Thay đổi thể chế - Thực sự đột phá
PV: Thưa ông, làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 đã trở lại, nền kinh tế ở nước ta được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề. Đánh giá của ông về những dự báo này như thế nào?
TS Nguyễn Đình Cung |
TS Nguyễn Đình Cung: Mọi dự báo chỉ là dự báo và cho đến nay có 3 từ người ta hay sử dụng là: Bất ổn, bất định, bất an. Mọi người đều kỳ vọng những tháng tới sẽ tốt lên, nhưng dự báo tiếp tục xấu đi và liên tục thay đổi. Ở Việt Nam, chúng ta đang lạc quan tương đối sau khi kiểm soát được đợt dịch lần thứ nhất và kỳ vọng hoạt động kinh tế trong nước phục hồi, đặc biệt những ngành chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất là hàng không, du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn, bán buôn, bán lẻ... Nhưng với tình hình dịch bệnh quay trở lại như hiện nay thì chắc chắn tăng trưởng sẽ thấp, thậm chí thấp kỷ lục trong 35 năm đổi mới gần đây.
PV: Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế. Theo ông, điều này có dễ dàng?
TS Nguyễn Đình Cung: Trong ngắn hạn, khi cầu giảm sút thì phải duy trì hoặc thúc đẩy tăng cầu. Về trung hạn và dài hạn, phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn, không áp dụng “làm theo quy định, tiến theo quy trình” mà những gì pháp luật không cấm thì được làm, không chỉ tự do làm gì mà làm thế nào cũng được tự do. Mở rộng như vậy thì những ngành nghề mới, mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện, phát triển.
Chúng ta đã thúc đẩy mãi mà vẫn trì trệ, bởi tư duy hiện nay là sợ rủi ro, sợ sai nên không ai muốn quyết định, không muốn triển khai. Cho nên, cần một thay đổi thực sự đột phá về thể chế. Đơn cử, Quốc hội không cần phân bổ vốn cho từng ngành, từng địa phương mà chỉ giám sát hiệu quả sử dụng vốn, việc phân bổ vốn là Chính phủ tự quyết định. Hoặc, giao nhiều quyền hơn cho bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư, tránh “quyết định chồng quyết định, thủ tục chồng thủ tục”, muốn làm 1 dự án phải qua 4-5 vòng thủ tục...
Tôi nghĩ rằng, phải có một thể chế bảo vệ sứ mệnh chính trị của những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì mục đích chung. Khi người ta làm một cái gì đó thì lấy kết quả, hiệu quả tổng thể làm thước đo đánh giá chứ không phải lấy quy trình làm thước đo. Ví dụ, trong 10 dự án họ quyết, có thể sai 1 dự án, nhưng 9 dự án thành công thì hãy nhìn kết quả tổng thể, đừng nhìn 1 dự án thất bại mà vội đánh giá, kiểm điểm... Có như vậy mới tạo ra niềm tin, độ an toàn cho những cán bộ lãnh đạo thực sự tâm huyết, thực sự trăn trở về sự phát triển của quốc gia, địa phương, dám năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám tìm ra cách làm mới, phương án tốt nhất, hiệu quả nhất để phát triển.
PV: Thế nào là thể chế cần một thay đổi thực sự đột phá, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Cải cách thể chế là một trụ cột trong cải cách, chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Hiện nay, chúng ta chọn đột phá thể chế, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Điều đó không sai, tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại thời điểm hiện nay có thể không phải là thể chế mang tính trụ cột của nền kinh tế thị trường. Chuyển sang nền kinh tế thị trường thì trọng tâm nên đặt vào hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật, thúc đẩy phát triển thị trường nhân tố sản xuất.
PV: Theo ông, đâu là khâu quan trọng nhất để doanh nghiệp có thể phục hồi, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay?
TS Nguyễn Đình Cung: Trước mắt là đầu tư công, hai là tiếp tục giãn nộp thuế, ba là bổ sung thêm những gói hỗ trợ cần thiết, sau đó triển khai mạnh mẽ, quyết liệt bằng những công cụ, cách thức sáng tạo.
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đừng đặt ra những điều kiện, những quy định khiến chính sách không thực hiện được, thậm chí đi ngược lợi ích của chính sách. Ví dụ, cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương cho công nhân mà yêu cầu chứng minh tổn thất, đến khi chứng minh được đã qua rất nhiều tháng, hết hạn rồi, trong khi mục tiêu là trả lương để giữ công nhân ở lại doanh nghiệp.
Chúng ta phải tính lại kịch bản tăng trưởng. Rõ ràng, tăng trưởng hiện nay không thể cao được, thu ngân sách không thể nhiều được, trong khi chi ngân sách lại tăng lên. Cho nên, phải thay đổi chỉ tiêu bội chi ngân sách, trần nợ công để huy động mọi nguồn lực. Khi cần thiết có thể giảm một số loại thuế để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, dư địa chính sách không nhiều nên phải chọn trọng tâm để giải quyết. Theo tôi, trọng tâm hỗ trợ trước hết phải giữ lao động ở lại doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì việc làm, người lao động có thể giảm thu nhập nhưng đừng để bị đứt. Trong hỗ trợ thì cố giữ doanh nghiệp lớn vì nếu doanh nghiệp lớn thất bại thì rất khó quay trở lại... Tất cả vấn đề này phải tính toán, định lượng nhiều hơn và phải làm ngay từ bây giờ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Trong ngắn hạn, khi cầu giảm sút thì phải duy trì hoặc thúc đẩy tăng cầu. Về trung hạn và dài hạn, không áp dụng “làm theo quy định, tiến theo quy trình” mà những gì pháp luật không cấm thì được làm, không chỉ tự do làm gì mà làm thế nào cũng được tự do. |
Minh Loan
-
Giải pháp phát triển các giống cây đậu tương trong tương lai
-
Hướng tới đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
-
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Đánh giá 5 năm thực hiện quy hoạch báo chí
-
Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững
-
Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN