Thi công - Quyết toán công trình xây dựng gặp nhiều rào cản (Bài 2)
Trong suốt quý III/2021, các địa phương không thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, hầu hết các công trình xây dựng vẫn đang triển khai thi công và tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và địa phương (Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định…). Nhưng việc thực hiện thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giữa các địa phương (và ngay trong cùng một địa phương) không thống nhất với quy định (như về các loại hàng hóa được lưu thông, các công trình được tiếp tục thi công nếu tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch…).
Hàng chục bệnh viện dã chiến được xây dựng trong tình trạng khẩn cấp vẫn chưa hoàn thành quyết toán. |
Ngoại trừ thành phố Đà Nẵng thì hầu hết các địa phương không quy định riêng về điều kiện để các công trình được phép tiếp tục thi công ở các địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg. Riêng các địa phương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, từ cuối tháng 6/2021 đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên các hoạt động thi công xây dựng đang gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, đa số các địa phương đều ban hành các văn bản dừng thi công, đặc biệt việc thực hiện giãn cách xã hội, ngừng thi công kéo dài tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội và công tác giải ngân vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh vốn đầu tư. Đặc biệt, kế hoạch đầu tư cho từng dự án để bảo đảm thực hiện chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng yếu phục vụ phát triển kinh tế (như đường bộ cáo tốc, sân bay Long Thành…) đang đặt ra nhiều thách thức.
Chưa hết, sau một thời gian ngừng thi công, một số địa phương cho phép tiếp tục thi công một số công trình trọng điểm, cấp bách nhưng không có quy định riêng về điều kiện hoặc nguyên tắc xác định các công trình được phép tiếp tục thi công. Trong đó, một số công trình xây dựng do các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành đầu tư xây dựng tại các địa phương phục vụ mục đích chống lũ trong mùa mưa bão đang gặp khó khăn, đình trệ. Việc cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng cũng đang bị gián đoạn. Tại một số tỉnh, thành phố có số ca nhiễm lớn, việc cung ứng vật liệu xây dựng, thiết bị không phải là các dịch vụ thiết yếu không thể vận chuyển đến công trường.
Đặc biệt, vấn đề thiếu nhân lực phục vụ thi công xây dựng công trình là các chuyên gia nước ngoài do yêu cầu về cách ly, hạn chế di chuyển. Bên cạnh đó, đặc thù của ngành Xây dựng là nơi làm việc không cố định, công nhân xây dựng được huy động từ nhiều địa phương khác nhau. Vì vậy, một số lượng lớn công nhân do tình hình dịch bệnh đã di chuyển về quê, nhất là lao động tự do, nên không đủ nguồn nhân lực cho công trường. Trong đó, việc huy động nhân công để tiếp tục thi công sẽ mất nhiều thời gian, chi phí gây độ trễ mất tiến độ dự án. Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại một số công trình được phép thi công cũng rất cao, khó kiểm soát do số lượng lớn nhân công xây dựng đa phần là lao động thời vụ.
Các công trình trọng điểm quốc gia đều thiếu công nhân, chuyên gia quốc tế. |
Trong thời gian qua, chi phí đầu tư xây dựng đang tăng cao do khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công, cũng như những chi phí phát sinh khác (như việc dừng thi công xây dựng làm phát sinh chi phí; bổ sung các chi phí cho công tác phòng, chống dịch…). Cộng với việc thời gian thi công xây dựng công trình kéo dài, ảnh hướng đến tiến độ và hiệu quả của dự án. Bởi vậy, đối với các hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, việc không được điều chỉnh do biến động giá tăng/giảm hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh sẽ dẫn đến việc càng làm càng thua lỗ. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị, máy thi công, nhân công xây dựng làm chi phí đầu vào tăng cao, năng suất lao động trên công trường giảm nghiêm trọng dẫn đến chi phí thi công thực tế vượt xa hạn mức dự tính tại thời điểm đấu thầu, ký kết hợp đồng.
Đối với việc xây dựng bệnh viện dã chiến theo lệnh khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công còn vướng mắc liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án khẩn cấp chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện. Trong đó, thủ tục lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng và Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm giao tổ chức cá nhân thực hiện. Những tác động trên đã ảnh hưởng trực tiếp và có tác động lớn đến thực hiện các cam kết trong hợp đồng giữa các chủ thể, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng sử dụng các nguồn vốn nhà nước như: phá vỡ tiến độ thực hiện hợp đồng; phát sinh nhiều chi phí và chi phí để thực hiện hợp đồng tăng cao.
Có thể thấy rằng, hoạt động xây dựng triển khai trong tình trạng khẩn cấp như chống dịch Covid-19 đã và đang để lại nhiều vấn đề khá hóc búa đối với cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Để xử lý các khó khăn nêu trên cần có sự vào quốc quyết liệt, có tính xây dựng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cùng sẻ chia khó khăn, hướng đến tương lai.
P.V
-
Tin tức kinh tế ngày 17/11: Tỷ giá dự báo còn "căng thẳng" đến cuối năm
-
Tin tức kinh tế ngày 16/11: Thu ngân sách gần “về đích”
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11