Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khí
Kỳ I: Nơi khởi đầu thực hiện ước nguyện của Bác Hồ
Dòng khí đầu tiên phun lên từ khoan trường 61 (còn gọi là “Giếng tổ”) là kết quả của rất nhiều năm tháng kiếm tìm dầu khí, là kết quả của cuộc trường chinh “đi tìm lửa” trong lòng đất. Kết quả này chứng minh tầm nhìn xa trông rộng và ước nguyện của Bác Hồ về ngành Dầu khí Việt Nam từ 16 năm trước khi Người tới thăm khu công nghiệp dầu khí Baku.
Bác Hồ - Người đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam
Mùa Đông năm 1975 rất lạnh. Cả miền Bắc chìm trong những cơn gió mùa Đông Bắc và mưa phùn. Trên nền trời xám xịt ở xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình hiện lên sừng sững một giàn khoan có tháp khoan cao 50m. Trong vùng không có một công trình nào cao hơn, đứng phía bên kia con sông Trà Lý vẫn còn nhìn thấy tháp khoan này. Trong trí nhớ của những người dân vùng Tiền Hải, lá cờ đỏ sao vàng no gió kiêu hãnh bay phần phật trên đỉnh tháp khoan là một phần ký ức không quên. Những con người trên khoan trường ấy làm việc miệt mài trong mưa gió rét buốt, trong tin thắng trận của Chiến dịch Hồ Chí Minh bay về dồn dập từ miền Nam.
Thái Bình - “cái nôi” của ngành Dầu khíBác Hồ ở Khu công nghiệp dầu khí Baku (ảnh tư liệu) |
Đó là khung cảnh tại xã Đông Cơ những ngày tháng 3-1975 theo trí nhớ của những người tại khoan trường 61. Ngày 18-3-1975, tại khoan trường này, chúng ta tìm thấy dòng khí phun lên. Đó là một ngày trọng đại với ngành Dầu khí Việt Nam. Ở thời điểm hiện nay, chuyện phát hiện dầu khí là rất bình thường. Nhưng thời điểm năm 1975, đó là một sự kiện trọng đại của đất nước, là kết quả của rất nhiều năm tháng kiếm tìm dầu khí, là kết quả của cuộc trường chinh đi tìm lửa trong lòng đất. Kết quả này chứng minh tầm nhìn xa trông rộng và ước mong của Bác Hồ về ngành Dầu khí nước nhà từ 16 năm trước. Giấc mơ dầu khí của Việt Nam bắt đầu từ Bác Hồ, từ Baku, Cộng hòa Azerbaijan, vào năm 1959.
Ngược thời gian, năm 1959, trong chuyến thăm Cộng hòa Azerbaijan, khi đến thăm Khu công nghiệp Dầu khí Baku vào ngày 23-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các lãnh đạo và kỹ sư dầu khí của nước bạn rằng, Việt Nam có biển, chắc chắn sẽ có dầu. Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Azerbaijan nói riêng sẽ giúp Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Baku. Đó là câu nói thể hiện mong muốn và quyết tâm xây dựng một ngành Dầu khí vững mạnh của Bác Hồ. Có thể nói, Bác Hồ là người đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Trước đó, từ những năm 1956 đến năm 1959, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục gửi một số học sinh đi học về địa chất, dầu khí tại Liên Xô và Rumani. Những người học dầu khí được đào tạo tại Trường Đại học Dầu khí Mátxcơva (Liên Xô) và Trường Đại học Dầu khí và Địa chất Bucharest (Rumani). Những người được học về địa chất và địa vật lý chung được đào tạo tại Trường Đại học Địa chất thăm dò Mátxcơva. Bên cạnh đó có những người học ngành địa chất trong nước. Sau khi tốt nghiệp, họ đã tham gia ngay vào công tác địa chất, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam. Đây là lớp cán bộ đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.
Những bước “tìm lửa” đầu tiên
Trước khi các nguồn năng lượng thay thế như điện gió, điện mặt trời phát triển, dầu mỏ là một trong những nguyên liệu quan trọng nhất của đời sống hiện đại. Từ dầu mỏ tạo ra điện, tạo ra năng lượng cho các phương tiện giao thông vận tải, tạo ra chất dẻo và nhiều sản phẩm khác.
Vì thế, Bác Hồ và Chính phủ quyết tâm tìm được dầu, quyết tâm xây dựng cho đất nước một ngành Dầu khí vững mạnh. Những tổ chức dầu khí đầu tiên của đất nước được thành lập nhằm hiện thực hóa ước mong đó của Bác Hồ và Chính phủ.
Từ những cán bộ đầu tiên của ngành Dầu khí được đào tạo trong nước và các nước Đông Âu, ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất đã thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 (được gọi tắt là Đoàn 36 hoặc Đoàn Địa chất 36). Sau đó, ngày 27-11 được lấy là Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam. Đây là tổ chức đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam, có nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Khi thành lập, Đoàn 36 đặt trụ sở tại Hà Nội, rồi liên tục di chuyển vì chiến tranh. Đến năm 1966, Đoàn 36 sơ tán về thôn Bình Kiều, xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Thời điểm đó, Đoàn 36 có 211 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 123 công nhân, 22 kỹ thuật viên, kỹ sư, 36 người làm nhiệm vụ hành chính và 15 kỹ sư Liên Xô.
Trạm xử lý khí đầu tiên và “Giếng tổ” tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình |
Trong trí nhớ của ông Phan Minh Bích, nguyên Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật thuộc Tổng cục Dầu khí, những năm đầu mới thành lập, dù được tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng việc tìm kiếm dầu khí của Đoàn 36 hết sức khó khăn. Năm 1963, ông Bích giữ chức vụ Đoàn phó Đoàn 36. Ông nhớ thời điểm đó, việc tính toán số liệu của cả Đoàn 36 chỉ dựa vào chiếc máy tính Nisa của Liên Xô. Thô sơ như vậy, nên anh em phải làm ngày làm đêm. Vượt qua tất cả, những bước đầu tiên của cuộc trường chinh tìm lửa trong lòng đất được tiến hành.
Trong hồi ký của TS Trương Minh, nguyên Viện phó Viện Dầu khí, có đoạn viết: “Ngày 25-6-1962, Hưng Yên lồng lộng trời xanh, mùa lúa nước dậy thì mơn man hương đồng gió nội. Hai ngọn cờ đỏ đuôi nheo phần phật gió chắn hai đầu đường đồng đầy cỏ may. Hai tốp bảo vệ đeo băng đỏ vừa nghiêm trang vừa tươi cười hướng dẫn bà con đi vòng lối khác. Một việc làm, hai tác dụng: Bảo vệ an toàn tính mạng và tránh gây nhiễu, ảnh hưởng độ chính xác của thí nghiệm.
Đúng giờ khai hỏa, 2,5kg thuốc nổ phát hỏa trên mặt đất. Một cột khói bốc cao. Đồng ruộng, nhà cửa rung lên như động đất, nước sóng sánh tràn bờ, tràn lên mặt đường. Trạm máy địa chấn SS-24P của Liên Xô và các máy thu sóng SP-1 đã ghi được các tín hiệu sóng phản xạ đầu tiên, 24 đường ghi trên giấy ảnh hiện lên các sóng địa chấn rõ nét tuyệt vời...”.
Đây là phát nổ địa chấn đầu tiên tại Đồng bằng sông Hồng nhằm phục vụ việc thăm dò dầu khí. Thời điểm đó và cả những năm sau này, tiếng nổ địa chấn là tiếng nổ báo hiệu những niềm vui, những hy vọng về một ngành công nghiệp dầu khí lớn mạnh. Khác hẳn với tiếng nổ từ bom Mỹ vẫn dội xuống miền Bắc trong thời kỳ này.
Trong hồi ức của những “người đi tìm lửa” từ những ngày đầu tiên, anh em Đoàn 36 mặc lửa bom của máy bay Mỹ dội xuống đầu, vẫn chân trần vác ống chống, thi công các khoan trường ở khắp miền Bắc để thăm dò địa chất, đặt nền móng cho công cuộc tìm kiếm dầu khí. Những dấu chân trần của anh em Đoàn 36 in khắp ruộng đồng, bãi bồi... ở Đồng bằng sông Hồng. Đó là những bước chân đầu tiên của cuộc trường chinh đi tìm lửa, đi tìm nguồn “vàng đen” trong lòng đất để hiện thực hóa ước mong của Bác Hồ, ước mong về một ngành Dầu khí vững mạnh của đất nước.
Từ những cán bộ đầu tiên của ngành Dầu khí được đào tạo trong nước và các nước Đông Âu, ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất đã thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 (được gọi tắt là Đoàn 36 hoặc Đoàn Địa chất 36). Sau đó, ngày 27-11 được lấy là Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam. |
(Xem tiếp kỳ sau)
Cần tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển ngành Dầu khí |
Dầu khí & bất đối xứng thông tin |
Thế và lực của dầu khí - Góc nhìn chuyên gia |
Thanh Hiếu - Quang Hưng
-
Điểm tin xây dựng - bất động sản tuần qua: Yêu cầu kiểm tra các bất động sản có yếu tố thổi giá
-
Lâm Đồng: Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược
-
Nam Định- Thái Bình: Khẩn trương, gấp rút phòng chống siêu bão
-
Thái Bình giữ nguyên diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải
-
Thái Bình phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường