Tạo sức bật cho công nghiệp hỗ trợ
PV: Theo ông, qua kết quả điều tra khảo sát của NCEIF thì quy mô và thực trạng phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương cần được nhìn nhận như thế nào?
Ông Nguyễn Viết Sê |
Ông Nguyễn Viết Sê: Theo số liệu thống kê trên địa bàn TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương thì 6 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng cao nhất hiện nay là dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử, hóa chất - cao su - nhựa, phương tiện vận tải.
Nếu căn cứ vào ngành sản xuất chính, kết quả khảo sát của chúng tôi tại 3 tỉnh thành nêu trên cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (tính cả doanh nghiệp dịch vụ công nghiệp) trên doanh nghiệp công nghiệp chính chỉ là 2,07 lần, trong đó thấp nhất là ngành cơ khí (1,7 lần), cao nhất là ngành ôtô (5,0 lần). Tỷ lệ này cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đơn cử như tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử trên doanh nghiệp lắp ráp điện tử Thái Lan là khoảng trên 50 lần.
Có thể nhìn nhận rằng, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển rất chậm so với nhu cầu của các doanh nghiệp công nghiệp chính và xuất khẩu, mặc dù TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương là địa bàn công nghiệp lớn nhất của cả nước, đứng đầu về thu hút đầu tư trong và ngoài nước, từng sớm có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn địa phương.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trình độ công nghệ, sản xuất và đầu tư trong doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương vẫn còn khá lạc hậu, ông có thể lý giải về vấn đề này?
Ông Nguyễn Viết Sê: Dù ở quy mô nào thì công nghệ luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nhìn chung, trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương còn lạc hậu và chậm được đổi mới, do đó đang và sẽ là trở ngại lớn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.
Chúng tôi đã khảo sát các chỉ tiêu sản xuất của doanh nghiệp như danh mục sản phẩm, khối lượng sản xuất, doanh thu, lợi nhuận trong 3 năm gần nhất. Kết quả cho thấy, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn rất nghèo nàn, phần lớn là sản phẩm gia công, có hàm lượng công nghệ thấp. Trong 627 doanh nghiệp điều tra, đang kinh doanh 460 mã sản phẩm và dịch vụ thì sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 46,7% (tính theo bảng mã sản phẩm công nghiệp do Tổng cục Thống kê ban hành), trong đó điện tử tin học có 27 mã sản phẩm, các bộ phận của ôtô có 15 mã sản phẩm.
PV: Ông đánh giá thế nào về mức ổn định thị trường đầu ra, đầu vào của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại các tỉnh, thành nêu trên?
Ông Nguyễn Viết Sê: Qua khảo sát thị trường đầu ra và đầu vào của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho thấy quy mô và mức độ bền vững của các liên kết thị trường giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các doanh nghiệp trong nước rất kém.
Hơn 74% doanh nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương mà chúng tôi khảo sát điều tra, kể cả doanh nghiệp FDI đều xác nhận rất quan tâm đến nhà cung cấp nội địa. Tuy nhiên, năng lực của các nhà cung ứng nội địa còn hạn chế so với yêu cầu của các nhà sản xuất lắp ráp.
Công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí còn yếu nên tỷ lệ nội địa hóa chưa cao như mong muốn
Để đánh giá mức độ ổn định của thị trường đầu ra, đầu vào của doanh nghiệp, chúng tôi đã khảo sát thời gian của các hợp đồng kinh tế. Kết quả cho thấy, hơn 80,6% số hợp đồng cung cấp đầu vào và 74% số hợp đồng tiêu thụ đầu ra của các doanh nghiệp có thời hạn dưới 1 năm, số hợp đồng trên 3 năm chiếm tỷ trọng không đáng kể. Vì vậy, tính ổn định lâu dài về thị trường đầu vào và đầu ra khá thấp và khó khăn lớn cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh và đầu tư cho tương lai.
PV: Theo ông, đâu là những rào cản, hạn chế từ chính sách hiện hành khiến cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung vẫn chưa có bước phát triển đột phá?
Ông Nguyễn Viết Sê: Chúng tôi không đi vào phân tích sâu tác động của chính sách, mà là khảo sát thông tin phản hồi chính sách từ phía các doanh nghiệp. Tổng hợp kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách trên thực tế khá thấp. Cao nhất là chính sách miễn giảm thuế và tiền thuê đất bình quân cũng chỉ có 45% doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ này của doanh nghiệp FDI là 52,4%, trong khi đối với doanh nghiệp tư nhân là 32,8%. Thấp nhất là chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực với tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng chỉ là 5,1%.
Kết quả phản hồi từ phía các doanh nghiệp cho thấy, nguyên nhân quan trọng nhất cản trở các doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách là do các chính sách thay đổi quá nhanh và thiếu nhất quán khi có tới 45,2% doanh nghiệp mà chúng tôi khảo sát đã xác nhận cả 3 nguyên nhân (thiếu thông tin, thiếu tư vấn, chính sách thay đổi quá nhanh) và 30% doanh nghiệp cho rằng, do chính sách thay đổi quá nhiều, quá nhanh.
Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành chính sách là biện pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
PV: Theo ông, đâu là những chính sách cần hỗ trợ, ưu đãi và những quy hoạch, chiến lược nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được phát triển lâu dài?
Ông Nguyễn Viết Sê: Kinh nghiệm của các nước đi trước về phát triển công nghiệp hỗ trợ như Nhật Bản, Thái Lan… cho thấy chính sách phát triển của Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của công nghiệp hỗ trợ.
Trong thời gian tới, về quy hoạch phát triển cần xác định rõ hơn những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực sự là lợi thế của Việt Nam, đủ điều kiện để tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị sản xuất cung ứng trong nước và khu vực. Chúng ta không nên phát triển tràn làn như hiện nay. Về chính sách khuyến khích và hỗ trợ cần tập trung mọi nguồn lực để giúp các doanh nghiệp giải quyết khâu yếu nhất là vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Vinh (thực hiện)
-
Cơ hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024
-
Sắp diễn ra Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam - VIETNAM EXPO lần thứ 33
-
Xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
-
Khai mạc triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2023
-
VIMEXPO 2023: Gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
-
Giá dầu hôm nay (23/10): WTI tăng, Brent giảm trong phiên
-
Điện Kremlin: BRICS không có mục tiêu đánh bại đồng đô la
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng