Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ cuối)
Cũng giống như ông Ngô Thường San, ông Nguyễn Xuân Nhự - Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình, nguyên Vụ phó Vụ Dầu khí - Văn phòng Chính phủ - rất trăn trở với đề án xây dựng Khu lưu niệm dầu khí Đồng bằng sông Hồng. Ông Nhự chia sẻ, đây không những là mong muốn của riêng cá nhân ông, của Chi hội Dầu khí Thái Bình mà còn là mong muốn của rất nhiều người làm dầu khí.
Ông Nguyễn Xuân Nhự và ông Trần Đình Thành bên một mẫu vật sưu tầm trong phòng truyền thống |
Ông Nhự nói thêm, đề án này đã được đưa ra bàn rất kỹ. Hội Dầu khí Việt Nam thống nhất đưa ra phương án sẽ xây dựng một khu lưu niệm của ngành Dầu khí dựa trên những nơi quan trọng trong suốt quá trình hoạt động tại Đồng bằng sông Hồng. Đó là trụ sở hoạt động cũ của Công ty Dầu khí I (nay là vị trí của Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Thái Bình - Thái Bình PSC); trạm khai thác khí Tiền Hải (nơi đặt vị trí “Giếng Tổ”); giếng khoan 82 (giếng khoan phát hiện nước khoáng) và vị trí cuối cùng là giếng khoan 100 (giếng khoan sâu đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam).
“Đây là ý kiến rất nghiêm túc, rất xác đáng. Trách nhiệm của ngành Dầu khí là phải lưu giữ lại những gì thuộc về quá khứ, là nguyện vọng của các thế hệ dầu khí đi trước. Chúng tôi mong muốn tại trụ sở cũ Công ty Dầu khí I sẽ xây dựng 1 tòa nhà 3 tầng có diện tích 150m2. Trong đó, tầng trên cùng sẽ làm 1 phòng lưu niệm, tầng 2 làm hội trường, phòng khách và tầng 1 làm văn phòng làm việc của xí nghiệp nước khoáng PSC. Nơi này sẽ bàn giao cho PSC vận hành, bảo quản, bảo dưỡng nhà lưu niệm”, ông Nhự nói.
Khu công nghiệp Tiền Hải có rất nhiều nhà máy làm các sản phẩm gốm, sứ, gạch xây dựng. Vì thế, khắp khu công nghiệp bụi đất phủ kín. Vượt qua con đường gập ghềnh và bụi mịt mù, đi qua cầu Long Hầu, chúng tôi đến chi nhánh Công ty Dầu khí Sông Hồng để thăm trạm xử lý khí và giếng khoan đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.
Ông Ngô Văn Kha - Phó giám đốc Công ty Dầu khí Sông Hồng - dẫn chúng tôi vòng ra phía sau dãy nhà cũ kỹ, được xây từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Giếng khoan đầu tiên của ngành Dầu khí và hệ thống van đối áp đầu tiên được đặt trang trọng trong khuôn viên được xây cẩn thận bằng đá granite. Vị trí miệng giếng được đặt một tảng đá to, bên trên khắc dòng chữ “Giếng khoan 61 - phát hiện khí đầu tiên tại Việt Nam” và ngày tháng khởi công, ngày tháng kết thúc.
Xa phía bên trái là hệ thống xử lý khí đầu tiên do các kỹ sư người Việt chế tạo từ các vật liệu cũ. Ở gara là các xe Gaz dùng để chuyên chở ống chống, các thiết bị xây dựng, các bộ phận của giàn khoan từ thập niên 60-70. Hầu như những thứ liên quan đến giếng khoan 61 đều còn được lưu trữ khá nguyên vẹn.
Trụ sở cũ của Công ty Dầu khí I, nay là nơi làm việc của Thái Bình PSC |
Khi chúng tôi đề cập đến việc xây dựng khu lưu niệm dầu khí, ông Ngô Văn Kha nói: “Việc xây dựng khu lưu niệm dầu khí cần thiết lắm, vì Đồng bằng sông Hồng là khu vực đầu tiên chúng ta khai thác dầu khí. Muốn giáo dục truyền thống cho thế hệ những người dầu khí sau này thì không gì tốt bằng những hiện vật rõ ràng như giếng khoan 61, như hệ thống xử lý khí đầu tiên...”.
Tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi tìm gặp ông Trần Đình Thành - Giám đốc Thái Bình PSC. Dẫn chúng tôi đi tham quan trụ sở cũ của Công ty Dầu khí I, ông Thành chia sẻ những quan điểm của mình: “Tòa nhà này nguyên vẹn từ thời đó đến nay. Ở đây còn lưu giữ chai dầu đầu tiên, những hình ảnh tư liệu, những mũi khoan và công cụ dụng cụ đầu tiên của ngành, những kỷ vật đó vẫn được lưu giữ tạm thời trên phòng truyền thống. Quá khứ và hiện tại vẫn đang tồn tại, vậy tại sao chúng ta không làm, không thực hiện những ý tưởng lưu giữ, để là nơi cho sinh viên địa chất về thăm quan tìm hiểu, là nơi giáo dục cho lớp trẻ sau này biết “nghề tổ” đã có bước đi đầu tiên như thế nào?”.
Bước đầu, những kỷ vật về những năm tháng hoạt động đầu tiên của ngành Dầu khí đã được sưu tầm lưu trữ cẩn thận trong phòng lưu niệm tại Thái Bình PSC. Đó là những hiện vật quan trọng, là cơ sở để sau này xây dựng một khu lưu niệm quy mô hơn, xứng đáng với ý nghĩa và tầm vóc của ngành Dầu khí.
Trăn trở về vấn đề này, ông Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - nói: “Thái Bình là cái nôi của ngành Dầu khí, là nơi đặt nền móng cho ngành. Vì vậy, một khu lưu niệm để lưu trữ những giá trị tốt đẹp, để giáo dục truyền thống cho ngành Dầu khí là cần thiết lắm. Tôi muốn cùng mọi người chung tay góp sức lưu giữ tất cả những gì đã có trong quá trình thăm dò, khai thác dầu khí của Đồng bằng sông Hồng, từ hình ảnh, hồ sơ ban đầu cho đến vật tư, thiết bị và dấu tích của công tác khoan thăm dò. Năm 2019 kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí thực hiện mong ước của Bác Hồ, nên việc triển khai đề án xây dựng Khu lưu niệm thăm dò, khai thác dầu khí khu vực Đồng bằng sông Hồng là rất ý nghĩa. Khu lưu niệm sẽ giúp các thế hệ sau thấy được quá trình phát triển của ngành, cũng như hiểu hơn về đóng góp của những người cán bộ đầu tiên của ngành Dầu khí”.
Ngành Dầu khí đã và đang phát triển mạnh mẽ, là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có một khu lưu niệm về những tháng ngày gian khổ đầu tiên của ngành. Với ý nghĩa lịch sử của ngành Dầu khí, những gì còn lưu lại rất cần được quy hoạch thành một khu lưu niệm để thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của của những người làm dầu khí hiện nay với thế hệ đi trước, để cho những thế hệ trẻ của ngành Dầu khí hiểu được nỗi vất vả của những người đầu tiên đi tìm nguồn “vàng đen” quý giá cho đất nước.
Hội Dầu khí Việt Nam thống nhất đưa ra phương án sẽ xây dựng một khu lưu niệm của ngành Dầu khí tại Đồng bằng sông Hồng. Đó là trụ sở hoạt động cũ của Công ty Dầu khí I; trạm khai thác khí Tiền Hải (nơi đặt vị trí giếng khoan đầu tiên của ngành Dầu khí); giếng khoan 82 (giếng khoan phát hiện nước khoáng) và giếng khoan 100 (giếng khoan sâu đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam). |
Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ 7) |
Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ VI) |
Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ V) |
Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ IV) |
Thanh Hiếu - Quang Hưng
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản tuần qua: Yêu cầu kiểm tra các bất động sản có yếu tố thổi giá
-
Lâm Đồng: Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược
-
Nam Định- Thái Bình: Khẩn trương, gấp rút phòng chống siêu bão
-
Thái Bình giữ nguyên diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải
-
Thái Bình phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường