của Công ty, làm thất thoát số tiền lên tới gần 9,8 tỷ đồng. Giám đốc Kiệt và Minh từng tổ chức kinh doanh (mua/bán xăng dầu) ngoài nguồn cung cấp của Công ty nhằm kiếm thêm thu nhập cho một số cá nhân, trong đó có bản thân ông.
Theo lời khai của Kế toán Chi nhánh Nguyễn Đức Minh, trong thời gian ông Kiệt làm Giám đốc, tại Chi nhánh cùng lúc đã tồn tại nhiều khoản thu từ các nguồn: lãi do kinh doanh ngoài, lãi từ các sổ tiết kiệm, chênh lệch do bớt - giảm thù lao khách hàng có mua hàng của Công ty. Với tổng các khoản thu sau khi trích 15 - 20 triệu đồng/tháng cho hoạt động chung của tập thể, phần còn lại, Giám đốc Kiệt được chia 50%, hai thuộc cấp Minh và Trực đều được 25%.
Ngoài ra, số tiền lên tới 392 tỷ đồng được cho là sai phạm liên quan đến các cá nhân trên cũng đang thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội. Và khi các cơ quan chức năng còn đang tiến hành điều tra làm rõ, một số tờ báo đã máy móc quy kết đó là số tiền sai phạm và ngụ ý có liên quan đến trách nhiệm quản lý của PV Oil Mekong.
Xung quanh những vấn đề trên, theo điều tra của phóng viên thì, sau khi phát hiện sai phạm của 3 cán bộ chi nhánh Kiên Giang, PV Oil MeKong đã nhiều lần yêu cầu khắc phục nhưng cả ba ông này đều né tránh, thể hiện thái độ xem thường pháp luật. Chính vì thế, cuối tháng 7/2012, chính lãnh đạo PV Oil MeKong đã có văn bản đề nghị PC46 Công an Kiên Giang vào cuộc.
Đáng lưu ý, sau khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm tại chi nhánh Kiên Giang, PV Oil MeKong đã cho thành lập một tổ công tác riêng để kiểm tra và đã phát hiện Kế toán trưởng Nguyễn Đức Minh đứng tên trên các sổ tiết kiệm (không kỳ hạn và có kỳ hạn) và thực hiện giao dịch tại một số Ngân hàng. Tổng số tiền gửi vào lên trên 392 tỷ đồng.
PV Oil Mekong hiện tập trung chức năng kinh doanh xăng dầu nội địa tại các địa bàn thuộc khu vực ĐBSCL
Như vậy, có thể thấy trong vụ việc này, chính lãnh đạo PV Oil Mekong là người chủ động kiểm tra phát hiện các sai phạm của 3 cán bộ chi nhánh Kiên Giang để cung cấp cho Cơ quan CSĐT. Số tiền 392 tỷ đồng là tổng cộng các lần gửi vào và rút ra của các cá nhân này tại ngân hàng, không thể gọi là tiền thất thoát hoặc PV Oil Mekong có sai phạm.
Hiện Công an tỉnh Kiên Giang đang tích cực điều tra làm rõ nguồn gốc số tiền này và chưa có kết luận chính thức.
Vướng mắc chủ trương
Chưa hết những sự “hiểu nhầm” từ những sai phạm chỉ mang tính chất cá nhân tại chi nhánh Kiên Giang, các tờ báo cũng trích dẫn nguồn thông tin không chính thống và kết luận mơ hồ việc PV Oil Mekong có sai phạm trong lĩnh vực thuế. Một tờ báo trích dẫn sự việc ngày 22/1/2013, Chi cục kiểm tra sau thông quan - Cục Hải quan TP Cần Thơ đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với DN này với nội dung vi phạm: Công ty khai báo chưa chính xác các thông tin liên quan đến hàng hoá nhập khẩu thuộc 11 tờ khai nhập khẩu (dẫn đến việc xác định giá tính thuế và số thuế phải nộp sai) và kê khai tạm nhập tái xuất xăng dầu không chính xác số lượng giữa nhập và xuất. Từ những phát hiện này, số tiền phạt vi phạm hành chính và thuế VAT PV Oil MeKong phải nộp thêm được xác định hơn 67 tỷ đồng!
Thực chất, với chức năng là đầu mối kinh doanh xăng dầu: Từ năm 2007 đến tháng 9/2008, doanh nghiệp này đã thực hiện kê khai 12 tờ khai tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ, kinh doanh nội địa. Về nguyên tắc công ty phải nộp khoản thuế GTGT đầu vào hàng nhập khẩu cho Cục Hải quan TP Cần Thơ và chênh lệch thuế GTGT cho Cục thuế Cần Thơ.
Tuy nhiên, trong thời gian này công ty đã kê khai toàn bộ thuế GTGT đầu ra hàng tiêu thụ nội địa cho Cục Thuế TP Cần Thơ (không phải là phần chênh lệch). Ngày 4/11/2008, PV Oil Mekong đã có công văn gửi Cục Hải quan TP Cần Thơ về việc đề nghị Cục hải quan TP Cần Thơ cho phép không phải nộp thuế VAT đầu vào (do đã nộp toàn bộ khoản thuế đầu ra và không khấu trừ khoản thuế này).
Đến ngày 02/12/2008, công ty nhận được công văn của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cần Thơ đồng ý cho công ty thực hiện kê khai và nộp thuế GTGT của các tờ khai tạm nhập-tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa từ ngày 01/09/2008 trở về sau, số thuế của các tờ khai từ ngày 01/09/2008 trở về trước “sẽ được thực hiện khi có điều kiện thuận lợi”.
Ngày 5/12/2012 Hải quan Cần Thơ tiến hành kiểm tra và yêu cầu công ty phải nộp khoản thuế này cho Cục Hải quan Cần Thơ theo Quyết định số 409/QĐ ngày 26/12/2012 và đề nghị công ty làm việc với Cục Thuế Cần Thơ để xin hoàn lại số thuế VAT đầu ra (đã nộp thừa như đã trình bày phần trên). Công ty PV Oil Mekong đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan cấn trừ hai loại thuế đã nộp thừa cho Cục Thuế Cần Thơ với khoản thuế chưa nộp cho Hải quan Cần Thơ.
Trong thời gian chờ ý kiến PV Oil Mekong đã tạm nộp khoản thuế trên cho Hải quan Cần Thơ.
Như vậy, có thể thấy rõ số tiền 67 tỷ đồng là khoản thuế mà phía PV Oil Mekong đã nộp dư cho Cục Thuế Cần Thơ và mong muốn cấn trừ với khoản chưa nộp cho Hải quan Cần Thơ. Trong khi chờ chủ trương, doanh nghiệp này cũng đã tạm nộp số tiền trên cho Hải quan Cần Thơ và không có chuyện nợ thuế như một số báo thông tin.
Tương tự là thông tin khác trên mặt báo: Công ty kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) liên quan đến nguyên liệu chế biến xăng dầu với Cục Thuế TP Cần Thơ cũng chưa đầy đủ nên mới đây, bị yêu cầu nộp thêm 57 tỷ đồng.
Về việc này, lãnh đạo PV Oil Mekong cho biết: Công ty có hoạt động pha chế xăng dầu nên khi bán ra Công ty đã kê khai và nộp thuế TTĐB cho các mặt hàng pha chế theo đúng quy định và được khấu trừ số thuế TTĐB đầu vào của nguyên liệu đem đi pha chế.
Theo đó người nộp thuế là tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng nộp thuế TTĐB. Theo thông tư của Bộ Tài chính, đây là mặt hàng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất là 10% và nhà sản xuất phải nộp khi bán ra.
Tuy nhiên, theo kiểm tra, xác nhận của Cục Thuế Cần Thơ, do đơn vị sản xuất chưa kê khai và nộp thuế TTĐB ở khâu bán ra nên PV Oil Mekong – với chức năng là đơn vị pha chế, mua nguồn hàng từ nhà sản xuất - chưa đủ điều kiện khấu trừ số thuế TTĐB của nguyên liệu đầu vào. Do vậy cơ quan thuế đã yêu cầu công ty phải nộp lại số thuế TTĐB đã khấu trừ trong giai đoạn 2008-2009 là 58.895.548.307 đồng. Sau khi có Quyết định của Cục Thuế TP Cần Thơ, Công ty đã xin ý kiến của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế về việc khấu trừ thuế TTĐB trên.
Để giải quyết vấn đề này, Công ty đã được Tổng cục Thuế mời họp trực tuyến cùng với Cục Thuế Cần Thơ nhưng cuộc họp đến nay chưa có kết luận chính thức. Trong khi chờ kết luận cuối cùng của Bộ Tài chính, Công ty đã tạm nộp vào ngân sách Nhà nước số thuế TTĐB là 50 tỷ đồng và Cục Thuế đã thu hồi gần 18 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT của Công ty. Trong trường hợp người bán phải nộp khoản thuế trên thì Công ty được hoàn lại khoản thuế tạm nộp này.
Như vậy, trong khi chờ kết luận cuối cùng của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, PV Oil Mekong đã chấp hành nghiêm túc các quyết định xử lý thuế và đã tạm nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thuế TTĐB là 50 tỷ đồng, thuế GTGT là 67 tỷ đồng và đang làm thủ tục để được hoàn lại khoản thuế 67 tỷ đã nộp thừa cho Cục Thuế Cần Thơ. Không có chuyện doanh nghiệp này gian lận hoặc nợ thuế.
Thùy Trang