Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thu nhập thấp không sinh ra tham nhũng

08:23 | 19/09/2011

936 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chống tham nhũng là cuộc chiến âm thầm, lâu dài và gian khổ. Không thể biện minh rằng, do thu nhập thấp mà không thể chống tham nhũng.

Tham nhũng đã và đang là một vấn nạn, là hiểm họa của đất nước ta. Là hiểm họa vì tham nhũng gây ra những hậu quả vô cùng lớn không chỉ là thất thoát tiền, tài sản, đất đai… mà nghiêm trọng hơn, nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nạn tham nhũng. Song, kết quả thu được hãy còn rất khiêm tốn, tham nhũng chưa được đẩy lùi mà lại ngày càng tinh vi hơn.

Trước tình trạng đó, có ý kiến cho rằng, do thu nhập của công chức, viên chức quá thấp cho nên tham nhũng là "căn bệnh kinh niên” khó có được một "phác đồ điều trị” nào hữu hiệu. Nhận định đó có đúng không?

Xin trả lời ngay rằng, nhận định đó không hoàn toàn đúng, tức là nó đúng ở một vài trường hợp và hoàn toàn sai ở nhiều trường hợp.

Trước hết, những công chức, viên chức ở các cơ quan công quyền, hưởng mức lương thấp theo thang lương, bảng lương của Nhà nước và không đủ sống nên phải tìm cách kiếm thêm thu nhập qua những "phong bì bồi dưỡng” của công dân, doanh nghiệp khi có việc liên quan là có thật. Chẳng hạn, nhân viên trong cơ quan thuế; văn phòng đăng ký nhà, đất; đăng ký ôtô, xe máy, cảnh sát giao thông, y sĩ, bác sĩ… nhận một phong bì "bồi dưỡng” mỗi lần 50.000đ, 100.000đ đến 200.000đ và từ đó, mỗi tháng cũng có thêm thu nhập 2.000.000-3.000.000đ. Đó cũng là tham nhũng nhưng là "tham nhũng lặt vặt”.

Tham nhũng lặt vặt là hiện tượng phổ biến hiện nay và người dân, các doanh nghiệp dường như đã chấp nhận nó giống như đồng bào ở Đồng bằng sông Cửu Long chấp nhận "sống chung với lũ” vậy. Tuy nhiên, cũng không thể coi thường những hành vi tham nhũng lặt vặt ấy, bởi lẽ, "tích tiểu thành đại”, số tiền mà công dân và cộng đồng doanh nghiệp bị mất oan trong cả nước cũng sẽ vô cùng lớn. Hơn nữa, nếu tham nhũng lặt vặt được cho qua thì kẻ tham nhũng sẽ thực hiện những hành vi tham nhũng lớn hơn. Đồng thời, nếu cho rằng, nâng lương cho công chức, viên chức lên gấp 2-3 lần hiện nay thì tham nhũng lặt vặt như đã nêu sẽ tự nó biến mất là sai lầm. Khi lương thấp, tham nhũng để đủ sống; khi lương cao, đã đủ sống thì tham nhũng để làm giàu và phải ngày càng giàu hơn. Đó là điều không có gì lạ.

Nhận định trên lại hoàn toàn không đúng với những vụ tham nhũng có giá trị lớn, có tổ chức, có "kịch bản” và "đạo diễn” rất bài bản. Chúng ta đã có rất nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử trong những năm qua. Đứng trước vành móng ngựa trong các phiên tòa ấy với tội danh tham ô tài sản Nhà nước đâu phải là những người có thu nhập thấp! Ông Huỳnh Ngọc Sĩ không phải là người thu nhập thấp. Tại phiên tòa phúc thẩm ông vẫn chối tội, nhưng đã nộp hàng tỉ tiền khắc phục hậu quả. Đó là những cán bộ có chức, có quyền, lương cao và các chế độ khác cũng không kém để đảm bảo có một cuộc sống sung túc. Thế nhưng, hành vi tham nhũng vẫn cứ xảy ra với một bộ phận (mà bộ phận này lại không ít) công chức, quan chức. Vì sao vậy? Vì lòng tham của những con người đó là vô hạn. Họ đã giàu rồi nhưng lại luôn luôn khao khát được giàu thêm. Hơn nữa, do cái ghế chức vụ và quyền lực ở nước ta tạo ra một khoản thu nhập cho người có nó cho nên để có chức, quyền, không ít trường hợp phải lo chạy chọt qua các cửa và phải chi phí không ít (điều đó lại cũng do tham nhũng mà có). Đó là một khoản đầu tư và khi đã có chức, có quyền, người đã "đầu tư” phải tìm cách thu hồi "vốn đầu tư”. Đó lại là nguyên nhân quan trọng của tham nhũng.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, thu nhập thấp không phải là nguyên nhân chính của nạn tham nhũng. Bởi lẽ, những người có thu nhập thấp trong xã hội ta hiện nay rất nhiều nhưng đâu phải cứ có thu nhập thấp là… tham nhũng. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không quan tâm gì đến thu nhập, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Chúng ta không thể hô hào bất cứ ai cống hiến cho thật nhiều khi họ không đủ ăn, không đủ mặc và không có thu nhập để trang trải những nhu cầu trung bình xã hội về tinh thần. Vì vậy, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức cũng là một trong những nhân tố để đấu tranh chống tham nhũng. Song, đó chỉ là một trong những nhân tố và nhân tố này sẽ triệt tiêu tác dụng nếu không có những cơ chế, biện pháp khác được thực hiện đồng thời. Những cơ chế, biện pháp khác có rất nhiều, song quan trọng nhất là sự công khai, minh bạch trong quản lý và điều hành nền kinh tế quốc dân. Bọn tham nhũng rất sợ sự công khai, minh bạch. Chẳng hạn, rất cần có quy định công khai, minh bạch về thu nhập của công chức, quan chức. Đã từ lâu, nhân dân đặt ra câu hỏi, vì sao một công chức bình thường, một cảnh sát giao thông với quân hàm cấp úy…, mức lương rất khiêm tốn nhưng lại dễ dàng mua sắm nhà lầu, xe hơi đắt tiền hoặc chu cấp cho con đi du học nước ngoài? Câu hỏi đó vẫn chưa có ai trả lời.

Bên cạnh sự công khai, minh bạch, cũng cần áp dụng những biện pháp tạo ra sự gắn bó mật thiết giữa thu nhập của công chức, viên chức, quan chức với sự liêm khiết, nghiêm túc của họ trong khi thi hành công vụ. Chẳng hạn, trong các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hiện nay, những viên chức quản lý gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiểm soát viên chuyên trách, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng hàng tháng chỉ được tạm ứng 70% mức lương theo quy định, số còn lại sẽ được thanh toán vào cuối năm nếu hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật. Tại sao chúng ta không áp dụng biện pháp đó đối với các công chức, viên chức và quan chức trong bộ máy công quyền? Được biết Singapore đã áp dụng biện pháp đó và đó là một trong những nhân tố tạo nên một chính phủ trong sạch đứng ở hàng thứ hai trên thế giới hiện nay.

Chống tham nhũng là cuộc chiến âm thầm, lâu dài và gian khổ. Không thể biện minh rằng, do thu nhập thấp mà không thể chống tham nhũng.

V.X.T

{lang: 'vi'}