Thủ tướng: Chậm nhất 15/8 phải hoàn thành hướng dẫn chính sách đặc thù cho TP HCM
Thúc đẩy TP HCM phát triển nhanh, bền vững, tự tin vững bước đi lên |
“Đòn bẩy” để TP HCM đột phá |
Tầm nhìn đến năm 2045 TP HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với TP HCM. |
Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP HCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP HCM, các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh.
44 cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM
Tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã giao: "Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP HCM. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Thành phố để hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố trình Quốc hội".
Ngày 19/4/2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 125/TTr-CP trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV (ngày 24/6/2023), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2023.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các cơ quan Trung ương đã quan tâm toàn diện, sâu sát, kịp thời với TP HCM. |
Nghị quyết này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của đại biểu Quốc hội, kết quả biểu quyết thông qua đạt tỉ lệ 97,3%. Nghị quyết quy định 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội và 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TPHCM được áp dụng. Có thể nói, đây là Nghị quyết quy định số lượng cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay được Quốc hội thông qua.
Tại Nghị quyết, Quốc hội đã giao Chính phủ 4 nhiệm vụ.
Thứ nhất, ban hành Nghị định quy định chi tiết với 3 nội dung: (i) quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT; (ii) miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố; (iii) việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường.
Thứ hai, tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết vào năm 2026, tổng kết vào năm 2028.
Thứ ba, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Thành phố cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố.
Thứ tư, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển Thành phố. Mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND Thành phố so với các quy định hiện hành.
Nghị quyết giao Thủ tướng Chính phủ 1 nhiệm vụ: Ban hành quy định phân cấp, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP HCM đã chủ động, tích cực triển khai, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội.
Cũng theo Nghị quyết, các bộ, ngành liên quan có 3 nhiệm vụ, HĐND TP HCM có 14 nhiệm vụ, UBND TP HCM có 6 nhiệm vụ.
Cán bộ là yếu tố quyết định
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo về đề xuất phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi báo cáo về công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các cơ quan Trung ương đã quan tâm toàn diện, sâu sát, kịp thời với TP HCM. Trong đó, quan điểm tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách vượt trội, có tính đột phá bằng cơ chế thí điểm với TP HCM là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với TP HCM là rất kịp thời và ngày mai, Thành ủy TP HCM sẽ tiếp tục có cuộc họp để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. UBND, HĐND TP HCM cũng sẽ kịp thời ban hành các văn bản theo thẩm quyền.
Bí thư TP HCM cho rằng, tổ chức thực hiện Nghị quyết là công việc có nhiều khó khăn, thách thức và trong quá trình đó, yếu tố quyết định là cán bộ, con người, các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ và TP HCM sẽ làm hết sức mình để đạt kết quả tốt nhất có thể.
Có kế thừa, phát triển và có đột phá
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần xác định việc triển khai Nghị quyết không chỉ riêng cho TP HCM, nếu thực hiện thành công thì cả nước cùng được hưởng, nên đây là nhiệm vụ chung, cả nước phải cùng chung tay với TP HCM, mỗi người, mỗi cơ quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần thực hiện tốt các công việc được giao theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "cả nước vì TP HCM, TP HCM vì cả nước".
Thủ tướng nhắc lại, cách đây hơn 40 năm, để thúc đẩy phát triển TP HCM, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 14/4/1982; đến ngày 18/11/2002, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 20-NQ/TW thay thế để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp đến là Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012. Sau 10 năm, triển khai tổng kết Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, chúng ta triển khai công việc này theo tinh thần có kế thừa, phát triển và có đột phá.
Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP HCM, các Bộ, ngành liên quan đã tích cực, triển khai nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, nghiêm túc để xây dựng, tổng hợp, tiếp thu và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV đúng thời hạn.
Để triển khai đầy đủ, hiệu quả Nghị quyết, bên cạnh các điều, khoản quy định cụ thể, áp dụng trực tiếp được ngay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan cần ban hành quy định chi tiết để triển khai. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan và TP HCM đã khẩn trương rà soát, xác định nhiệm vụ để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhiệm vụ khác mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan và TP HCM cần khẩn trương thực hiện.
Hoàn thành các văn bản hướng dẫn chậm nhất là ngày 15/8
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc. |
Thủ tướng nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo trong triển khai Nghị quyết là phải chủ động, kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn, hành động quyết liệt và có sản phẩm cụ thể với hiệu quả cân đong đo đếm được, nhân dân được thụ hưởng thật.
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng nhất trí với ý kiến của TP HCM thành lập ngay Ban Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố làm Phó Trưởng Ban thường trực; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối. Thủ tướng yêu cầu ban hành ngay Kế hoạch hành động của Chính phủ, trong đó phân công nhiệm vụ rõ ràng, giao các Phó Thủ tướng phụ trách. Hai văn bản này phải ban hành ngay trong vài ngày tới.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và TP HCM rà soát những nội dung cần phải ban hành Nghị định thì tham mưu Chính phủ ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, đi đôi với phân công Bộ, ngành chủ trì và các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo.
Các Bộ, ngành cũng phải khẩn trương ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn trong thẩm quyền với thủ tục rút gọn. Các nhiệm vụ trên phấn đấu hoàn thành trong tháng này, chậm nhất là ngày 15/8.
Riêng nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với TP HCM tham mưu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để trình Thủ tướng ban hành ngay trong tháng 7 này.
Thủ tướng yêu cầu trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; nếu xuất hiện các khó khăn, vướng mắc thì tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn; đề nghị các cơ quan báo chí tập trung khuyến khích, cổ vũ, động viên, đồng hành cùng Chính phủ, TP HCM và các Bộ, ngành trong quá trình thực hiện, triển khai Nghị quyết.
Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm thực hiện bằng được và tin tưởng rằng sẽ thực hiện thành công các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Thanh Thùy
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
-
Bộ Trưởng Bộ Công Thương: Điện phải đi trước một bước
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi