Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ 7)
Kỳ 7: Tri ân với cội nguồn "Đất tổ"
Sau khi Hội Dầu khí Việt Nam được thành lập vào năm 2009, những chi hội dầu khí ở các vùng, các tỉnh, thành phố lần lượt được thành lập. Từ năm 2009 đến nay, Hội Dầu khí Việt Nam đã dần trở thành nơi hội tụ tâm sức, trí tuệ của những người làm công tác khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý... Hội thực sự đủ sức mạnh để thực hiện tốt việc tư vấn, phản biện, tham mưu cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên khi có yêu cầu.
Ông Nguyễn Xuân Nhự, Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình (trái) trao đổi cùng Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San |
Tiếp nối những hoạt động của Hội Dầu khí Việt Nam, Chi hội Dầu khí Thái Bình sau khi được thành lập có nhiều hoạt động mang tính chuyên môn cao. Ông Nguyễn Xuân Nhự, Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình cho biết, đến nay chi hội đã có 11 hội viên tập thể và 83 hội viên cá nhân, trong đó có 16 hội viên là cán bộ hưu trí. Chi hội Dầu khí Thái Bình cũng đồng thời là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2012-2017), mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn thể hội viên của Chi hội Dầu khí Thái Bình đã tham gia tích cực nhiều hoạt động của chi hội như: Góp ý kiến cho Đề án Đánh giá tài nguyên than Đồng bằng sông Hồng của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam; viết đề cương và chuẩn bị tư liệu để viết lịch sử Công ty Dầu khí I; tham gia cuộc thi viết những kỷ niệm sâu sắc về ngành Dầu khí; đề xuất với Hội Dầu khí Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình…
Trong các hoạt động chuyên môn của Chi hội Dầu khí Thái Bình, hoạt động nổi bật nhất là việc tham gia tư vấn, phản biện về Đề án đánh giá trữ lượng than ở Đồng bằng sông Hồng. Chi hội Dầu khí Thái Bình đã đưa ra những ý kiến rất thực tế là để đánh giá trữ lượng than ở bể than này, hoàn toàn có thể sử dụng những dữ liệu thăm dò địa chất của ngành Dầu khí, không cần thực hiện hàng trăm mũi khoan thăm dò như đề án của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đưa ra, giúp tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách Nhà nước.
“Đánh giá về than tuy không phải là công việc của các nhà địa chất dầu khí, nhưng có thể khẳng định rằng, tài liệu dầu khí bảo đảm chính xác về cấu trúc địa chất, tài liệu mẫu lõi. Đặc biệt, tài liệu karota giúp xác định chính xác vị trí, chiều dày vỉa than. Nói cách khác, chúng ta dễ dàng biết rõ quy luật phân bố than tại Đồng bằng sông Hồng”, ông Nguyễn Xuân Nhự khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Nhự cũng cho biết, Chi hội Dầu khí Thái Bình kết hợp cùng Hội Dầu khí Việt Nam đang đề xuất Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo khoa học về đưa khí ở vịnh Bắc Bộ vào bờ. Hội thảo sẽ có tên “Nâng cao hiệu quả sử dụng khí của khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ”. “Trữ lượng khí hiện nay khoảng 70 tỉ m3, nếu đưa vào bờ thì rất tốt cho việc phát triển năng lượng, kinh tế cho khu vực Bắc Bộ”, ông Nhự nói thêm.
Về định hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tiếp theo, Chi hội Dầu khí Thái Bình sẽ đoàn kết, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách tích cực, chủ động kiện toàn tổ chức, phát triển hội viên tham gia các hoạt động phong phú của Hội Dầu khí Việt Nam.
Chi hội Dầu khí Thái Bình sẽ thường xuyên tổ chức sinh hoạt toàn chi hội để tìm hiểu về lịch sử, cập nhật thông tin về hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên; tích cực tham gia sinh hoạt, tư vấn hoặc triển khai các công việc khác theo yêu cầu của Hội Dầu khí Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình.
Ngoài ra, Chi hội Dầu khí Thái Bình còn tư vấn lập đề án xây dựng Khu lưu niệm thăm dò, khai thác dầu khí khu vực đồng bằng sông Hồng. Đề án đã được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chấp thuận về chủ trương và giao cho Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn thực hiện. Chi hội tiếp tục tư vấn cho Công ty Dịch vụ Dầu khí Thái Bình xây dựng phòng truyền thống thăm dò, khai thác dầu khí Đồng bằng sông Hồng.
Ông Nguyễn Xuân Nhự chia sẻ, ngay sau khi ra đời, Chi hội Dầu khí Thái Bình đã được đón nhiều đoàn và nhiều cán bộ lão thành của ngành Dầu khí về thăm. Trong khi trò chuyện, tâm tình về quá khứ và ngay trong các hội nghị của chi hội, mọi người đều ủng hộ và rất tâm đắc với ý kiến của Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San về việc xây dựng tại đây một khu lưu niệm về cội nguồn với tên gọi Khu lưu niệm thăm dò dầu khí Đồng bằng sông Hồng.
Chi hội Dầu khí Thái Bình tổng kết hoạt động năm 2018 |
Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Thái Bình cũng rất quyết tâm làm việc này với ý tưởng xây dựng phòng truyền thống thăm dò dầu khí Đồng bằng Sông Hồng. Với vai trò tư vấn, Chi hội Dầu khí Thái Bình đã tích cực cùng công ty gửi thông báo tới các cán bộ đã từng làm công tác thăm dò dầu khí tại Đồng bằng Sông Hồng để thu thập tài liệu và hiện vật liên quan, bước đầu đã thu được rất nhiều tư liệu, hình ảnh và hiện vật quý giá.
“Chi hội Dầu khí Thái Bình và Hội Dầu khí Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện nguyện vọng chính đáng này và ý tưởng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Đó là sự tri ân quá khứ, tri ân cội nguồn, nơi có căn cứ đầu tiên điều hành công tác thăm dò dầu khí, nơi có “Giếng tổ”… Đó cũng là sự tri ân mảnh đất và người dân Thái Bình đã cưu mang, sát cánh cùng ngành Dầu khí trong những tháng năm gian khó nhất”, Chủ tịch Chi hội Dầu khí Thái Bình chia sẻ.
Chi hội Dầu khí Thái Bình kết hợp cùng Hội Dầu khí Việt Nam đang đề xuất Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả sử dụng khí của khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ”; tư vấn lập đề án xây dựng Khu lưu niệm thăm dò, khai thác dầu khí khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đề án đã được lãnh đạo Tập đoàn chấp thuận về chủ trương và giao cho Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp thực hiện. |
(Xem tiếp kỳ sau)
Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ VI) |
Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ V) |
Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ IV) |
Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí (Kỳ II) |
Thanh Hiếu - Quang Hưng